Chủ Nhật, 28/07/2019 14:00

Những ngày đi mua trái phiếu doanh nghiệp

Tôi bước vào phòng giao dịch của Ngân hàng TMCP V cách nơi ở không xa một sáng thứ Bảy gần đây để gửi tiết kiệm. Cô nhân viên tại quầy giao dịch số 2 còn rất trẻ và khá xinh xắn. Sau khi xem xét và so sánh lãi suất các kỳ hạn tôi quyết định gửi sáu tháng.

Khi ấy cô nhân viên bèn nói: “Bên em có sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), lãi suất cũng tương đương tiền gửi sáu tháng, nhưng kỳ hạn chỉ ba tháng thôi. Chị có muốn tham khảo không?”. Nghe có vẻ hấp dẫn, tôi đồng ý.

TPDN hiện nay ngày càng phổ biến. Ảnh minh họa Thành Hoa

Cô bắt đầu giải thích cặn kẽ đấy là trái phiếu của một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và nêu ra cái tên tôi chưa hề nghe thấy bao giờ. Doanh nghiệp này không có trụ sở ở TPHCM mà ở một địa phương gần thành phố. Thay vì nhận sổ tiết kiệm như gửi tiền vào ngân hàng, tôi sẽ nhận một tờ chứng chỉ TPDN, trên đó ghi giá trị bằng số tiền tôi mua, lãi suất là 7,5%/năm cho ba tháng (90 ngày).

Trên chứng chỉ có ghi rõ tên công ty, ngày tháng phát hành, chữ ký của chủ tịch hội đồng quản trị và đóng dấu đỏ. Vì kỳ hạn chỉ có 90 ngày nên tôi không thể bán lại trái phiếu cho công ty để nhận lại tiền nếu cần. Cô nhân viên nói rõ ngân hàng không bảo lãnh, không có trách nhiệm gì với trái phiếu cả, mà chỉ bán hộ doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo cô, doanh nghiệp này làm ăn tốt, đã được ngân hàng thẩm định và đánh giá an toàn.

Tôi lưỡng lự vì lãi suất tiết kiệm ba tháng ở ngân hàng tối đa hiện chỉ 5,5%/năm, đằng này trái phiếu doanh nghiệp trả 7,5%/năm, mức chênh lệch không hề nhỏ. Nhưng cô ấy đã nhấn mạnh ngân hàng không có trách nhiệm gì. Mà tôi chưa từng tiếp xúc doanh nghiệp kia, chưa từng nhìn thấy trụ sở của họ, đến cái tên cũng chưa biết. Ờ thì ngân hàng đã thẩm định, nhưng đó là cô nhân viên nói. Trên tờ chứng chỉ trái phiếu của doanh nghiệp nọ chẳng có chút nào “vết tích” ngân hàng. Lãi suất hấp dẫn thật, nhưng mà mông lung lắm.

“Chị quyết định thế nào?”- tiếng cô nhân viên cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. “Chị có thể tìm hiểu thêm về doanh nghiệp, thứ Hai quay trở lại cũng chưa muộn” - cô lại gợi ý. Tìm hiểu ư? Thông tin trên mạng có thể có, mà trên mạng thì tin tức nhiều vô kể, có đáng tin không? Phải đến tận nơi công ty mà hỏi. Theo địa chỉ thì nó xa thành phố. Giả dụ tôi đến tận nơi liệu có ai tiếp và cung cấp thông tin? Tôi quyết định gửi tiết kiệm cho chắc ăn, đỡ nặng đầu lo nghĩ, phấp phỏng.

Tôi đem chuyện TPDN kể với một người quen. Anh bảo lần sau anh sẽ giới thiệu cho một nơi để mua TPDN lãi suất cao mà tin cậy được. Trái phiếu này là của một tập đoàn kinh doanh đa ngành ở Hà Nội, mỗi đợt họ phát hành chừng 300 tỉ đồng qua ngân hàng Q, kỳ hạn 13 tháng, lãi suất 10,5%/năm. Ông chủ tịch tập đoàn kia có chân trong hội đồng quản trị ngân hàng Q và là bạn học của anh từ phổ thông. Cứ như anh nói thì nhiều người đăng ký mua, số tiền đăng ký còn vượt cả mức phát hành. 

Một bữa tôi rẽ vào chi nhánh của một ngân hàng cổ phần khác gần nơi làm việc. Ngân hàng này có tiếng chuyên trả lãi suất tiền gửi cao, cao hơn hẳn những ngân hàng bên cạnh. Họ còn có chính sách cộng thêm lãi suất cho người gửi từ 50 tuổi trở lên. Lần này tôi chủ động hỏi cô nhân viên ở bàn tư vấn về TPDN. Cô sốt sắng ngay: “Bên em đang bán TPDN của tập đoàn T, chị nghe chắc biết rồi”. Tôi gật đầu, tập đoàn ấy tên tuổi, nhiều người biết. “Đến mình còn biết nữa là” - tôi nhủ thầm.

