Lý do gì khiến Donald Trump muốn mua Greenland?
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nghĩ đến ý tưởng mua Greenland (quốc gia tự trị thuộc vương quốc Đan Mạch) nhiều lần. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen gọi ý tưởng đó là “vô lý”. Và chuyện này cũng gây nên nhiều vấn đề liên quan đến ngoại giao của hai quốc gia.
Mặc dù sự quan tâm của ông Trump đối với Greenland chỉ là dấu hiệu mới nhất cho thấy tầm quan trọng địa chính trị của quốc đảo này đang ngày càng gia tăng. Nhưng thậm chí, Trung Quốc cũng đã để mắt đến quốc đảo này.
Giá trị chiến lược của Greenland được liên kết chặt chẽ với việc mở thêm các tuyến vận chuyển hàng hải mới ở Bắc Đại Tây Dương bởi vì băng ở hai cực đang tan. Những tuyến vận chuyển mới này sẽ giảm đáng kể thời gian vận chuyển hàng thương mại trên biển, trong đó thường bao gồm các chuyến đi qua kênh đào Panama hoặc kênh đào Suez để tỏa ra khắp các nơi trên thế giới.
Greenland, hòn đảo rộng lớn nhất thế giới, là nhà của gần 58,000 người và có đến 80% trong diện tích 811,000 dặm vuông của hòn đảo bị đóng băng. Cư dân trên hòn đảo vẫn được xem là người Đan Mạch, nhưng họ đã tự trị từ năm 1979.
Nguồn động lực kinh tế lớn nhất của Greenland là đánh bắt cá và du lịch, nhưng quốc đảo này ngày càng thu hút sự quan tâm của thế giới với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, trong đó có thể kể đến than, kẽm, đồng, quặng sắt và các loại khoáng sản quý hiểm. Đã có nhiều cuộc thăm dò được thực hiện nhằm đo lường phạm vi của những tài nguyên này, nhưng số lượng thực sự vẫn chưa rõ.
Trung Quốc, vốn đang bị cuốn vào chiến tranh thương mại với Mỹ, trước đây từng thể hiện sự quan tâm đối với việc xây dựng một “Con đường tơ lụa” để giao thương với Greenland thông qua các tuyến đường vận chuyển Bắc Đại Tây Dương. Trung Quốc từng dự định sẽ xây dựng các sân bay và cơ sở khai thác mỏ mới ở Greenland vào năm 2018, nhưng cuối cùng lại rút thầu.
“Nếu Trung Quốc có một lượng đầu tư đáng kể vào một quốc gia rất có tầm quan trọng chiến lược đối với nhiều quốc gia khác, họ sẽ có sức ảnh hưởng ở đó”, Michael Sfraga, Giám đốc tại Polar Institute của Wilson Center, cho biết.
“Nếu bạn đầu tư nhiều vào các quốc đảo nhỏ, bạn có thể đạt được nhiều sự ảnh hưởng ở đó”.
Đan Mạch đã “công khai thể hiện sự lo ngại về việc Trung Quốc quan tâm đến Greenland”, một báo cáo của Lầu Năm Góc đã cảnh báo vào đầu năm 2019.
“Việc nghiên cứu dân sự có thể giúp Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự ở Bắc Băng Dương, trong đó có thể bao gồm cả việc Trung Quốc điều động các tàu ngầm đến khu vực này nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân”, dựa theo báo cáo trên.
Greenland cũng là một vị trí thuận lợi đối với các lực lượng vũ trang Mỹ. Kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II, Mỹ và Greenland đã lập thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ đóng quân trên đảo.
Căn cứ không quân Thule, khu căn cứ Không quân tại cực bắc của Mỹ, được xây dựng từ năm 1943 ở Greenland và được trang bị hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo và hệ thống theo dõi vệ tinh.
Chính quyền của ông Trump không phải là chính quyền đầu tiên đề nghị mua lại quốc đảo Greenland. Cựu Tổng thống Mỹ Harry Truman cũng từng thể hiện mong muốn mua lại quốc đảo vào năm 1946 với giá 100 triệu USD dưới dạng vàng, và những nỗ lực trước đó nhằm mua lại Greenland lần đầu xuất hiện vào năm 1867.
Trong khi các quốc gia mạnh nhất thế giới đều đang tìm cách để chen một chân vào khu vực Bắc Đai Tây Dương và Bắc Cực, các chuyên gia lại cảnh báo việc đó có thể gây ra tác động khủng khiếp đến khu vực.
“Có rất nhiều cơ hội kinh tế tương tự với Greenland trải dài khắp Bắc Cực”, Heather A. Coley, Phó Chủ tịch cấp cao về châu Âu, Âu Á và Bắc Cực tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết.
Khu vực này là quê hương của “một số mỏ quặng sắt và kẽm lớn nhất trên thế giới”, bà Heather nói, nhưng “việc khai thác sẽ dẫn đến một cái giá, cái giá đó sẽ tác động đến môi trường và những người sống ở Bắc Cực và Greenland”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|