Nhà bán khống trong "The Big Short" nhận thấy bong bóng trong lĩnh vực đầu tư thụ động
Michael Burry bỗng trở nên nổi như cồn và thu về hàng đống tài sản nhờ bán khống chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp trước cuộc khủng hoảng năm 2008, một giao dịch được huyền thoại hóa thành tác phẩm “The Big Short” của Michael Lewis và đã được dựng thành phim.
Hiện ông Burry nhận thấy cơ hội đi ngược với xu hướng chung xuất hiện từ hoạt động đầu tư thụ động. Ông nhận thấy bong bóng đang hình thành ở lĩnh vực này.
Ông Michael Burry
|
Khi dòng tiền đổ vào các quỹ ETF và sản phẩm bám theo chỉ số khác - trong đó nghiêng nhiều hơn về các công ty lớn, ông Burry cho biết các cổ phiếu vốn hóa nhỏ dường như đang bị lãng quên trên khắp thế giới.
Trong 3 tuần qua, quỹ Scion Asset Management của ông Burry tiết lộ đã đầu tư mạnh vào ít nhất 4 công ty có vốn hóa nhỏ ở Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời hỗ trợ hoạt động điều hành của 3 trong 4 công ty này.
“Bong bóng ở lĩnh vực đầu tư thụ động thông qua ETF và quỹ chỉ số cũng như xu hướng nghiêng về các công ty vốn hóa lớn của các quỹ quản lý tài sản đã khiến các chứng khoán vốn hóa nhỏ rơi vào quên lãng trên toàn cầu”, ông Burry - vốn quản lý khoảng 343 triệu USD - viết trong một email trả lời cho Bloomberg News.
Các nhà quản lý quỹ chủ động đã phải chứng kiến tài sản dưới quyền quản lý liên tục suy giảm vì mức phí quản lý cao trong khi thành quả thấp - một yếu tố khó lòng thuyết phục nhà đầu tư chịu bỏ vốn. Đây là xu hướng đã thôi thúc Moody’s Investors Service đưa ra dự báo các quỹ chỉ số sẽ vượt mặt các quỹ chủ động ở Mỹ vào năm 2021. Sự chuyển biến này cũng diễn ra trong bối cảnh những cổ phiếu giá trị và cổ phiếu vốn hóa thấp có thành quả thấp trong nhiều năm liên tiếp.
“Đây là cơ hội béo bở nhưng có vẻ như quá ít nhà quản lý chủ động tận dụng cơ hội này”, ông Burry cho biết.
Mặc dù nổi lên nhờ vụ bán khống huyền thoại trước năm 2008, nhưng ông Burry cho biết đam mê của ông là đầu tư dài hạn vào những trường hợp bị định giá quá thấp và bị lãng quên.
Ông nói rằng trong một số trường hợp, ông phải đưa người vào ban lãnh đạo của một số doanh nghiệp vì không có các nhà quản lý quỹ chủ động tìm kiếm giá trị như ông và vì muốn giúp doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.
Trong tháng này, Michael Burry đề nghị GameStop - công ty bán video game - và Tailored Brands - bán lẻ quần áo cho nam giới - mua lại cổ phiếu.
Cổ phiếu Tailored Brands tăng vọt 7.6%, còn GameStop leo dốc 4.9% trong ngày thứ Tư (28/08). Gần đây, quỹ Scion còn tăng tỷ lệ nắm giữ tại hai công ty vốn hóa nhỏ của Hàn Quốc là Ezwelfare và Autech. Ngoài ra, họ còn tiết lộ ý định tham gia vào việc quản lý tại Autech - một công ty sản xuất xe tải và xe cứu thương, trong đó quỹ Scion sở hữu gần 10% cổ phần.
Ông Burry cho biết ông cũng đang theo dõi diễn biến tại CJ Group - một tập đoàn đa ngành của Hàn Quốc. Cổ phiếu ưu đãi của CJ Corp. tăng 2% trong ngày thứ Năm (29/08).
“Hàn Quốc có nhiều tiềm năng”, ông Burry cho biết, đề cập đến tiềm năng công nghệ và mức học vấn cao là lý do cho nhận định này. “Tuy vậy, chứng khoán Hàn Quốc vẫn luôn rẻ và các ban quản lý là lý do cho việc này, vì họ không đối xử với cổ đông như những chủ sở hữu”, ông nói.
Chỉ số chuẩn của thị trường Hàn Quốc, Kospi, đã giảm 5% từ đầu năm 2019, trong khi chỉ số S&P 500 tăng tới 16% trong cùng kỳ.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|