Thứ Bảy, 03/08/2019 14:20

Dạy cho con cái về tiền, nếu không sẽ có kẻ khác dạy

Phương Tây có câu 'Hãy dạy cho con bạn về tiền, nếu không sẽ có kẻ khác dạy' và có thể những đứa trẻ sẽ học hỏi về tiền bằng một phương pháp mà bạn không thích, thậm chí là bằng những chiều hướng tai hại.

Phương Đông lại có những quan niệm khác về chuyện tiền và dạy con về đồng tiền, muôn vàn sắc thái. Tuổi Trẻ Cuối Tuần mời bạn tham gia ý kiến vào chủ đề "Dạy cho con bạn về tiền".

Mới hơn ba tuổi, một hôm bé Thỏ làm điệu bộ nói chuyện điện thoại, đi đi lại lại, mặt đăm chiêu và giọng chắc nịch: "Hết tiền rồi! Không có tiền đâu!". Điệu bộ đó ai cũng nhận ra là từ mẹ Thỏ - người phụ nữ suốt từ sáng sớm tới tối mịt lúc nào cũng đau đáu nghĩ về tiền.

Một nghiên cứu năm 2013 của ĐH Cambridge cho thấy từ 3 tuổi, trẻ đã có khái niệm về tiền và lên 7 đã hình thành thói quen bất biến về tiền. Với trẻ con, tiền là một thứ "ảo diệu" thật đáng quan tâm. 

Làm sao những tờ giấy nhàn nhạt ấy lại có thể đổi được cả một giỏ kẹo bánh với đồ chơi? Làm sao cả nhà ăn cánh gà no nê, nước ngọt ngập ngụa mà mẹ chỉ phải đưa cô nhân viên cái thẻ bằng nhựa con con? Và những cuộc cãi nhau bất tận của bố và mẹ luôn có chữ "tiền"?.

Tiền và tiêu tiền là một thực tế sờ sờ mà nhiều bậc phụ huynh cứ cố gạt ra khỏi tâm trí con cái. Nhiều em đã học đến lớp 7, nhà khá giả mà vẫn phải thòm thèm xin bạn cho một gắp mì ly ở căng-tin trường học. Mẹ có chuẩn bị cho một túi bánh kẹo và sữa đấy nhưng cái hành vi đứng trước quầy, dõng dạc "gọi" một chai nước, một cái kẹo mới là cốt lõi, mới là hấp dẫn.

Những bố mẹ không cho con tiền đi học cũng có lý do của họ: có tiền là sẽ ăn những thứ độc hại, sẽ dễ bị bạn bắt nạt để "moi tiền", biết tiêu tiền sẽ sinh ham tiền khi chưa thể tự làm ra...

Dĩ nhiên đã có những trường hợp thật sự diễn ra như thế nên mới khiến họ lo lắng vậy. Nhưng cũng có một trường phái khác, và có lẽ ngày càng phổ biến, là dạy con tiêu tiền từ rất sớm.

Hai trò chơi của nhà Jim

Jim Brown là một người trong số đó. Ông làm công việc tư vấn tài chính đã hơn 30 năm. Trong một bài viết trên trang CNBC, ông kể lại, vợ chồng ông có hai đứa con, và ông không muốn chúng cả đời phải vật vã vì tiền, hoặc ngược lại, cứ thế mà lười nhác, ăn mòn vào những thứ mẹ cha để lại.

Muốn thế, vợ chồng ông phải huấn luyện con dùng tiền kể từ khi chúng... đi nhà trẻ. Cách làm của ông có phần hơi cầu kỳ, cũng phải có nhiều thời gian mới làm được. Thí dụ như trò "Cùng đi mua sắm nào", trong đó vợ chồng ông tạo ra một "siêu thị mini" trong phòng khách, có quầy tính tiền, ngăn kéo đựng tiền, tiền giả; có quầy rau quả, bánh trái... 

Mọi món hàng đều có dán giá. Để chơi, hai đứa con của Jim sẽ thay phiên nhau, đứa này mua sắm thì đứa kia đứng quầy. Dần dần, trẻ con học được kỹ năng lựa hàng, cân đối túi tiền, và trao đổi với nhau về tiền một cách tự nhiên, thoải mái.

Trò thứ hai mà gia đình họ chơi tương tự chương trình "Hãy chọn giá đúng" mà ta vẫn xem trên truyền hình. Cũng đưa các món hàng ra và để mọi người chọn giá nào có vẻ thích hợp. Thí dụ:

- Vé xem phim là: 4.000 đồng? 40.000 đồng? hay 400.000 đồng?

- Chai nước suối là: 3.000 đồng? 30.000 đồng? hay 300.000 đồng?

Thoạt tiên trẻ con có thể "ngớ ngẩn" thét giá vé xem phim là 400.000 đồng, chai nước 30.000 đồng, nhưng rồi qua trò chơi, chúng sẽ dần hiểu được giá cả tương quan của các món hàng, các dịch vụ trong đời sống thực.

"Chính sách" tiền lương

Những trò chơi "giả vờ" trên rồi cũng đến lúc phải đưa vào thực hành. Đó là lúc cho trẻ con tự cầm tiền mà mua những thứ nó thích (mà đa phần là ta không hài lòng). Cho thế nào? Cho bao nhiêu? Không làm gì cũng cho hay phải làm gì mới cho? Đó là "ba câu hỏi lớn nhiều lời đáp".

Có gia đình phát cho con mỗi ngày, có gia đình giao hẳn cả tuần. Chị Liên (TP.HCM) có con học lớp 6. Thằng bé học một tuần 6 buổi sáng và 2 buổi chiều, vị chi 8 buổi. Chị tính với nó 12.000 đồng/buổi, một tuần 96.000 đồng, đưa 100.000 cho tròn, muốn chi tiêu thế nào thì tiêu, còn thừa bao nhiêu thì tuần sau, ngoài 100.000, còn được thêm đúng bằng phần thừa ấy. 

"Tôi không muốn giao mỗi ngày vì số tiền ít quá, trẻ con sẽ chỉ quanh quẩn mua được những thứ be bé ở căng-tin. Giao một cục, nó sẽ tự cân đối. Nếu muốn mua thứ gì lớn nó sẽ biết cách tiết kiệm để dồn tiền" - chị nói.

Số tiền cho con cũng tăng dần theo tuổi. Trong bài viết đã dẫn, vợ chồng chuyên gia tài chánh Jim Brown bắt đầu cho con tiền lúc cháu lên 6. Mỗi tuần 6 đôla, thêm một tuổi là thêm 1 đôla/tuần. Nếu có "công trạng" gì (giúp mẹ dọn nhà, dọn vườn...) thì thưởng thêm chút đỉnh. 

"Không nên cho vô giới hạn, đặc biệt là cấp thêm khi trẻ đã lỡ tiêu hết tiền - Jim lý luận - Làm thế lớn lên đứa trẻ sẽ quen thói trông chờ vào một nguồn phụ cấp, và sinh trò tiêu pha khi không có tiền bằng thẻ tín dụng với lãi suất ngất ngưởng".

"Thuê" con làm việc

Ở Việt Nam, một số gia đình thành thị cũng tập cho con việc "làm công ăn lương". Người khác nghe thế kêu om: "Con cái đương nhiên phải làm việc nhà, sao lại có chuyện thuê trả tiền, nó hư đi. Không có tiền thì không làm à?".

Anh N., biên tập viên một nhà xuất bản, cho rằng chính chúng ta vẫn coi "việc làm lương thiện với công xá xứng đáng" là một điều tốt lành. Vậy sao ta không dạy điều tốt lành đó cho con? 

Nói chúng là con, chúng "phải" làm vì bố mẹ đã làm quá nhiều thứ "không công" cho chúng, là không sai. Nhưng ở đây ta đang dạy cho con, chứ không phải đang thực hành một quan hệ chủ - tớ sòng phẳng.

Con gái của anh N. học lớp 5, mười tuổi. Công việc mà vợ chồng anh "giao và thuê" cháu làm là: quét cả nhà hai lần/ngày, xếp quần áo khi đã khô và phân loại cho từng người, nhặt rau cho mẹ nấu cơm, treo màn cho hai cái giường mỗi tối. 

Mỗi công việc đều có khoản lương tháng và không có chuyện từ chối lương để khỏi làm. Nếu làm ẩu sẽ bị trừ lương, dĩ nhiên là có thêm hình thức kỷ luật nào đó mà không phải là khiển trách đơn thuần.

"Cái lợi là trẻ con quen với sự đều đặn của công việc, đặc biệt là những việc nhàm chán - điều mà lớn lên người làm công nào cũng sẽ phải trải qua và vượt qua. Cái nữa là trẻ biết quý đồng tiền do mình làm ra, đồng thời tiêu nó một cách sảng khoái hơn chứ không phải là ki bo, bởi nó biết nếu làm việc tốt, tháng sau lại có khoản lương như thế" - anh N. nói.

Dạy hay không dạy chi tiêu?

Có tiền đấy, biết giá cả đấy, nhưng lên kế hoạch tiêu thế nào là một bước phức tạp hơn. Một số người thấy đã dạy phải dạy cho trót. Họ là những phụ huynh vừa có kiến thức vừa có thì giờ. Thí dụ, để mua quà sinh nhật, họ giúp con lên mạng đọ giá các món hàng cho vừa túi tiền mà vẫn thú vị, nhiều khi mất cả tiếng đồng hồ. 

Nhưng cũng có người quan niệm trẻ con thường chỉ mua những thứ "vớ vẩn", nên cứ kệ chúng đi, để chúng làm gì với những món tiền còm cõi kia thì làm, miễn là không nhịn để đi chơi game. Chúng mua mì ly trong căng-tin, chúng uống xi-rô ngọt lừ, chúng mua móc chìa khóa có con gấu con nhem nhuốc...

Cũng chị Liên với đứa con lớp 6, suốt một thời gian chị thấy khổ sở bực dọc vì cứ mấy ngày lại thấy con mình vác về một con ốc mượn hồn từ xe bán dế và ốc trước cổng trường. Hai mẹ con phải kiếm thùng cát đựng đám ốc, cho ốc ăn, mua vài đồ chơi để ốc leo trèo (dĩ nhiên là thằng bé phải trả tiền).

"Thường ta sẽ muốn trẻ con mua sách đọc, mua bút chì màu, hay đồ chơi xếp hình. Nhưng trẻ con thích nhiều thứ rất "quái đản". Việc của bố mẹ là âm thầm mà quan sát; tiêu đúng hay tiêu sai rồi tự trẻ con sẽ biết. Thằng bé nhà tôi chẳng hạn, sau đó không bao giờ bỏ tiền mua cá và ốc nữa, vì nhà chật, những thứ đó kéo theo rất nhiều khoản rắc rối cho nó" - chị Liên thở phào kể lại.

Nhưng đừng cho nhiều tiền

Có tiền, trẻ con sẽ biết mua quà cho người lớn trong nhà, cho bạn, hoặc tự thưởng cho chính mình. Với tiền có được một cách "lương thiện" và giới hạn, trẻ con học được sự tự tin và chừng mực.

Nhưng sao lại không cho nhiều vào nếu những món đồ mà con mình thích là hay ho, giá trị, và gia đình mình có thiếu gì tiền? Một số người nghĩ thế và cho con chọn thoải mái mỗi khi mua sắm. Có người còn tự hào khoe con mình bước vào cửa hàng là phải chọn đồ đắt nhất ("Biết khôn thế cơ chứ!"). 

Ba-lô là phải oách nhất lớp. Bình đựng nước cũng thế. Màu nước vẽ tranh cũng thế. Nếu em bé học trong một trường kiểu nhà giàu và có bố mẹ không tiếc gì với con, cuộc chạy đua giữa các "cục vàng" sẽ là cuộc chạy đua ngầm của các bố mẹ, với đám trẻ là các "nài" và đường đua sẽ thăm thẳm, không bao giờ kết thúc.

"Cũng thú vị đấy chứ!", hẳn sẽ có phụ huynh nghĩ thế. Nhưng sản phẩm dài lâu sẽ là những đứa con ích kỷ, không làm gì đến nơi đến chốn, chuyên đánh trống bỏ dùi do chưa bao giờ phải phấn đấu, tích tụ, và cân nhắc trước thứ quan trọng nhất là tiền.

Ngược lại, những bố mẹ cho con ít tiền (dù họ có nhiều tiền) quan niệm mình không nên tước mất niềm vui của con. Trớ trêu thay, thường đó lại là những người có một nền tảng gia đình khá giả, vững vàng về tài chánh. 

"Mơ rồi cố gắng mà có được" là một lộ trình ba bước, trong đó "cố gắng" là một chặng dài thú vị nhất, thậm chí ngay cả khi không "có được" thì những trải nghiệm của chặng "cố gắng" vẫn đáng giá. Cho con ít tiền thôi là để chặng "cố gắng" không bị cụt hứng, để bước "mơ" có thời gian mà bổ sung phong phú thêm. 

Đứa trẻ mơ có một con quay xịn, cứ để nó dành dụm và phấn đấu để không lỡ mất "mùa chơi". Mua luôn cho con là giết chết mùa quay của nó ngay từ đầu vụ.

Có tiền để không keo kiệt

Keo hay không là bản tính mỗi người, giáo dục chỉ thay đổi được phần ngọn, nhưng có giáo dục về việc đó vẫn hơn. Có những bố mẹ rộng rãi nhưng đau đầu vì con mình quá keo, thậm chí việc keo kiệt làm hỏng nhiều việc của nó.

Ngay từ nhỏ, song song việc cho con tiền, dạy con tự tiêu pha, một số phụ huynh còn chú trọng dạy con tiêu tiền vì người khác. Chị Tâm (TP.HCM) nhắc con trai học lớp 7 mỗi thứ sáu nên mời một bạn nào đó trong lớp xuống căngtin ăn uống - một bạn nào đó có vẻ không bao giờ có tiền để được hưởng cái thú vui học đường ấy. 

Tuy con trai chị mỗi lần nghe nhắc là một lần cháu tỏ vẻ ngán ngẩm, nhưng chị quả quyết: "Kệ, sau này lớn sẽ hiểu nhiều lúc không muốn đãi đằng vẫn phải đãi đằng. Chẳng có sự hoang phí nào lớn bằng keo kiệt".

Dạy trẻ con về tiền là dạy về công dụng căn bản của nó: để mua thực phẩm, đồ chơi, thuốc men; để mua vui cho mình, cho bạn bè; để làm công cụ giao tiếp xã hội. Muốn trẻ học tốt về những công dụng ấy, có lẽ nhiều phụ huynh sẽ thống nhất: cho trẻ con ít tiền thôi!

T.L.

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Hội nghị thương mại và gala trao giải năm 2019 (03/08/2019)

>   Warren Buffett: Sai lầm cha mẹ hay mắc phải khi dạy con về tiền bạc (01/08/2019)

>   Bao nhiêu tiền cho chuyến bay rẻ nhất vào không gian? (31/07/2019)

>   5 hiểu lầm phổ biến về người giàu (27/07/2019)

>   CEO của các công ty trong S&P 500 được trả lương như thế nào? (17/07/2019)

>   Lời khuyên vàng ngọc của Warren Buffett dành cho những người tìm kiếm thành công (15/07/2019)

>   Những bài học tài chính cần thuần thục trước tuổi 30 (15/07/2019)

>   Biểu đồ đơn giản này sẽ làm thay đổi cách bạn nghĩ về tiền bạc (10/07/2019)

>   Harvard và Yale quản lý tiền như thế nào? (09/07/2019)

>   Khách hàng đua nhau tố cáo Công ty Alibaba lừa đảo (27/06/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật