Dầu tiếp tục giảm khi OPEC+ không cắt giảm sản lượng mạnh hơn
Các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục suy giảm vào ngày thứ Năm (12/09), khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh nhắc lại cam kết giảm sản lượng hiện tại, nhưng không thể đưa ra thông báo cắt giảm sản lượng nhiều hơn khi một số dự kỳ vọng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ và Iran dịu bớt, MarketWatch đưa tin.
Trong thông cáo báo chí, Ủy ban Giám sát Bộ trưởng Chung (JMMC), cơ quan giám sát việc tuân thủ cắt giảm sản lượng theo thỏa thuận của OPEC+ bắt đầu hồi đầu năm nay, “nhấn mạnh đến sự cần thiết đối với việc tiếp tục cam kết cắt giảm sản lượng”. JMMC cho biết mức độ tuân thủ cam kết cắt giảm ở mức 136% trong tháng 8/2019.
Bộ trưởng Dầu mỏ Oman, Mohammed bin Hamad al-Rumhy, cho biết OPEC+ sẽ thảo luận về khả năng cắt giảm sâu hơn sản lượng hiện có khi nhóm này có cuộc họp vào tháng 12/2019. JMMC sẽ tổ chức cuộc họp tiếp theo tại Vienna vào ngày 04/12, trước khi cuộc họp của các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC diễn ra vào ngày 5-6/12.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10 trên sàn Nymex lùi 66 xu (tương đương 1.2%) xuống 55.09 USD/thùng, sau khi sụt gần 3% vào ngày thứ Tư (11/09), đánh dấu mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 03/09/2019, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 11 trên sàn Luân Đôn mất 43 xu (tương đương 0.7%) còn 60.38 USD/thùng, sau khi giảm 2.5% trong phiên trước đó.
Những người tham gia thị trường đã nâng khả năng OPEC+, một nhóm các thành viên OPEC và ngoài OPEC bao gồm Nga, sẽ hành động để ngăn chặn những diễn biến tiêu cực gần đây đối với giá dầu, trong bối cảnh báo cáo từ Bloomberg News cho biết rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thảo luận về việc nới lỏng trừng phạt Iran trong một động thái nhằm đảm bảo cho cuộc gặp với Hassan Rouhani, Tổng thống Iran, vào cuối tháng này.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng suy yếu sau khi một báo cáo định kỳ hàng tháng từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nguồn cung từ các nhà sản xuất ngoài OPEC sẽ tăng từ 1.9 triệu thùng/ngày trong năm nay lên 2.3 triệu thùng/ngày trong năm 2020. IEA dự báo tăng trưởng nhu cầu toàn cầu là 1.1 triệu thùng/ngày trong năm 2019 và 1.3 triệu thùng/ngày trong năm 2020.
OPEC vào ngày thứ Tư (11/09) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2019 và năm 2020, do dữ liệu yếu hơn dự báo trong nửa đầu năm nay từ các trung tâm nhu cầu khác nhau trên thế giới và dự báo tăng trưởng kinh tế ảm đạm.
Cũng trong ngày thứ Tư (11/09), Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa giảm 6.9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 06/09/2019, đánh dấu 4 tuần lao dốc liên tiếp, thấp hơn dự báo sụt 7.2 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API), nhưng cao hơn rất nhiều so với dự báo mất 3.6 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 10 lùi 1.1% xuống 1.553 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 10 mất 1% còn 1.8851 USD/gallon.
Trong khi đó, các hợp đồng khí thiên nhiên tăng nhẹ trong ngày thứ Năm khi EIA ghi nhận rằng nguồn cung khí thiên nhiên tăng 78 tỷ feet khối trong tuần kết thúc ngày 06/09/2019, thấp hơn so với dự báo vọt 87 tỷ feet khối từ cuộc thăm dò của Platts.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 10 tiến 0.9% lên 2.574 USD/MMBtu.
An Trần
Fili
|