Dow Jones “bốc hơi” hơn 600 điểm khi ông Trump yêu cầu các nhà sản xuất Mỹ rời khỏi Trung Quốc
Tuần qua, Dow Jones giảm 1%, S&P 500 mất 1.4% và Nasdaq Composite sụt 1.8%
Chứng khoán Mỹ lao dốc vào ngày thứ Sáu (23/08), sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu các nhà sản xuất Mỹ tìm kiếm phương án thay thế cho hoạt động tại Trung Quốc. Cổ phiếu Apple dẫn đầu đà sụt giảm, CNBC đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones rớt 623.34 điểm (tương đương 2.4%) xuống 25,628.90 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 2.6% còn 2,847.11 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 3% xuống 7,751.77 điểm. Đà giảm điểm đã góp phần nâng tổng mức lao dốc trong tháng 8 của Dow Jones lên hơn 4%.
Các chỉ số chứng khoán chính cũng đánh dấu 4 tuần lao dốc liên tiếp. Dow Jones giảm 1% trong tuần này, còn S&P 500 mất 1.4% và Nasdaq Composite sụt 1.8%.
Ông Trump viết trên Twitter vào ngày thứ Sáu: “Các công ty lớn của Mỹ được lệnh ngay lập tức tìm kiếm phương án thay thế cho Trung Quốc, bao gồm mang công ty trở lại quê nhà và sản xuất sản phẩm tại nước Mỹ”. Tuy nhiên, không rõ Tổng thống Mỹ có bao nhiêu thẩm quyền trên vấn đề này.
Cổ phiếu Apple sụt 4.6%. Chứng chỉ quỹ VanEck Vectors Semiconductor ETF mất 4.1% khi cổ phiếu Nvidia và Broadcom đều giảm 5%. Cổ phiếu Caterpillar lùi 3.3%.
Đà giảm điểm vào ngày thứ Sáu đã góp phần thêm vào một loạt động thái giảm mạnh trong tháng này. Hiện Nasdaq Composite đã giảm ít nhất 1% 6 lần trong tháng này, còn Dow Jones ghi nhận 5 lần giảm từ 1% trở lên. S&P 500 giảm từ 1% trở lên 4 lần trong tháng 8. Những biến động này diễn ra khi thương chiến Mỹ - Trung leo thang trong khi thị trường trái phiếu phát đi tín hiệu suy thoái.
Các bài đăng trên Twitter của ông Trump xuất hiện sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế mới đối với hàng hóa Mỹ. Trung Quốc sẽ áp dụng mức thuế mới đối với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ, bao gồm xe hơi. Hàng rào thuế quan từ 5-10% sẽ có hiệu lực theo 2 giai đoạn, từ ngày 01/09 và ngày 15/12.
Đầu phiên ngày thứ Sáu, chứng khoán Mỹ dao động nhẹ sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell có bài phát biểu từ Hội nghị chuyên đề thường niên của ngân hàng trung ương ở Jackson Hole, Wyoming.
Trong đó, ông Powell cho biết Fed sẽ làm những gì có thể để duy trì tăng trưởng kinh tế hiện nay. “Thách thức của chúng tôi hiện nay là làm những gì mà chính sách tiền tệ có thể làm để duy trì tăng trưởng ích lợi của thị trường việc làm mạnh mẽ lan rộng đến những người vẫn bị bỏ lại, và do đó lạm phát tập trung ở mức 2%”, ông Powell phát biểu.
Ông Powell cũng lưu ý không có “quy chuẩn” nào đối với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay, nói thêm rằng “sự không chắc chắn về chính sách thương mại phù hợp với khuôn khổ này là một thách thức mới”.
Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể muốn một đề nghị rõ ràng hơn rằng Fed sẽ giảm lãi suất vào tháng 9/2019. Thị trường đang mong chờ một bước đi mạnh mẽ hơn là nhận định “sự điều chỉnh giữa chu kỳ” của ông Powell rằng việc hạ lãi suất hồi tháng 7 chỉ là một sự điều chỉnh và không phải là khởi đầu của một xu hướng.
Ông Powell cho biết trong bài phát biểu ngày thứ Sáu rằng “sau 1 thập kỷ hướng đến tăng trưởng việc làm mạnh mẽ và ổn định giá cả, nền kinh tế đang rất gần với 2 mục tiêu này”. Những nhận định này không thể làm giảm hy vọng của nhà đầu tư về một chu kỳ nới lỏng tích cực hơn từ Fed.
Đường cong lợi suất lại bị đảo ngược vào ngày thứ Sáu, nhưng hầu như đi ngang trong cả phiên. Chênh lệnh giữa lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và 2 năm cũng bị đảo ngược vào ngày thứ Năm (22/08) sau khi các thành viên của Fed cho biết việc giảm lãi suất trong tháng 9 là không chắc chắn, qua đó làm tăng lo ngại rằng ngân hàng trung ương sẽ không đủ nhanh để cứu nền kinh tế khỏi suy thoái. Được biết, đường cong lợi suất là một chỉ báo suy thoái đáng tin cậy trong quá khứ.
An Trần
Fili
|