Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc đi lùi, báo điềm chẳng lành về nền kinh tế
Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc lại suy yếu, báo hiệu về đà giảm tốc kinh tế ngày càng trầm trọng hơn - vốn là yếu tố có khả năng gây áp lực giảm phát đến nền kinh tế toàn cầu.
- Trong tháng 8/2019, chỉ số giá sản xuất giảm 0.8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn giảm yếu hơn dự báo -0.9% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg.
- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2.8% so với cùng kỳ năm trước, tăng nhanh hơn mức ước tính 2.7%.
- Sự suy yếu của chỉ số giá sản xuất gây tổn thương đến khả năng định giá hàng hóa của các nhà sản xuất và có nguy cơ gây ra áp lực giảm phát đến phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu thông qua xuất khẩu. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) vừa thông báo tung ra biện pháp nới lỏng tiền tệ mới trong tuần trước, bao gồm đợt hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng. Thế nhưng, các chuyên gia kinh tế cho biết cần thêm nhiều gói kích thích để thúc đẩy nhu cầu.
- “Sự kết hợp giữa CPI tích cực và PPI tiêu cực sẽ thể hiện rõ ở cả doanh nghiệp và người lao động ở một số lĩnh vực nhạy cảm với xuất khẩu như máy móc và thiết bị công nghệ thông tin”, Victor Shih, Giảng viên tại Đại học California ở San Diego và cũng là chuyên gia nghiên cứu về chính trị và tài chính Trung Quốc, cho hay. “Vào thời điểm cuộc chiến thương mại làm giảm khả năng định giá của các công ty này, họ cũng phải chịu áp lực chi trả tiền lương cho người lao động vì giá thực phẩm ngày càng leo thang. Điều này dẫn tới sự khó khăn về tài chính cho các công ty đang hứng chịu những áp lực trên”.
David Qu, Chuyên gia kinh tế tại Bloomberg, cho biết: “Áp lực giá ở Trung Quốc nhìn chung khá yếu ớt, ngay cả khi có lực đẩy mạnh từ lạm phát giá thực phẩm (vì giá thịt heo tăng mạnh). Đối với chúng tôi, rủi ro chính là giảm phát, hoặc ít nhất lạm phát suy giảm. Điều này tạo thêm áp lực để PBoC nới lỏng chính sách tiền tệ”.
NHTW Trung Quốc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Trong ngày thứ Sáu (06/09), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) thông báo sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho tất cả ngân hàng thương mại, giải phóng lượng vốn dài hạn khoảng 900 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 126 tỷ USD) và nhờ đó các ngân hàng có thể tăng cường cho vay, đồng thời hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ để vực dậy nền kinh tế.
Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc bớt 0.5 điểm phần trăm sẽ có hiệu lực từ ngày 16/09/2019, PBoC cho biết.
Động thái này sẽ tăng cường khả năng cho vay của các ngân hàng và quan trọng hơn là giảm chi phí sử dụng lượng vốn mà họ nhận được từ NHTW.
PBoC cũng hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc bớt 1 điểm phần trăm đối với một số ngân hàng thương mại đô thị nhất định. Đợt hạ 50 điểm cơ bản đầu tiên sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10/2019 và đợt thứ hai diễn ra vào 1 tháng sau đó, PBoC tiết lộ.
PBoC đưa ra động thái hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc sau khi Chính phủ Trung Quốc thông báo kế hoạch tăng cường kích thích kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt với áp lực suy giảm ngày càng nhiều vì thương chiến Mỹ-Trung.
Tại cuộc họp vào ngày thứ Tư (04/09), Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì, đã yêu cầu tăng cường đầu tư và hỗ trợ tín dụng để thúc đẩy nền kinh tế, công khai đề cập đến việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng như giảm lãi suất thị trường.
Thị trường kỳ vọng PBoC hạ lãi suất đối với cơ chế cho vay trung hạn (MLF) sau đó trong tháng này, từ đó cung cấp vốn giá rẻ cho thị trường liên ngân hàng.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|