Dầu khởi sắc trong phiên, đánh dấu đà tăng nhẹ trong tuần qua
Tuần qua, dầu WTI tăng 0.7%, dầu Brent nhích 0.2%
Các hợp đồng dầu thô tương lai đảo chiều tăng vào ngày thứ Sáu (16/08), qua đó góp phần giúp hàng hóa này ghi nhận đà tăng nhẹ trong tuần qua, khi nhà đầu tư cân nhắc sự suy yếu của nhu cầu trước sự bất ổn của nguồn cung liên quan đến sản lượng ở Trung Đông và của OPEC, MarketWatch đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9 trên sàn Nymex tiến 40 xu (tương đương 0.7%) lên 54.87 USD/thùng, sau khi dao động tại mức cao 55.67 USD/thùng trong phiên.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 10 trên sàn Luân Đôn cộng 41 xu (tương đương 0.7%) lên 58.64 USD/thùng.
Hợp đồng dầu WTI đã tăng 0.7% trong tuần qua, còn dầu Brent nhích 0.2%, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Trong báo cáo định kỳ hàng tháng công bố vào ngày thứ Sáu, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong năm 2019, giảm 40,000 thùng/ngày xuống 1.1 triệu thùng/ngày và không thay đổi dự báo cho năm 2020 là 1.4 triệu thùng/ngày. OPEC cũng hạ triển vọng tăng trưởng nguồn cung của các nước ngoài OPEC trong năm 2019 và 2020.
“Bức tranh tổng thể cho thấy nền kinh tế vẫn gặp khó khăn trong năm 2020 và niềm tin đang suy yếu trong nhiều người”, Mihir Kapadia, Giám đốc điều hành của Sun Global Investments, nhận định. “Chính sách cắt giảm của OPEC sẽ là cần thiết để giúp cân bằng thị trường dầu mỏ nhưng với các yếu tố khác như căng thẳng thương mại vẫn tiếp diễn, đây sẽ là giai đoạn rất khó khăn đối với dầu mỏ”.
Quay trở lại Mỹ, dữ liệu của Baker Hughes vào ngày thứ Sáu cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ lần đầu tiên tăng trong 7 tuần, cộng 6 giàn lên 770 giàn trong tuần này.
Dầu thô đã rơi vào thị trường con gấu hồi đầu tháng này, “bốc hơi” hơn 20% từ mức đỉnh gần đây. Dầu WTI đã sụt 6.5% trong tháng 8, còn dầu Brent lao dốc gần 10% từ đầu tháng đến nay. Dầu đã giảm mạnh trong 2 phiên trước đó sau một loạt dữ liệu kinh tế toàn cầu ảm đạm cùng với sự đảo ngược ngắn vào ngày thứ Tư (14/08) của thước đo chính đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ, được xem là một tín hiệu cảnh báo suy thoái. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang cũng góp phần làm tăng nỗi lo về đà giảm tốc kinh tế toàn cầu.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 9 tiến 1.3% lên 1.6364 USD/gallon, nhưng vẫn giảm 1% trong tuần qua. Trong khi đó, hợp đồng dầu sưởi giao tháng 9 mất 1.8% còn 1.8107 USD/gallon, nhưng lại tăng 0.3% trong tuần qua.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 9 giảm 1.4% xuống 2.20 USD/MMBtu. Tuần qua, hợp đồng này đã vọt 3.8%.
An Trần
Fili
|