Chủ Nhật, 11/08/2019 10:38

Phú Quốc làm gì để không lại bị ngập nặng?

Phú Quốc cần kinh phí hỗ trợ để triển khai quy hoạch chi tiết. Đồng thời sẽ thu gom rác để không gây nghẽn dòng chảy, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng lấn chiếm dòng chảy... để không lại bị ngập nặng như vừa qua.

Phú Quốc làm gì để không lại bị ngập nặng? - Ảnh 1.
Nhiều người dân Phú Quốc cho biết từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ mới chứng kiến cảnh chạy ngập. Trong ảnh: người dân được sơ tán khẩn cấp đến Đồn biên phòng cửa khẩu An Thới - Ảnh: DUY KHÁNH

Ông Mai Văn Huỳnh - bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang), chia sẻ như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 10-8 về nguyên nhân và giải pháp để đảo ngọc có thể phát triển bền vững.

Theo ông Huỳnh, đợt ngập lụt lịch sử từ ngày 2-8 đến nay ở Phú Quốc đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có việc chưa dự đoán được tốc độ phát triển quá nóng của hòn đảo này.

* Vì sao một hòn đảo lại có thể ngập như vậy?

- Đợt mưa vừa rồi quá lớn, chưa từng thấy từ xưa tới nay trên đảo Phú Quốc, kể cả trận mưa lịch sử từng ghi nhận vào năm 1997 khi cơn bão số 5 đổ bộ vào đất liền vùng ven biển Tây Nam.

Tuy nhiên, phải thừa nhận chúng tôi chưa dự báo được tốc độ phát triển của Phú Quốc quá nóng dẫn tới việc quá tải đô thị. Chẳng hạn, thị trấn Dương Đông trước đây dân số khoảng trên 10.000 người, nay đã trên 50.000 người. Nhu cầu về nhà ở, mật độ xây dựng tăng chóng mặt.

Đó là chưa kể việc bùng nổ phát triển du lịch cũng tạo thêm áp lực xây dựng rất lớn khi hiện tại, mỗi năm Phú Quốc đón gần 3 triệu lượt du khách.

Trong khi đó, Phú Quốc có hệ thống thoát nước mặt dọc theo các trục đường, nhưng hệ thống này được đầu tư xây dựng từ năm 2003, đến nay đã không còn phù hợp với quy mô dân cư và tốc độ đô thị hóa.

* Nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng Phú Quốc ngập nặng như hiện tại là do để mất rừng quá nhiều, sông suối bị thu hẹp dòng chảy, đường thoát nước ra biển bị bêtông hóa...

- Tình trạng phá rừng ở Phú Quốc là có, nhưng chỉ ở mức xâm lấn rừng phòng hộ với diện tích không đáng kể, không thể có chuyện phá rừng tới mức gây ra lũ lụt như dư luận lo ngại.

Còn việc các tổ chức, cá nhân vi phạm xây dựng theo kiểu bêtông hóa lấn chiếm sông, suối, rạch, những đường thoát nước tự nhiên trên đảo vẫn xảy ra. Chúng tôi phát hiện nhiều trường hợp vi phạm và cũng đã xử phạt nhiều và sẽ không để tái diễn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng như vừa qua.

Phú Quốc làm gì để không lại bị ngập nặng? - Ảnh 2.
Ông Mai Văn Huỳnh

* Giải pháp nào, cả trước mắt và lâu dài, để không xảy ra chuyện tương tự là gì, thưa ông?

- Trước mắt chúng tôi lo khắc phục hậu quả, giúp trên 2.000 dân sớm quay về nhà, tái lập các hoạt động kinh tế dân sinh càng sớm càng tốt. Tiếp theo sẽ tổ chức việc thu gom rác để không gây nghẽn dòng chảy, song song đó là tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng lấn chiếm dòng chảy sông, suối, rạch, kể cả để vật liệu tràn ra môi trường cũng sẽ xử lý.

Về lâu dài, Phú Quốc cần kinh phí hỗ trợ để triển khai quy hoạch chi tiết, vì hiện nay mới có quy hoạch tổng thể của đảo. Khi có quy hoạch chi tiết, phải phê duyệt luôn đề án phát triển đô thị để trình Chính phủ đồng bộ thì mới đáp ứng được những kịch bản phát triển mà trước đây chưa tính được, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và tốc độ phát triển kinh tế quá nóng.

Hệ thống thoát nước trên đảo sắp tới dứt khoát phải được tính toán lại, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển của Phú Quốc hiện tại và tương lai.

Ngày xưa quy hoạch Phú Quốc trong điều kiện thời tiết khác, hiện nay một số hệ thống thoát nước không còn phù hợp. Sở Xây dựng phải rà soát, thêm giải pháp mở thêm hệ thống cống mở đường thoát nước ra phía biển.

Ông Mai Anh Nhịn (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang)

Ngập 2m!

Theo báo cáo của UBND huyện Phú Quốc vào chiều 10-8, các đợt mưa liên tiếp đã khiến 63km đường trên đảo bị ngập, độ sâu trung bình 0,7m, nơi ngập sâu nhất lên đến 2m.

Nguyên nhân gây ngập là do tổng lượng mưa trên địa bàn chỉ trong tám ngày, từ ngày 2 đến 9-8, đã có tổng lượng mưa hơn 1.000mm. Lượng mưa này bằng 1/3 lượng mưa trung bình nhiều năm tại Phú Quốc. Chỉ tính riêng ngày 9-8, lượng mưa ở mức kỷ lục 335mm, lại trùng với mực nước biển dâng cao.

UBND huyện Phú Quốc cũng thừa nhận hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn Dương Đông được đầu tư xây dựng từ năm 2003, đến nay đã không còn phù hợp trong tình hình Phú Quốc đang phát triển nhanh về dân cư. Các khu vực trước đây có nhiều ao hồ tự nhiên để điều hòa lượng nước tránh ngập úng nay đã bị san lấp, tôn nền gây tắc nghẽn vì rác thải, đất, cát từ các công trình xây dựng.

Việc các công trình xây dựng lấn chiếm sông cũng gây áp lực thoát nước từ các dốc núi đổ ra biển, gây ngập lụt nặng các khu dân cư sinh sống ở ven sông, ven suối do thoát nước không kịp. (S.LÂM - T.LONG - D.KHÁNH)

HOÀNG TRÍ DŨNG - K.NAM

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Người nuôi cá tra cũng hóng tỉ giá và thương chiến Mỹ - Trung (11/08/2019)

>   Cần đánh giá việc hợp thức hóa, tẩu tán tài sản từ tham nhũng (10/08/2019)

>   Nợ nước ngoài đang trong tầm kiểm soát của Chính phủ (10/08/2019)

>   Hơn 405.000 thí sinh đỗ đại học đợt 1 (10/08/2019)

>   Cho phép chuyển sang đất ở dự án liên quan đến Vũ "nhôm" (09/08/2019)

>   Hàng loạt doanh nghiệp nhập hàng Asanzo "biến mất" bí ẩn (09/08/2019)

>   Có hay không mạng xã hội Việt - Trung Weibo? (09/08/2019)

>   Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc khó hồi phục nhanh (09/08/2019)

>   Việt Nam thành nước phát triển, nếu... (09/08/2019)

>   Kiến nghị tăng thuế nhập khẩu xe tải hạng nặng lên 10% (09/08/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật