Thứ Hai, 05/08/2019 17:24

“Tôi không nghĩ rằng chiến tranh tiền tệ sẽ xảy ra”

Với một loạt chuỗi sự kiện kinh tế liên tiếp diễn ra như việc Fed hạ lãi suất, Mỹ tuyên bố áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, Nhân dân tệ giảm giá, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, về các vấn đề trên.

* “Đồng Nhân dân tệ mất giá sẽ không kéo theo chiến tranh tiền tệ”

* Bóng ma chiến tranh tiền tệ đang trở lại?

* Virus “lãi suất âm” và chiến tranh tiền tệ

“Tôi không nghĩ rằng chiến tranh tiền tệ sẽ xảy ra”
Ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Ngày cuối tháng 7, lãi suất cho vay qua đêm tham chiếu được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm 0,25 điểm phần trăm, về 2-2,25%. Ông đánh giá thế nào về việc này?

Về lý thuyết, khi lãi suất một đồng tiền thấp xuống thì đồng tiền đó sẽ bị suy yếu bởi tỷ giá hối đoái.

Đây là đợt hạ lãi suất đầu tiên của Fed kể từ năm 2008, thời điểm u ám nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Động thái trên từ Fed và mức độ cắt giảm cơ bản không nằm ngoài dự báo chung của thị trường.

Tuy nhiên, Fed giảm lãi suất thì dù nhìn ở góc độ nào đi chăng nữa cũng có một phần áp lực từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump muốn Fed giảm lãi suất và mong đồng USD cũng phải suy yếu.

Lý luận của vị tổng thống Mỹ là tại sao Trung Quốc có thể phá giá đồng CNY để tạo thuận lợi cho xuất khẩu được mà Mỹ lại không thể phá giá đồng USD. Điều này đã được ông Trump thể hiện rõ quan điểm từ trước khi lên làm tổng thống.

Tại cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hai bên hầu như mới sử dụng duy nhất một loại "vũ khí" đó là áp thuế lên hàng nhập khẩu. Ông nhìn nhận thế nào về việc Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế quan 10% lên nốt 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc?

Để nhìn vấn đề này, chúng ta phải nhìn bức tranh tổng thể. Bức tranh tổng thể đó là Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào tháng 11/2020, bản thân ông Donald Trump cũng phải vận động tranh cử ở rất nhiều bang.

Ông Trump rất mong muốn chiếm được tình cảm cử tri Mỹ bằng thế mạnh điều hành kinh tế. Người Mỹ sẽ nhìn những thành tựu nền kinh tế của họ để chấm điểm cho Trump.

Thực tế cho thấy, nền kinh tế Mỹ từ 2016 đến nay đã đạt được thành quả lớn. Ví dụ như lạm phát ở mức thấp, tỷ lệ thất nghiệp thấp… nói chung tăng trưởng kinh tế Mỹ đều tốt. Nhìn dưới góc độ kinh tế thì ông Trump đã thành công trong chuyện đưa nền kinh tế Mỹ lên ở một giai đoạn rất tốt.

Tuy nhiên, kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn vì nhiều lý do thì kinh tế Mỹ cũng có một phần nào gặp khó.

Ở khía cạnh khác, như ta đã biết, mới đây, phái đoàn đàm phán của Mỹ do Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu hy vọng phía Trung Quốc sẽ cam kết mua một lượng lớn nông sản Mỹ.

Sau cuộc đàm phán, Mỹ ra thông báo phía Trung Quốc đã khẳng định cam kết mua nông sản Mỹ nhưng không cung cấp thông tin chi tiết. Tiếp đó, ông Trump tuyên bố đánh tiếp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Như vậy, có thể nhìn nhận, đây là vấn đề ông Trump đang vận động tranh cử, đang muốn có lá phiếu từ những người nông dân. Bởi lẽ, Mỹ đã phải đưa 16 tỷ USD để hỗ trợ các nông dân bị ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại.

Theo ông, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể bị chuyển sang thành cuộc chiến tiền tệ không?