Cô tên Tiên. Tiên rút từ ngăn kéo ra một tờ giấy khổ A4, kín hai mặt lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn từ 1-36 tháng, đủ loại sản phẩm từ tiết kiệm thông thường lãnh lãi cuối kỳ đến lãnh lãi hàng tháng, hàng quí. Sản phẩm có tên rất kêu như tài khoản Đắc lộc phát, Đắc lộc tài. Gửi trực tuyến lãi suất cao hơn gửi tại quầy. Phần cuối của trang giấy là mục trái phiếu đầu tư, Tiên bôi bút đỏ rồi giải thích cặn kẽ rằng có nhiều kỳ hạn khác nhau cho trái phiếu, tính theo ngày, từ 31-365 ngày. Lãi suất tăng dần theo kỳ hạn trái phiếu, cao nhất 9%/năm, số tiền mua tối thiểu 200 triệu đồng, được trả lãi sáu tháng một lần.

Người mua mở một tài khoản ở ngân hàng, đến ngày lãi sẽ tự động được chuyển vào tài khoản. Khi đáo hạn trái phiếu thì cả gốc và lãi đều được chuyển vào tài khoản, người mua trái phiếu nộp lại chứng chỉ trái phiếu và rút lại tiền.

Tiên rất niềm nở. Cô khuyên tôi nếu không có nhu cầu chi tiêu bất thường thì nên mua TPDN cố định, loại không chuyển nhượng giữa chừng được, kỳ hạn 365 ngày, lãi suất 9,5%/năm, trả lãi sáu tháng/lần. “Chị chẳng phải đi đâu cả, cũng không cần gặp doanh nghiệp, ngân hàng em làm hết” - cô thuyết phục tôi. “Thế lỡ doanh nghiệp không trả được tiền thì sao?”. Tiên khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Đây là doanh nghiệp uy tín, chị yên tâm. Họ phát hành trái phiếu nhiều đợt rồi, lần nào cũng trả gốc và lãi đúng hạn, sòng phẳng cho người mua”.

Và cô thúc giục: “Đợt phát hành này cũng gần hết rồi. Không phải lúc nào họ cũng phát hành trái phiếu đâu chị. Với lại lãi suất trái phiếu có thể giảm, lần sau lãi suất có thể thấp hơn”. Tôi xin số điện thoại liên lạc của Tiên, nói sẽ gọi lại cho cô sau và đi ra cửa.

TPDN hiện nay ngày càng phổ biến. Một nhân viên môi giới chứng khoán nói nếu không mua TPDN do các ngân hàng phát hành hộ, tôi có thể mua TPDN niêm yết trên sàn TPHCM. Trên sàn có trái phiếu của những doanh nghiệp lớn, đang niêm yết, tình hình tài chính công khai minh bạch hơn và có thể giao dịch trái phiếu hàng ngày như cổ phiếu, tức là cần tiền bán được ngay, thanh khoản tốt. Một số TPDN trên sàn Hose có tài sản đảm bảo, một số không.

“Liệu có chắc chắn 100% TPDN niêm yết được trả đủ gốc và lãi?” - tôi chưa hết băn khoăn. “Từ trước đến nay chưa xảy ra trường hợp nào TPDN niêm yết lỡ hẹn nhà đầu tư, gốc và lãi đều được trả đủ” - người nhân viên môi giới cho biết. “Còn đảm bảo chắc chắn 100% thì ai dám? Đầu tư cổ phiếu cũng có lúc doanh nghiệp gần như phá sản, giá chỉ còn chưa đầy 1.000 đồng/cổ phiếu. Cái gì cũng có rủi ro, nên mới có chuyện TPDN lãi suất cao hơn tiết kiệm ngân hàng. Dễ nhất, chắc chắn nhất cứ gửi tiền vào ngân hàng thôi” - anh kết luận.

Thành Nam

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Vietravel muốn phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu cho dự án Vietravel Airlines (26/07/2019)

>   Ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu (26/07/2019)

>   VPBank phát hành 300 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế (12/07/2019)

>   HAG và HNG chi gần 3,000 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn (04/07/2019)

>   HAG chi hơn 625 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn từ VPBank (25/06/2019)

>   SCR sẽ huy động 300 tỷ đồng trái phiếu (18/06/2019)

>   Trái phiếu doanh nghiệp: Kênh huy động vốn lành mạnh hay chỉ là “sân sau” của nhà băng? (18/06/2019)

>   KBC dự kiến huy động 200 tỷ đồng trái phiếu (14/06/2019)

>   VPBank dự định phát hành 1.12 tỷ USD trái phiếu quốc tế (14/06/2019)

>   Trên 60,000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được phát hành trong năm 2019 (07/06/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật