Việt Nam ảnh hưởng gì nếu chiến tranh tiền tệ Mỹ - Trung nổ ra?
Thách thức, áp lực - đó là nhận định của các chuyên gia, người trong cuộc về ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung, cũng như chiến tranh tiền tệ (nếu có) giữa hai nước này đối với Việt Nam.
Thương chiến Mỹ - Trung leo thang, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc được dự báo sẽ gặp khó khăn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
|
Ông Nguyễn Văn Tuấn (chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam):
Ngành sợi thiệt hại gần nửa tỉ USD
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng khá nặng đến việc xuất khẩu sợi cotton của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong thời gian qua.
Nguyên nhân là khi thương chiến nổ ra, Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ giảm, khiến họ tự chủ động giảm nguồn cung, từ sản xuất cho đến nhập khẩu. Không những thế, Trung Quốc liên tục ép giá doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam để giảm bớt thiệt hại từ chính sách đánh thuế của Mỹ.
Trong khi đó, ba quốc gia đang cung cấp chính nguồn sợi cho Trung Quốc hiện nay là Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan thì vẫn giữ nguyên năng lực cung ứng. Nhưng khi Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất ra sợi là bông từ Mỹ (chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm, thanh toán bằng đồng USD), Ấn Độ không chỉ tự chủ hoàn toàn về nguồn nguyên liệu bông mà họ cũng chủ động phá giá đồng tiền của họ. Nên lợi thế cạnh tranh của Ấn Độ về mặt bằng giá hiện đang chiếm thế thượng phong do giá bán của họ đang rẻ hơn của Việt Nam.
Do đó, nếu tính thêm yếu tố tỉ giá đồng nhân dân tệ đang bị phá giá, ngành sợi xuất khẩu từ Việt Nam đang bị lép vế hoàn toàn. Tôi ước tính xuất khẩu của ngành sợi Việt Nam trong năm nay sẽ giảm từ 10-15% so với năm ngoái, giá xuất bán từ 3,5 USD/kg hiện xuống còn 2,8 USD/kg thì doanh nghiệp sẽ bị "bay" mất không dưới 500 triệu USD.
Ông Nguyễn Quốc Anh (chủ tịch Hội Cao su - nhựa TP.HCM):
Sản phẩm trong nước bị cạnh tranh gay gắt
Một số sản phẩm cao su xuất khẩu của Việt Nam hiện có trùng với một số mặt hàng mà Trung Quốc cũng đang xuất khẩu đi các nước, như lốp xe, hay phụ tùng cao su. Nên khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) xuống 7 NDT "ăn" 1 USD, hàng xuất đi từ Việt Nam sẽ gặp khó khăn rất nhiều do bị đắt hơn.
Trong khi tại thị trường nội địa, sản phẩm của Trung Quốc cũng đang khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp trở ngại rất nhiều. Đơn cử cũng mặt hàng lốp xe, trước khi Trung Quốc phá giá đồng NDT xuống mức sâu như hiện nay, lốp xe trong nước đã không thể cạnh tranh nổi so với hàng nhập khẩu từ nước họ rồi.
Nay ngưỡng tiền phá giá của NDT tiếp tục tạo khoảng cách thì mức chênh lệch càng tăng lên thêm, càng làm cho doanh nghiệp thêm điêu đứng, hàng tồn kho tăng cao là điều khó tránh khỏi.
TS Nguyễn Minh Sáng (ĐH Ngân hàng TP.HCM):
Nguy cơ thâm hụt thương mại
Trong trường hợp đồng NDT xuống quá thấp, nếu VNĐ vẫn giữ nguyên giá so với đồng USD hay NDT, áp lực lên hàng xuất khẩu của Việt Nam rất lớn.
Câu chuyện khác đang quan tâm ở đây là khi Trung Quốc bị hạn chế xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ thì hàng Trung Quốc sẽ chuyển hướng đi các nước. Áp lực của Việt Nam lúc này sẽ tăng gấp đôi: nguy cơ thâm hụt thương mại cao với Trung Quốc và áp lực can thiệp thị trường tiền tệ. Những điều này đẩy rủi ro cho Việt Nam trong bối cảnh có quy định hàng "made in Việt Nam" chưa rõ ràng.
Do đó, để ứng phó thương chiến Mỹ - Trung đang có nguy cơ lan ra cuộc chiến tiền tệ, Việt Nam cần phải chủ động theo dõi, các chính sách điều hành tỉ giá cần thận trọng. Đặc biệt, cần sớm thống nhất và ban hành quy chế hàng sản xuất tại Việt Nam, chủ động trao đổi thông tin với các bên liên quan và minh bạch thông tin trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ.
Một ngày bốc hơi 117 tỉ USD
Ngày 5-8 (giờ Mỹ) tính tới thời điểm này là ngày tồi tệ nhất của năm 2019 với thị trường chứng khoán Mỹ khi hàng loạt chỉ số chính giảm điểm.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và chỉ số S&P 500 đều giảm khoảng 3% trong ngày này. Từ đó kéo theo khoảng 117 tỉ USD giá trị vốn hóa thị trường đã "bốc hơi" khỏi tổng tài sản ròng gộp lại của 500 tỉ phú giàu nhất thế giới chỉ trong một ngày duy nhất đó.
5-8, ngày buồn cho chứng khoán Mỹ. Trong ảnh: nhân viên giao dịch tại sàn chứng khoán New York (NYSE) - Ảnh: Reuters
Ngày 6-8, tỉ giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã ổn định sau khi Bắc Kinh có những động thái kiểm soát, ngăn không cho đồng nội tệ tiếp tục lao dốc. Dù vậy, chứng khoán thế giới vẫn tiếp tục giảm sau khi chính quyền Mỹ tuyên bố Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ.
Theo Hãng tin Reuters, chỉ số Shanghai Composite Index giảm 1,6% xuống mức thấp nhất khi chốt phiên so với thời điểm kể từ tháng 2. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng chốt phiên ngày 6-8 ở mức thấp nhất kể từ tháng 1.
Dẫu thế, khác với tình trạng lao dốc được ví như "theo chiều thẳng đứng" tại Mỹ, các thị trường chứng khoán tại châu Á đều giảm điểm ở mức nhỏ, chẳng hạn cả hai chỉ số Nikkei và Hang Seng đều chỉ giảm chưa đến 1% lúc chốt phiên ngày 6-8, theo trang Foreign Policy.
Ở nơi khác, các thị trường tại Úc, Nhật và trên toàn khu vực Đông Nam Á cũng giảm điểm. Chứng khoán châu Âu trong ngày 6-8 có phần ổn định hơn sau hai ngày giảm mạnh nhất trong vòng 3 năm qua dẫn tới bán tháo hàng loạt.
|
TRẦN VŨ NGHI - N.BÌNH - KIM THOA
Tuổi trẻ