Trước hết, tỷ giá hối đoái không thể do một nước nào tự định đoạt được. Tỷ giá CNY không chỉ mình Trung Quốc quyết định, trừ khi đi theo chế độ tỷ giá hối đoái cố định.

Nhưng CNY lại đi vào rổ tiền thế giới, Trung Quốc muốn được quốc tế hóa CNY, đó là một ý tưởng họ đã theo đuổi bấy lâu. Từ đó Trung Quốc không thể sử dụng chính sách tỷ giá hối đoái cố định và đồng CNY được định giá do các lực lượng cung cầu thị trường ngoại hối quốc tế đặt ra.

Ngược lại, Mỹ là một trong những thị trường ngoại hối lớn. Khi Trung Quốc mong CNY mất giá nhiều thì Mỹ cũng mong USD mất giá nhiều. Trung Quốc biết, nếu nhảy vào lĩnh vực này là sẽ khơi mào cho cuộc chiến tranh tiền tệ.

Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng chiến tranh tiền tệ xảy ra, cũng không nghĩ Trung Quốc phá giá đồng CNY đến mức nào đó theo ý thích của mình.

Bởi như trên, ông Trump dạo gần đây luôn nhắc đến việc Trung Quốc phá giá CNY mà Mỹ sao lại không thể phá giá đồng USD.

Đồng CNY chỉ như một yếu tố trong tổng thể cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Mục đích cuối cùng của Mỹ vẫn là rút lại thâm hụt thương mại với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Trung Quốc không hề muốn bị liệt vào nước bị thao túng tiền tệ, họ cũng muốn khi đàm phán phải có nhiều mặt thuận lợi.

Với loạt diễn biến trên, tỷ giá USD/VND có đáng lo không thưa ông?

Tôi chỉ sợ USD tăng lãi suất thì USD trở thành hầm trú ngụ cho nhiều dòng vốn. Nhưng khi USD giảm lãi suất tức sẽ bị suy yếu trong tương lai nếu không có những nhân tố khác.

Chúng ta đều biết Fed phải rất cân đối, đưa ra các yếu tố chiến tranh thương mại trong việc xem xét các nhân tố vĩ mô của Mỹ để quyết định. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, từ nay đến cuối năm, Fed còn cắt giảm lãi suất thêm 2 lần nữa.

Cùng đó, về góc độ mong muốn, ông Trump và Chính phủ Mỹ mong muốn đồng USD suy yếu nên USD không thể tăng giá lúc này.

Còn về phía Việt Nam, dòng vốn nước ngoài trực tiếp và gián tiếp vẫn liên tục đổ vào nhờ lạm phát thấp và tỷ giá hối đoái ổn định.

Vì vậy, khi USD không thể tăng giá và với lượng cung ngoại tệ dồi dào, tỷ giá năm nay sẽ tiếp tục ổn định, câu chuyện điều hành tỷ giá cũng thuận lợi hơn nhiều.

Đào Hưng

VnEconomy

Các tin tức khác

>   “Đồng Nhân dân tệ mất giá sẽ không kéo theo chiến tranh tiền tệ” (05/08/2019)

>   Sacombank gia tăng đồng hành cùng doanh nghiệp (05/08/2019)

>   Điểm sáng tín dụng vào bất động sản (05/08/2019)

>   Tỷ giá trung tâm tiếp tục "cán" mốc mới, giá USD “dậy sóng” (05/08/2019)

>   Kẻ cướp dùng súng cướp ngân hàng ở TP.HCM bị khởi tố (03/08/2019)

>   Bước tiến mới của ngân hàng trong cuộc chiến chống tín dụng đen (03/08/2019)

>   Tỷ giá trung tâm “leo” đỉnh mới, giá USD “nổi sóng” (02/08/2019)

>   Ngân hàng Nhà nước không cấp phép ví điện tử cho Pay Asian (01/08/2019)

>   HDBank tối ưu hóa lợi nhuận tiền “nhàn rỗi” (02/08/2019)

>   Thu hút huy động hiệu quả, các ngân hàng đang làm tốt vai trò của mình (01/08/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật