Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc khó hồi phục nhanh
Nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc tăng nhưng Việt Nam vẫn chưa thể đảo chiều xu hướng xuất khẩu giảm sang thị trường này trong thời gian ngắn
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc được dự báo là vẫn tiếp tục tăng; đặc biệt chiến tranh thương mại Trung – Mỹ là cơ hội cho doanh nghiệp Việt tăng thị phần tại thị trường này. Tuy nhiên, với thu nhập gia tăng, người Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn xuất sang những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản.
"Xu hướng giảm xuất khẩu sang Trung Quốc chưa thể tăng ngay trong vài tháng tới vì doanh nghiệp chưa thể khắc phục ngay những khó khăn của thị trường. Trong trường hợp khả quan nhất, khi doanh nghiệp điều chỉnh theo kịp xu hướng thị trường xuất khẩu sẽ hồi phục vào những tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc giữ được mức tương đương như năm 2018 là 1,2 tỉ USD" – VASEP nhận định.
Tính đến hết tháng 6 năm 2019, xuất thủy sản sang Trung Quốc đạt 572 triệu USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó tôm giảm gần 5%. Riêng cá tra tăng 2%, chiếm tỉ trọng xuất khẩu cao nhất sang Trung Quốc với 44%, vượt tôm (40%).
Trung Quốc là thị trường mới nổi của thủy sản Việt Nam và đạt mức kỉ lục vào năm 2017. Năm 2014, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc chỉ mới dừng ở kim ngạch 597 triệu USD thì năm 2017 đã vọt lên 1,276 tỉ USD. Đến năm 2018, thị trường này giảm nhẹ về mức 1,21 tỉ USD nhưng vẫn là thị trường lớn thứ 4 của thủy sản xuất khẩu.
VASEP chỉ ra 4 nguyên nhân khiến xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tiếp tục sụt giảm trong các tháng đầu năm 2019 là do: sự kiểm soát chặt mậu biên và an toàn thực phẩm; bị cạnh tranh bởi tôm Ấn Độ, Ecuador; đồng nhân dân tệ liên tục bị mất giá; tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Từ ngày 1-5-2018, Hải quan Trung Quốc tiếp quản việc kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu, họ đã động thái siết chặt thương mại nông thủy sản qua đường tiểu ngạch, thắt chặt kiểm tra an toàn thực phẩm đối với thủy sản xuất khẩu qua đường chính ngạch. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ vốn quen xuất khẩu qua tiểu ngạch dẫn đến bị bất ngờ, thụ động trước tình huống bị cấm xuất khẩu tiểu ngạch. Đơn cử như mặt hàng mực khô, gần đây nhiều địa phương không xuất được sang Trung Quốc vì không có trong danh mục sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch, kết quả là 6 tháng đầu năm nay bị giảm 80%.
Khách hàng Trung Quốc tìm mua thủy sản Việt Nam tại hội chợ
|
Để tiếp tục duy trì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, theo VASEP, doanh nghiệp cần nắm rõ quy định thị trường qua các kênh thông tin như: VASEP, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad)... "Quan trọng nhất là doanh nghiệp phải cải thiện điều kiện cở sở sản xuất thủy sản, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm để đăng ký sản phẩm và doanh nghiệp vào danh sách xuất khẩu sang Trung Quốc. Nên ưu tiên xuất khẩu chính ngạch qua đường biển vì cước phí rẻ hơn trước, thuế nhập khẩu chính ngạch giảm và tránh được rủi ro về thanh toán vì không phải qua nhiều trung gian" – đại diện VASEP khuyến cáo.
Cẩn trọng về xuất xứ
Hiệp hội này cũng cho rằng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, khi hai bên áp mức thuế nhập khẩu cao với hàng hóa của nhau thì cả Mỹ và Trung Quốc đều nghi ngờ nhau nên họ sẽ đặt ra những hàng rào kỹ thuật gắt gao hơn với hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang cả hai thị trường này.
Đối với những sản phẩm thủy sản mà Trung Quốc và Việt Nam đều đang xuất khẩu sang Mỹ như tôm, cá ngừ, mực, bạch tuộc hay cá biển, Mỹ sẽ kiểm tra chặt chẽ hơn về xuất xứ từ Việt Nam, vì họ có thể nghi ngờ doanh nghiệp Trung Quốc sẽ "mượn" Việt Nam để lấy xuất xứ và xuất đi Mỹ. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý để tránh bị ảnh hưởng tiêu cực.
|
Tin, ảnh: Ngọc Ánh
Người lao động