Thứ Năm, 19/09/2019 08:37

Chênh lệch giá cao, lợn miền Nam "tìm đường" ra Bắc

Chỉ trong một tháng qua đã có hơn 1.500 chuyến xe chở lợn từ các tỉnh, thành phía Nam qua trạm kiểm dịch Ông Đồn (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) ra Bắc.

Thịt lợn được giết mổ, chuẩn bị cung ứng ra thị trường tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Theo con số thống kê, chỉ trong một tháng qua đã có hơn 1.500 chuyến xe chở lợn từ các tỉnh, thành phía Nam qua trạm kiểm dịch Ông Đồn (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) ra Bắc.

Nguyên nhân là do chênh lệch giá giữa miền Nam và miền Bắc, trong khi “cơn bão” dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp khiến nguồn cung khan hiếm.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, hiện nay, giá lợn hơi tại Đồng Nai dao động từ 41.000-43.000 đồng/kg. Trong khi giá lợn tại các tỉnh, thành phía Bắc có chung biên giới với Trung Quốc giá dao động ở mức 57.000-58.000 đồng/kg.

Ông Đoán cho rằng, do giá lợn chênh lệch cao là nguyên nhân khiến thương lái tìm mua lợn ở các tỉnh phía Nam đưa ra phía Bắc.

Một số thương lái thu mua lợn tại Đồng Nai cho biết, lợn chở ra phía Bắc chủ yếu xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, chỉ tính từ ngày 10/8 đến ngày 10/9/2019, có đến 1.541 xe tải chở lợn qua trạm kiểm dịch thú y Ông Đồn đi ra phía Bắc với số lượng gần 176.000 con. Số lợn trên chủ yếu được xuất bán từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Lãnh đạo Trạm kiểm dịch thú y Ông Đồn cho biết, tất cả các xe tải chở lợn chuyển từ các tỉnh phía Nam ra Bắc qua trạm đều được xét nghiệm dịch tả châu Phi và thực hiện các thủ tục kiểm dịch theo quy định. Phần lớn số lợn chở ra Bắc có trọng lượng khoảng 100 kg/con, mỗi xe chở khoảng 150 con và một số xe chở lợn ra các tỉnh miền Trung chủ yếu là lợn có trọng lượng từ 50-70 kg/con.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn của Đồng Nai khoảng 2,5 triệu con. Tuy nhiên, do dịch bùng phát mạnh khiến tổng đàn lợn của tỉnh đã giảm 50%, lượng lợn tiêu hủy do dịch bệnh hơn 375.000 con, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Ông Nguyễn Kim Đoán cho biết, hiện đàn lợn do người dân chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm hơn 80% và hiện nay chưa thể tái đàn do dịch vẫn đang bùng phát.

Trong khi người chăn nuôi lợn đang thiệt hại lớn do dịch tả châu Phi thì những loại hình chăn nuôi khác như gà, vịt cũng đang phải chịu lỗ nặng do giá giảm.

Ông Đoán cho biết, hiện nay, giá gà trắng công nghiệp tại Đồng Nai giảm xuống còn 12.000-13.000 đồng/kg; giá gà lông màu còn dưới 30.000 đồng/kg; giá vịt 30.000 đồng/kg. Với giá này, người chăn nuôi đang chịu lỗ nặng.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, tỉnh đã khuyến khích người dân chuyển đổi sang chăn nuôi các loại gia cầm để thay thế thịt lợn. Hiện tổng đàn gà của Đồng Nai đạt gần 25 triệu con, tăng hơn 16% so với tháng 4/2019. Do nguồn cung thịt gà tăng, trong khi người dân vẫn duy trì thói quen sử dụng thịt lợn khiến giá gà sụt giảm.

Sỹ Tuyên

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Giá gà rẻ hơn rau (18/09/2019)

>   Khó lọt cửa Trung Quốc, tôm hùm Mỹ 'bò' sang Việt Nam (16/09/2019)

>   Giá tôm bất ngờ tăng vọt, nhiều nông dân nuôi tôm trúng lớn (15/09/2019)

>   Coi Trung Quốc là thị trường dễ tính, xuất khẩu nông thủy sản có thể nhận "trái đắng" (14/09/2019)

>   Đài Loan tăng mua tôm sú Việt Nam (12/09/2019)

>   Liên kết sản xuất, lợi nhuận gấp đôi, nông dân Lâm Đồng vẫn ngại (08/09/2019)

>   Trồng bạt ngàn quả đỏ ruột trên đất bạc màu, làm giàu không khó (07/09/2019)

>   Thương lái thu gom heo bán sang Trung Quốc (07/09/2019)

>   Trung Quốc tính xả kho thịt heo (06/09/2019)

>   Thanh long, dưa hấu rớt giá còn 6.000 đồng/kg vì thị trường Trung Quốc bấp bênh (04/09/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật