Chủ Nhật, 29/09/2019 11:00

Điện thoại thông minh bùng nổ ở Triều Tiên

Ngành công nghiệp điện thoại thông minh đang phát triển mạnh mẽ ở Triều Tiên nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân nước này.

Điện thoại thông minh bùng nổ ở Triều Tiên
Một thanh niên dùng smartphone dưới tàu điện ngầm ở Bình Nhưỡng. Thiện Nguyễn

Tại hội chợ thương mại diễn ra ở Bình Nhưỡng từ ngày 23 - 27.9, Công ty trao đổi công nghệ và kinh tế Jonsungs của CHDCND Triều Tiên đã ra mắt nhãn hiệu điện thoại thông minh (smartphone) mới Samthaesong. Trên một bảng hiệu đặt ngay cạnh cổng vào khu hội chợ, Samthaesong được quảng cáo có “3 camera” và sử dụng hệ điều hành Android 9.0. Theo trang NK News, Công ty Jonsungs và Samthaesong chưa được truyền thông nhà nước Triều Tiên đề cập hay được nhìn thấy tại các hội chợ thương mại trước đó. Đây được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy việc kinh doanh smartphone đang phát triển mạnh ở Triều Tiên.

Chuộng hàng nội địa

Điện thoại phổ thông vẫn đang được sử dụng rộng rãi ở Triều Tiên, nhưng kể từ năm 2013, dịch vụ cung cấp smartphone được cho là gia tăng nhanh chóng ở Bình Nhưỡng và nhiều thành phố lớn khác của Triều Tiên. Trong thời gian đầu, phần lớn smartphone là những mẫu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên sau khi smartphone nội địa Arirang ra mắt vào tháng 8.2013, khách hàng Triều Tiên được cho là chuyển sang dùng hàng trong nước, trong đó có những mẫu gần đây như Pyongyang và Jindallae, theo tờ Hankyoreh. Giá cả dao động từ 100 - 500 USD (khoảng 2 - 12 triệu đồng). Trong khi đó, những smartphone nổi tiếng như iPhone không được bán công khai, nhưng các thương gia và giới nhà giàu Triều Tiên có thể mua từ nước ngoài và sử dụng sim trong nước, theo Reuters.

Mặc dù ngành sản xuất smartphone đang phát triển mạnh ở Triều Tiên, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu phát triển xã hội thông tin Hàn Quốc Kim Bong-sik khẳng định miền Bắc không thể sản xuất điện thoại thông minh mà không sử dụng linh kiện hay công nghệ nước ngoài. Hồi năm 2017, Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết cấm Triều Tiên nhập khẩu phần cứng điện thoại di động sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân. Dữ liệu hải quan cho thấy Triều Tiên nhập khẩu 82 triệu USD mặt hàng điện thoại di động từ Trung Quốc trong năm 2017, nhưng con số này giảm xuống còn 0 vào năm 2018 do tác động của lệnh trừng phạt. Tuy vậy, giao thương không chính thức dọc biên giới Trung - Triều dường như vẫn đang diễn ra, theo Reuters dẫn lời một số nhà quan sát về Triều Tiên.

“Nguồn thu lớn”

Dịch vụ điện thoại di động có mặt tại Triều Tiên vào năm 2002, nhưng mãi đến năm 2008 mới phát triển. Đó là lúc công ty viễn thông Ai Cập Orascom lập Koryolink, công ty liên doanh với Công ty viễn thông và bưu chính Triều Tiên. Trong năm đầu tiên chỉ có 1.694 người dùng, nhưng con số này nhảy vọt lên 1 triệu trong vòng 3 năm. Hiện nay, Triều Tiên có 2 công ty viễn thông khác là Kang Song Net và Byolm có thể cạnh tranh một phần với Koryolink. Các nhà kinh tế ước tính có tới 6 triệu người Triều Tiên đang sử dụng điện thoại di động, chiếm khoảng 1/4 dân số nước này, theo Reuters.

Sự bùng nổ của ngành công nghiệp điện thoại di động được cho là xuất phát từ nhu cầu thực tế về liên lạc và kết nối trong nền kinh tế thị trường không chính thức ở Triều Tiên. Kiểm tra giá cả thị trường, tỷ giá hối đoái, đặt hàng cho sản phẩm và giao hàng, tất cả đều diễn ra trên điện thoại di động. “Điện thoại di động là thứ phải có nếu bạn muốn sống ở Triều Tiên”, một phụ nữ đào tẩu khỏi Triều Tiên hồi năm 2017 khẳng định với Hankyoreh. Theo một cuộc khảo sát mới đây do Tổ chức Vì một Triều Tiên ở Hàn Quốc tiến hành với 126 người đào tẩu Triều Tiên sử dụng điện thoại di động, hơn 90% cho hay điện thoại di động đã giúp cải thiện cuộc sống hằng ngày của họ và 50% cho biết họ dùng thiết bị này cho các hoạt động thị trường. “Hàng triệu người đang sử dụng điện thoại di động và cần thiết bị này để kiếm sống hoặc phô trương sự giàu có của mình”, Giám đốc điều hành Tổ chức Vì một Triều Tiên Shin Mi-nyeo nhận định với Reuters.

Tuy điện thoại di động ngày càng trở nên thiết yếu với người dân Triều Tiên, tất cả những hoạt động của họ trên thiết bị này không diễn ra qua mạng internet toàn cầu mà chủ yếu trên mạng Kwangmyong do chính quyền Triều Tiên quản lý. Ngoài ra, những thay đổi từ điện thoại di động hiện vẫn chỉ tập trung ở Bình Nhưỡng và các thành phố lớn, theo Hankyoreh. Cũng theo tờ báo Hàn Quốc, việc tiếp cận internet toàn cầu trước đây được cho là chỉ dành cho một số ít người ở Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng đã bắt đầu cấp quyền tiếp cận này cho du khách nước ngoài vào năm 2013. Giờ đây, người nước ngoài có thể thực hiện cuộc gọi điện thoại quốc tế và lên mạng bằng cách mua sim quốc tế USIM, nhưng không thể dùng sim này để gọi trong phạm vi Triều Tiên hoặc vào mạng Kwangmyong.

Văn Khoa

Thanh niên

Các tin tức khác

>   "Kỳ lân" Trung Quốc khát tiền mặt (28/09/2019)

>   Thị trấn thép thoi thóp vì thuế của Trump (27/09/2019)

>   Kinh tế số chiếm khoảng 10% GDP của Mỹ trong năm 2018 (27/09/2019)

>   Thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc? (27/09/2019)

>   Doanh số smartphone giảm tồi tệ nhất trong năm nay (27/09/2019)

>   Samsung đóng cửa nhà máy smartphone cuối cùng tại Trung Quốc (26/09/2019)

>   Fed sẽ lại tăng số dư trên bảng cân đối kế toán? (26/09/2019)

>   Bên trong sân bay 11,5 tỷ USD mới khai trương (26/09/2019)

>   Nhật Bản và Mỹ đạt thỏa thuận thương mại song phương (26/09/2019)

>   Trump: "Thỏa thuận với Trung Quốc sẽ sớm hơn bạn nghĩ" (26/09/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật