VOF - VinaCapital: Chặng đường phía trước còn lắm chông gai
Mặc dù căng thẳng có vẻ như đang leo thang và các điều kiện kinh tế toàn cầu còn lắm bất ổn, VOF - VinaCapital tin tưởng rằng các điều kiện vĩ mô của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Tháng 7/2019 có vẻ là tháng tốt lành chứng khoán Việt, trong đó VN-Index tăng 4.8% (xét bằng đồng USD), vượt trội hơn so với các thị trường mới nổi (giảm 1.7%), khi căng thẳng thương mại lắng xuống theo thời gian và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất thôi thúc nhà đầu tư tìm tới những tài sản rủi ro cao (như cổ phiếu).
Thị trường chứng khoán Việt cũng hưởng lợi từ mùa báo cáo tài chính quý 2/2019 khá tích cực, trong đó lãi ròng trung bình của các công ty tăng trưởng 4.7% trong nửa đầu năm 2019.
Vào thời điểm cuối quý 2/2019, các khoản đầu tư vào nhóm ngành bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng chiếm hơn 33% danh mục của VOF - VinaCapital.
Cơ cấu danh mục VOF phân theo loại tài sản và ngành
Nguồn: VOF - VinaCapital
|
Hai cổ phiếu niêm yết chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của Quỹ cũng thuộc nhóm bất động sản và vật liệu xây dựng, đó là HPG và KDH.
Về HPG, theo VOF thì kết quả kinh doanh của ông lớn này tích cực hơn dự báo nhờ thành tích tốt trong quý 2/2019. Lý do chính khiến lãi ròng HPG suy giảm là tác động từ giá quặng sắt cao, nhưng VinaCapital kỳ vọng việc khởi động nhà máy thứ ba ở Quảng Ngãi sẽ làm gia tăng sản lượng của Hòa Phát trong nửa cuối năm. Nếu giá quặng sắt vẫn còn cao (tăng 38% từ đầu năm 2019), thì VinaCapital dự báo lãi ròng 2019 của HPG sẽ giảm nhẹ so với năm trước.
Đối với KDH, hầu hết lợi nhuận nửa đầu năm 2019 của doanh nghiệp này đến từ hoạt động đặt chỗ đối với dự án căn hộ và một số lô đất. Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, KDH tiết lộ giá bán của một trong những dự án lớn của Công ty (vốn sẽ được tung ra vào nửa sau năm 2019) cao hơn ước tính của các chuyên viên phân tích khoảng 50% và dự án này sẽ là yếu tố mang lại nguồn thu chính trong giai đoạn 2019-2020.
Danh sách 10 cổ phiếu niêm yết chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục VOF
Nguồn: VOF - VinaCapital
|
Trong báo cáo lần này, VOF cũng dành thời gian để cập nhật tình hình của 2 khoản đầu tư lớn vào cổ phần niêm yết khác ACV và VNM.
Về ACV, doanh nghiệp này ghi nhận lãi ròng 6 tháng đầu năm 2019 đạt 159 triệu USD, trong đó lợi nhuận cốt lõi lên đến 170 triệu USD (tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và có loại bỏ đi khoản lỗ vì tỷ giá). VOF cho biết, ACV thông báo sẽ hoãn kế hoạch bảo trì đường băng. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu ACV là việc niêm yết lên HOSE bị chậm trễ vì phía doanh nghiệp chưa tìm được cách giải quyết đối với đường băng (vẫn còn phải chờ xem liệu Chính phủ sẽ bán đường băng cho ACV hay cho thuê). Tuy nhiên, gần đây, một công ty chứng khoán lớn đã công bố báo cáo cho biết ACV có thể giải quyết xong vấn đề này trước quý 3/2019 và có thể niêm yết lên HOSE vào quý 1/2020.
Về VNM, động lực mang lại kết quả tốt cho đại gia ngành sữa là doanh thu xuất khẩu đạt 178.7 triệu USD (tăng 15% trong nửa đầu năm 2019) và biên lãi gộp tăng trưởng nhờ phần đóng góp lớn hơn của các sản phẩm cao cấp và giá sữa bột thấp hơn. Tỷ lệ tăng trưởng doanh số nội địa của VNM đạt 6% trong nửa đầu 2019.
Các điều kiện vĩ mô của Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định
Về tình hình vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2019 tăng 2.44% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn nhiều so với mức 4.5% của tháng 7/2018, chủ yếu là do đà lao dốc của giá thực phẩm và sự ổn định của giá dầu.
Giá thực phẩm suy yếu vì tác động tạm thời liên quan đến cơn sốt dịch tả lợn Châu Phi. Điều này nghĩa là lạm phát có khả năng chạm tới mức 3.5-4% trong năm 2019. Cụ thể hơn, người nông dân đang tích cực bán lợn sau khi trường hợp tả lợn Châu Phi đầu tiên ở Việt Nam nổ ra vào tháng 2/2019. Kết quả là giá lợn giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng sản lượng sản xuất của Việt Nam gần như giữ nguyên ở mức 10.8% trong nửa đầu năm 2019 và 10.7% xét trong 7 tháng đầu năm; điều này được phản ánh vào đà tăng nhẹ của chỉ số PMI tháng 7/2019 của Việt Nam, ở mức 52.6. Tăng trưởng cơ sở công nghiệp được hỗ trợ bằng đà tăng 7% lên 10.6 tỷ USD của lượng vốn FDI giải ngân, mặc dù FDI đăng ký mới giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Đà giảm chủ yếu là do Việt Nam hút vốn FDI cao bất thường trong tháng 6/2018 (10.4 tỷ USD), bao gồm khoản đầu tư vào dự án phát triển bất động sản 4.1 tỷ USD của Sumitomo ở Hà Nội.
Trái ngược với đà giảm chung, lượng FDI từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam tăng gấp đôi từ 1.1 tỷ USD lên 2.5 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2019, nhờ đó Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn thứ ba ở Việt Nam trong năm nay (xét trên lượng FDI đã đăng ký).
Diễn biến trên khá tích cực đối với nền kinh tế việt Nam, nhưng lại làm dấy lên lo ngại các công ty Việt có thể nhập khẩu hàng Trung Quốc và sau đó xuất khẩu lại cho nước Mỹ. Do đó, Việt Nam có thể bị Mỹ áp các biện pháp trừng phạt, nhất là khi thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng từ 13.8 tỷ USD (trong 7 tháng đầu năm 2018) lên 24.2 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2019.
Tuy vậy, tổng thặng dư thương mại của Việt Nam lại giảm từ 2.6 tỷ USD (trong 7 tháng đầu năm 2018) xuống 1.7 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2019. Bất chấp đà giảm này, tính đến cuối tháng 7, tiền Đồng tăng giá 0.4% so với tháng trước và 0.1% so với đầu năm 2019.
Gần đây, Mỹ vừa gắn nhãn thao túng tiền tệ cho Trung Quốc sau khi Bắc Kinh để Nhân dân tệ rớt ngưỡng quan trọng 7 đổi 1 USD. Mặc dù căng thẳng có vẻ như đang leo thang và các điều kiện kinh tế toàn cầu còn lắm bất ổn, VinaCapital tin tưởng rằng các điều kiện vĩ mô của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Thừa Vân - Vũ Hạo
FILI
|