Thị trường M&A hạ nhiệt, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều nút thắt
Thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 dần hạ nhiệt, tổng giá trị thương vụ giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Một trong những lý do có thể là việc thiếu đi những thương vụ thoái vốn lớn của Nhà nước.
Tổng giá trị các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 đạt 1.9 tỷ USD, bằng 53% cùng kỳ năm 2018 (3.55 tỷ USD). Còn theo một thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giá trị nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 2.64 tỷ USD.
Thị trường M&A Việt Nam tiếp tục được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nội ngày càng tỏ rõ vị thế và có chiến lược chủ động, quyết liệt hơn để nâng cao vị thế thị trường.
Các lĩnh vực có hoạt động M&A sôi động nhất trong giai đoạn 2018-2019 tập trung vào những nhóm ngành, công ty có thị trường tiêu thụ nội địa như sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Bên cạnh đó, các thương vụ đáng chú ý cũng tập trung trong các ngành như tài chính, thủy sản, logistics, giáo dục…
Các thương vụ đầu tư, phát hành riêng lẻ đáng chú ý 2018-2019
|
Các thương vụ mua lại và sáp nhập đáng chú ý 2018-2019
Nguồn: Nhóm Nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF)
|
Hoạt động M&A có phần hạ nhiệt, tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước trong giai đoạn 2018 và nửa đầu năm 2019 cũng thể hiện dấu hiệu chững lại, dù vẫn có những thương vụ lớn như An Quý Hưng - Vinaconex, Taisho - Dược Hậu Giang.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước - ông Hồ Sỹ Hùng chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 diễn ra ngày 06/08, hoạt động thoái vốn Nhà nước chậm lại là do đang trong quá trình hoàn thiện về cơ chế pháp lý, cùng với đó là một loạt các vấn đề như định giá doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp và các khác biệt trong thông lệ kế toán,…
Nổi bật, các vấn đề liên quan đến đất đai cũng là một trong những nút thắt khó nhất trong việc triển khai thoái vốn Nhà nước. Cục Trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp - ông Đặng Quyết Tiến cho biết rằng phần nhiều những khúc mắc liên quan đến tính pháp lý khi nhiều quỹ đất không có giấy tờ hoàn chỉnh, cùng với đó là việc xác định giá trị đất đai một cách hợp lý.
Một vấn đề được quan tâm khác tại diễn đàn chính là dự án sửa Luật Chứng khoán và vấn đề nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài. Phó Chủ tịch UBCK - ông Phạm Hồng Sơn chia sẻ, đối với Luật Chứng khoán sửa đổi thì dự kiến tháng 10/2019 sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua dự luật.
Về phần nới các giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, ông Sơn cho biết tại Việt Nam có những ngành tương đối mở cửa với nhà đầu tư ngoại, chẳng hạn như lĩnh vực tài chính (“room” ngoại tại các công ty chứng khoán hay quản lý quỹ đã mở 100%) đã chứng kiến các công ty lớn nước ngoài mua lại không ít các doanh nghiệp tại Việt Nam. Thêm vào đó, sản phẩm chứng quyền có đảm bảo đã được đưa ra thị trường, sản phẩm này không hề hạn chế sở hữu nước ngoài.
Thừa Vân
FILI
|