Thứ Bảy, 24/08/2019 09:21

Bộ, ngành, địa phương nào nằm trong nhóm giải ngân chậm?

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ (TTCP) về tình hình thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và vốn Trái phiếu Chính phủ 7 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính cho biết chỉ có 5 Bộ, ngành và 8 địa phương có số giải ngân đạt trên 60%, trong khi có đến 18 Bộ, ngành và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%…

Bộ, ngành, địa phương nào nằm trong nhóm giải ngân chậm?
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

7 tháng mới giải ngân chưa tới 1/3 kế hoạch

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, ước thanh toán 7 tháng năm 2019 là hơn 134.494 tỷ đồng, đạt 32,27% so với kế hoạch Quốc hội (QH) giao và đạt 35,35% so kế hoạch TTCP giao (cùng kỳ năm 2018 đạt 37,64% kế hoạch QH giao và 38,77% kế hoạch TTCP phủ giao).

Trong đó: Vốn trong nước gần 129.288  tỷ đồng, đạt 35,01% kế hoạch QH giao và đạt 37,58% kế hoạch TTCP giao (Vốn TPCP hơn  6.738 tỷ đồng, đạt 16,85% kế hoạch QH giao và đạt 19,16% kế hoạch TTCP giao; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia gần 4.651 tỷ đồng, đạt 25,84% kế hoạch giao. 

Vốn ngoài nước mới giải ngân hơn 5.206 tỷ đồng; đạt 10,96% kế hoạch QH giao và đạt 14,30% kế hoạch TTCP giao (cùng kỳ năm 2018 đạt 22,63% kế hoạch QH giao và 24,7% kế hoạch TTCP giao).

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nhìn chung, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 7 tháng năm 2019 các Bộ, ngành và địa phương thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Riêng vốn nước ngoài chỉ giải ngân thêm được khoảng 1.026 tỷ đồng so với ước 6 tháng. Bộ Tài chính cũng cho biết, có 5 Bộ, ngành và 8 địa phương có số giải ngân đạt trên 60%.Tuy nhiên, có tới 35 Bộ, ngành và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%; trong đó 18 Bộ, ngành và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%...

Trong số các Bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam và Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam là 1 đơn vị dẫn đầu Top chậm giải ngân với tỷ lệ 0%.

Tiếp theo là Hội Chữ thập đỏ (0,17%), Đài truyền hình Việt Nam (0,42%), Ủy ban Dân tộc (0,43%), Văn phòng TW Đảng (0,93%).  Nhóm có tỷ lệ giải ngân 1 chữ số là: Ngân hàng Nhà nước (1%), Hội Nhà báo (1,44%), Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (1,67%), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (2,5%)...

Nhóm có tỷ lệ giải ngân từ 10 đến dưới 20% gồm các Bộ, ngành như: Bộ Y tế (15,42% so với kế hoạch QH giao, 16,58% so với kế hoạch TTCP giao), Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (16,93%), Bộ GTVT (11,72% so với kế hoạch QH giao, 19,29% so với kế hoạch TTCP giao)...

Trong danh sách địa phương, Đồng Nai là địa phương duy nhất có tỷ lệ giải ngân dưới 20%, 7 tháng đầu năm 2019, địa phương này mới giải ngân được 13,34%.

Giải pháp mạnh

Ngày 21/8 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký công điện chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương liên quan thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019.

Công điện nêu rõ: Tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, ảnh hưởng đến các ngành, lĩnh vực, tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ, tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh và các hiệp định đã ký kết.

Theo công điện, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công hiện nay là do yếu tố chủ quan, nhất là những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện, như: Giao vốn chậm (cả TW và địa phương); dự kiến nhu cầu vốn chưa sát với khả năng thực tế giải ngân; công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm.

Việc giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; thanh, quyết toán còn chậm; công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành ở một số bộ, cơ quan TW và địa phương chưa chủ động, thiếu quyết liệt; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao.

Tại Công điện trên, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương trong đó lưu ý Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, làm rõ nguyên nhân và trình Thủ tướng trong tháng 8/2019 việc giao hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách TW còn lại của năm 2019 (35.148 tỷ đồng); chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng về việc chậm phân bổ số vốn còn lại; Chú trọng theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công theo quy định pháp luật…

“Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW và Thủ trưởng các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các nhiệm vụ tại công điện này; kiểm điểm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, cản trở, gây chậm trễ trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công”- Công điện của Thủ tướng nêu rõ.

Linh Lan

Pháp luật VN

Các tin tức khác

>   Thủ tướng phê duyệt tổng biên chế công chức năm 2020 là 253.517 người (23/08/2019)

>   Nút thắt đầu tư công (22/08/2019)

>   "6 năm vẫn cứ giảm trừ thuế 3,6 triệu/người, các nhà làm luật dựa vào đâu?" (22/08/2019)

>   Kiên Giang xin ý kiến Bộ Chính trị lập thành phố Phú Quốc (21/08/2019)

>   Chính phủ "sốt ruột" vì Hà Nội, TP.HCM có tiền mà không tiêu được (19/08/2019)

>   GDP: Từ chóp đỉnh đến vực sâu! (18/08/2019)

>   Tổng cục Thống kê: 'Không dùng cách tính mới khi đánh giá lại GDP' (16/08/2019)

>   76.000 doanh nghiệp được tính thêm vào quy mô GDP (16/08/2019)

>   Nguy cơ lao động Việt Nam thua trên "sân nhà" (16/08/2019)

>   Việt Nam sẽ bị gắn mác “thao túng tiền tệ”? (15/08/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật