Dầu WTI giảm hơn 2% vì căng thẳng thương mại leo thang
Tuần qua, dầu WTI giảm 1.2%, còn dầu Brent tăng 1.2%
Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm mạnh vào ngày thứ Sáu (23/08), qua đó góp phần nâng tổng mức giảm trong tuần của dầu WTI lên hơn 1%, sau khi Trung Quốc thông báo áp thuế trả đũa đối với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ, bao gồm cả thuế đối với dầu thô, làm tăng lo ngại về nền kinh tế toàn cầu và triển vọng nhu cầu, MarketWatch đưa tin.
“Bản thân hàng rào thuế quan không gây quá nhiều bất ngờ trước sự leo thang căng thẳng thương mại”, Marshall Steeves, Chuyên gia phân tích thị trường năng lượng tại IHS Markit, nhận định. “Tuy nhiên, thuế quan đặc biệt đối với dầu thô của Mỹ chắc chắn ảnh hưởng trược tiếp đến dầu WTI”.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10 trên sàn Nymex sụt 1.18 USD (tương đương 2.1%) xuống 54.17 USD/thùng, chứng kiến đợt bán tháo tồi tệ sau báo cáo cho biết danh sách chịu thuế của Trung Quốc bao gồm 5% thuế đối với dầu thô nhập khẩu từ Mỹ. Tuần qua, hợp đồng này đã giảm 1.2%, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 10 trên sàn Luân Đôn mất 58 xu (tương đương 1%) còn 59.34 USD/thùng, nhưng vẫn tăng 1.2% trong tuần qua.
Qua một loạt bài tweet, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ có hành động tiếp theo đối phó Bắc Kinh và cho biết ông đã “ra lệnh” cho các các công ty Mỹ tìm kiếm lựa chọn thay thế Trung Quốc. Điều này đã dẫn đến một làn sóng bán tháo mạnh mẽ trong chứng khoán Mỹ và gây sức ép lên đồng USD, đồng thời thúc đẩy nhu cầu các tài sản trú ẩn an toàn như vàng và trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Động thái này được đưa ra khi kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang Trung Quốc trong tháng này vọt lên mức cao nhất trong 1 năm ở mức 300,000 thùng/ngày, với một số lượng tàu chở dầu thô của Mỹ sẽ cập bến Trung Quốc.
Truyền thông Tân Hoa Xã của Trung Quốc cho biết thuế suất 10% và 5% sẽ có hiệu lực đối với 2 lô hàng hóa trị giá 75 tỷ USD vào ngày 01/09 và 15/12.
Thông tin cho biết thuế quan bao gồm thêm 5% thuế nhập khẩu dầu thô sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng tới.
Hồi đầu tháng này, ông Trump đã công bố kế hoạch nâng thuế bổ sung đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bắt đầu từ ngày 01/09 nhưng đã hoãn một phần cho đến ngày 15/12/2019.
“Rủi ro về triển vọng nhu cầu là rất cao khi cuộc chiến thương mại vẫn căng thẳng và sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell không đưa ra chiến dịch nới lỏng chính sách mạnh mẽ”, Edward Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định.
Trong bài phát biểu tại hội nghị chuyên đề chính sách kinh tế ở Jackson Hole, Wyoming, “ông Powell đã để ngỏ khả năng tiếp tục có động thái kích thích kinh tế, nhưng chúng ta sẽ không thấy điều đó xảy ra nhanh như thị trường dự báo ban đầu”, ông Moya cho biết.
“Dầu thô sẽ gặp khó khăn vì những rủi ro đáng kể đối với nền kinh tế toàn cầu và sự kích thích chậm trễ từ Mỹ sẽ làm giảm triển vọng nhu cầu”, ông Moya nói thêm.
Trong khi đó, dữ liệu định kỳ hàng tuần về số giàn khoan tại Mỹ cho thấy hoạt động sản xuất đã suy giảm. Cụ thể, vào ngày thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 16 giàn xuống 754 giàn trong tuần này, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 4/2019.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 9 lùi 1.5% xuống 1.6428 USD/gallon và giảm 0.9% trong tuần qua. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 9 mất 1.4% còn 1.8156 USD/gallon, nhưng vẫn tiến 0.2% trong tuần qua.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 9 hạ 0.3% xuống 2.152 USD/MMBtu. Tuần qua, hợp đồng này đã giảm 2.2%.
An Trần
Fili
|