Tiền đâu mua trái phiếu doanh nghiệp?
Thông thường, doanh nghiệp sẽ không phát hành trái phiếu một khi họ còn khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, vấn đề ở đây là người mua lại chủ yếu là các ngân hàng thương mại. Trái phiếu là kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp nên cần khuyến khích, nhưng nó cũng cần được giám sát chặt chẽ.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt rủi ro trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Cơ quan quản lý cho biết, trong những tháng đầu năm nay, số dư đầu tư trái phiếu của một số ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và đang tăng nhanh.
Căn cứ vào tình trạng hiện nay, NHNN chỉ đạo các ngân hàng không được mua trái phiếu doanh nghiệp để cơ cấu lại (nói trắng là đảo nợ) các khoản nợ của doanh nghiệp; kiểm soát việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vào các chương trình, dự án bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành mà tổ chức này kinh doanh bất động sản; tăng cường giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích, hạn chế phát sinh nợ xấu; rà soát việc đầu tư trái phiếu chuyển đổi đối với những doanh nghiệp có số dư cao, vay mượn tại nhiều ngân hàng khác nhau.
Số dư chính xác bao nhiêu?
Vậy số dư trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm đến nay là bao nhiêu? Hồi đầu tháng 7-2019, khi Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Ban Chỉ đạo trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp, ông được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo trong nửa đầu năm nay tổng số trái phiếu doanh nghiệp phát hành khoảng 60.000 tỉ đồng, chủ yếu cho tổ chức, không bán cho cá nhân.
Con số này thấp hơn nhiều so với số liệu thống kê của Hiệp hội Trái phiếu và của một số công ty chứng khoán là khoảng 116.000 tỉ đồng. Một ngân hàng ước tính, đến giữa tháng 8-2019, số lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành tầm 130.000-140.000 tỉ đồng.
Trong khi nhiều doanh nghiệp niêm yết tiếp tục công bố phát hành trái phiếu chuyển đổi, không chuyển đổi hoặc pha trộn cả hai với lãi suất cao hơn hẳn lãi suất tiết kiệm, một số công ty địa ốc đã tung ra chiêu mới, theo đó thay vì nộp tiền mua căn hộ, đất nền, khách hàng mua trái phiếu doanh nghiệp với các kỳ hạn khác nhau từ sáu tháng trở lên, đến thời điểm trái phiếu đáo hạn, nếu thủ tục pháp lý của dự án căn hộ vẫn chưa hoàn tất, người mua trái phiếu được nhận lại tiền gốc cộng lãi. Còn ai muốn đợi đến khi nhận căn hộ thì lại mua trái phiếu tiếp...
Ở đây không bàn về lãi suất trái phiếu cao hơn mặt bằng chung, tác động bất lợi đến khả năng huy động vốn của ngân hàng và chủ trương ổn định lãi suất của cơ quan quản lý nhằm hỗ trợ tăng trưởng GDP. Điều cần quan tâm là tiền đâu mua trái phiếu doanh nghiệp? Và thực sự dòng tiền trái phiếu này đang chảy đến những địa chỉ nào?
Người dân đang được chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ thực trái phiếu doanh nghiệp được phát hành cho công chúng khá thấp. Các ngân hàng khẳng định hiếm người chọn trái phiếu doanh nghiệp thay vì gửi tiết kiệm. Môi giới của các công ty chứng khoán xác nhận, hàng trăm cú điện thoại và e-mail gửi đi cho khách hàng về phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới có một hồi âm.
Mặc dù ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán cho biết chưa xảy ra hiện tượng đến hạn tổ chức phát hành không thanh toán được gốc và lãi cho người mua, nhưng thứ hàng hóa này không thực sự thuyết phục được cá nhân bỏ tiền vào. Tỷ lệ cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp, theo ước tính sơ bộ của một công ty chứng khoán đang dẫn đầu thị trường về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chỉ khoảng 6-7%.
Vẫn tiền ngân hàng là chính
Một số công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp nhưng không nhiều. Đa số người mua trái phiếu doanh nghiệp, cuối cùng, là các tổ chức tín dụng. Do đầu tư trái phiếu doanh nghiệp được tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng và phải báo cáo NHNN, đồng thời phải có tài sản đảm bảo, nên một số ngân hàng không muốn thực sự công khai toàn bộ nghiệp vụ này.
Họ ủy thác đầu tư cho một số công ty con, công ty liên kết hoặc rót tiền dưới những hình thức tài trợ tài chính khác nhau để những nơi này đứng ra mua trái phiếu. Các khoản tiền rót ra, lấy về, có thể luân chuyển linh hoạt từ ngân hàng đến tổ chức mua trái phiếu và ngược lại tại một số thời điểm nhạy cảm như cuối quí, cuối năm, nhằm tránh những số liệu đột biến, gây nghi ngờ trên báo cáo tài chính.
Thông thường doanh nghiệp sẽ không phát hành trái phiếu một khi họ còn khả năng tiếp cận vốn ngân hàng. Họ buộc phải phát hành trái phiếu khi hạn mức tín dụng mà ngân hàng cấp cho đã sử dụng hết; hoặc ngân hàng không còn dư địa cho vay trong một số lĩnh vực (thí dụ kinh doanh bất động sản) dù doanh nghiệp còn hạn mức vay; hoặc doanh nghiệp không còn gì làm tài sản thế chấp trừ cổ phiếu của chính mình (trong khi dư địa cho vay chứng khoán bị hạn chế và không được khuyến khích). Không ít trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo.
Ngân hàng là người nắm rõ hơn các chủ thể khác tình hình tài chính của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu và không phải doanh nghiệp nào phát hành trái phiếu cũng bán được. Để gọi vốn thành công, đơn vị phát hành trái phiếu thường có mối quan hệ “trên mức bình thường” với ngân hàng như công ty sân sau. Cho vay công ty sân sau đang bị thanh tra ngân hàng giám sát ngặt nghèo, vì thế phát hành trái phiếu doanh nghiệp xem ra “dễ thở” hơn.
Hiện có những ý kiến khác nhau về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Có chuyên gia kinh tế cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển và đây là một kênh huy động vốn cho nền kinh tế nên cần khuyến khích. Chủ trương phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp được đa số ủng hộ, tuy nhiên phát triển như thế nào lại là chuyện khác.
Muốn người dân mua trái phiếu doanh nghiệp, trước hết phải xếp hạng tín nhiệm đơn vị phát hành, công khai, minh bạch, mà hệ thống đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp ở Việt Nam chưa có. Trên thị trường chỉ lẻ tẻ vài công ty định giá tín nhiệm doanh nghiệp, nhưng uy tín của chính họ còn là câu hỏi. Bởi thế khi tiền ngân hàng chảy vào trái phiếu doanh nghiệp qua cả cửa trước và cửa sau thì NHNN buộc phải lên tiếng và vào cuộc.
Hải Lý
TBKTSG