Thứ Năm, 19/09/2019 09:38

Bloomberg: Cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang quá tải vì làn sóng dịch chuyển sản xuất

Cơ sở hạ tầng quá tải, giá thuê đất tăng cao, thiếu nhân công lành nghề đang là những trở ngại cho các doanh nghiệp muốn dịch chuyển đến Việt Nam...

Bloomberg: Cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang quá tải vì làn sóng dịch chuyển sản xuất
Ảnh: Bloomberg.com

Động lực tăng trưởng của Việt Nam hiện nay đang dựa chủ yếu vào tầng lớp trung lưu trẻ và đang phát triển, một loạt các hiệp định thương mại tự do cũng như ngành công nghiệp sản xuất bùng nổ. Các doanh nghiệp từ Google tới Crate & Barrel Holdings đều đang xếp hàng để được đầu tư vào Việt Nam, khi các chuỗi cung ứng đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Nhưng Việt Nam đang bị quá tải. Ngày càng nhiều doanh nghiệp phàn nàn về cảng và đường bị tắc nghẽn, chi phí bất động sản và tiền lương tăng vọt. Tapestry, chủ sở hữu của các thương hiệu Coach và Kate Spade, đã cho biết việc đầu tư cơ sở hạ tầng không đủ khiến cho một số container bị đình trệ trên vùng biển. Trong khi đó, Eclat Textile, nhà cung cấp của Nike, cho biết họ cần đa dạng hóa ngoài Việt Nam, bao gồm cả các địa điểm có chi phí thấp hơn.

Thiếu cơ sở vật chất

Cơ sở hạ tầng là thách thức lớn đối với Việt Nam, đặc biệt là tại các cảng. Theo Bloomberg Intelligence (BI), Trung Quốc có 6 trong số 10 cảng có lượng container lớn nhất thế giới - bao gồm cảng Thượng hải ở vị trí số 1. Trong khi đó, hai cảng lớn nhất của Việt Nam là TP.HCM và Cái Mép lần lượt ở vị trí 25 và 50.

Trong năm 2017, lưu lượng container ở Việt Nam chỉ chiếm 2,5% tổng lượng container toàn cầu trong khi Trung Quốc chiếm 40%. Do đó, để theo kịp nhu cầu mới, năng lực vận chuyển container của Việt Nam cần tăng trưởng gần gấp đôi tốc độ 10% -12% của thập kỷ trước, cũng như tăng gấp đôi trong các hoạt động giao nhận và vận chuyển hàng hóa của bên thứ ba.

Bloomberg: Cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang quá tải vì làn sóng dịch chuyển sản xuất

Chính phủ ước tính sẽ chi khoảng 80 - 100 nghìn tỷ đồng (3,44 - 4,31 tỷ USD) để phát triển hệ thống cảng biển. Song, việc nâng cấp các cảng hiện tại hay xây cảng mới vẫn chưa đem lại nhiều hiệu quả.

Theo phân tích của BI, sự tắc nghẽn tại các cảng dẫn tới chi phí tồn kho tăng và dây chuyền sản xuất ít đa dạng hơn, giao thương sẽ bị giới hạn ở những hàng hóa không quá nhạy cảm với thời gian. 

Do đó, Việt Nam cần  đầu tư thêm cho kho, cảng biển, nhà ga đường sắt, và kho container nội địa. BI cũng đề xuất thành lập một công ty vận tải container quốc gia hoặc cổ phần để hỗ trợ thương mại xuyên biên giới quy mô lớn. 

Nhu cầu vận tải vẫn đang tăng lên. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, hơn 530 triệu tấn hàng hóa đã được vận chuyển qua cảng biển Việt Nam, tăng 20% ​​so với một năm trước đó. Khối lượng hàng hóa xuất khẩu được xử lý lên tới 142,8 triệu tấn, tăng 15%. Và năm 2018, 18,1 triệu TEU container đã được vận chuyển, tăng 26% so với năm 2017.

Ông Tsai Wen Jui, chủ tịch của nhà sản xuất yên xe đạp của Đài Loan có nhà máy tại Bình Dương, DDK Group cho biết, với tình hình hiện tại, Việt Nam chắc chắn không thể đáp ứng nhu cầu của làn sóng dịch chuyển sản xuất. Ngay cả khi chỉ 5% các công ty Đài Loan tại Trung Quốc chuyển đến Việt Nam, cơ sở hạ tầng cũng sẽ bị quá tải.

Giá bất động sản tăng vọt

Không chỉ cơ sở hạ tầng, mà giá bất động sản cũng đang trở thành một trở ngại. Trong nửa đầu năm 2019, giá cho thuê bất động sản công nghiệp đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Bình Dương tăng 54,6%, Tây Ninh 31,1% và tại Hải Dương giá đã tăng 29,4%.

Bloomberg: Cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang quá tải vì làn sóng dịch chuyển sản xuất

Theo ông Tsai Wen Jui, chi phí thuê đất trong khu công nghiệp Bàu Bàng đã tăng lên 80 USD/m2, gấp đôi so với 3 năm trước. Tại Bình Dương, giá thuê đất một số khu đã tăng từ mức 65 USD/m2 trong năm 2016 lên 150 USD/m2 trong năm nay.

Thiếu lực lượng lao động

Trong một cuộc phỏng vấn, Huang Yung Cheng, Chủ tịch Hội đồng của Phòng Thương mại Đài Loan tại tỉnh Bắc Ninh, cho biết, Việt Nam rất khó để cung cấp lao động có trình độ cao cho các công ty công nghệ.

Các công ty Đài Loan cho biết họ cần thêm 20% đến 30% lao động trình độ cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn tới chi phí lao động cao hơn. Thực tế, tại Bình Dương, mức lương của lao động phổ thông đã tăng khoảng 60% mỗi năm.

Hà Linh

Nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   4 trạm BOT Bình Phước giảm phí vì tỉnh nghèo (18/09/2019)

>   Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: Pháp luật không quy định "phạt cho tồn tại" nữa (18/09/2019)

>   Trưởng BQL Thủ Thiêm nói gì về "giá đất Thủ Thiêm chỉ hơn 10 triệu"? (18/09/2019)

>   BOT Thái Nguyên - Chợ Mới chuẩn bị thu phí trở lại trạm quốc lộ 3 (17/09/2019)

>   Nguy cơ ra tòa và thiệt hại hàng tỉ USD vì metro chậm tiến độ (17/09/2019)

>   Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về quy hoạch xây dựng  (17/09/2019)

>   Nhà nước bảo đảm cho BOT không cẩn thận gánh nợ rất dài (16/09/2019)

>   Quỹ đất ở Thủ Thiêm sẽ thu về gần 22.000 tỉ đồng cho TP.HCM? (16/09/2019)

>   Có giải kẹt được sân bay Tân Sơn Nhất? (16/09/2019)

>   Khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tiên: Khẳng định tầm vóc quốc gia (16/09/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật