Dấu hỏi lớn cho các neobank
Cũng như nhiều mô hình kinh doanh trên mạng khác, các ngân hàng kiểu này đang thua lỗ nặng, không biết bao giờ mới có lãi. Câu hỏi đặt ra là tương lai các neobank sẽ như thế nào nếu các ngân hàng truyền thống bắt chước và triển khai thành công hình thức chỉ giao dịch trên mạng, trong khi ngân hàng kỹ thuật số chỉ biết tiêu tiền.
Neobank là từ để chỉ các ngân hàng kỹ thuật số kiểu mới, không cần phòng giao dịch, không cần chi nhánh, mọi hoạt động diễn ra trên không gian mạng. Loại ngân hàng này đang thu hút đông đảo người dùng, nhất là giới trẻ, vì sự tiện dụng, không cần mất công đến hội sở ngân hàng để giao dịch. Tuy nhiên cũng như nhiều mô hình kinh doanh trên mạng khác, các ngân hàng kiểu này đang thua lỗ nặng, không biết bao giờ mới có lãi. Câu hỏi đặt ra là tương lai các neobank sẽ như thế nào nếu các ngân hàng truyền thống bắt chước và triển khai thành công hình thức chỉ giao dịch trên mạng, trong khi ngân hàng kỹ thuật số chỉ biết tiêu tiền, doanh thu không đủ bù chi phí?
Theo tờ Quartz, nước Anh đang trở thành chiếc nôi thí điểm loại hình ngân hàng kỹ thuật số kiểu mới, hiện đang thu hút thêm hàng ngàn khách hàng mỗi ngày. Giới đầu tư cũng đang rót tiền vào các neobank, như Monzo tháng trước nhận thêm 145 triệu đô la tiền đầu tư; Revolut năm này dự kiến hút thêm nửa tỉ đô la vốn còn N26 dù thành lập ở Berlin nhưng cũng đang hoạt động tại Anh và năm nay đã được rót đến 470 triệu đô la.
Khi một lãnh đạo ngân hàng N26 trả lời phỏng vấn Financial Times rằng lợi nhuận không phải là một chỉ số then chốt, mọi nhà đầu tư đều lên ruột, mặc dù họ đều biết các ngân hàng kiểu như N26 phải chi thật mạnh tay cho hoạt động tiếp thị, quảng bá thì mới tăng được lượng người dùng. Với mô hình hoạt động trên mạng, số lượng người dùng lúc nào cũng là chỉ số quan trọng nhất, kể cả Uber hay Airbnb, Facebook hay ngân hàng kiểu mới. Chính vì thế chi phí lớn nhất của các doanh nghiệp loại này là chi phí tính trên mỗi khách mới thu hút được. Cũng do thị trường xem số lượng người dùng như một tiêu chí quan trọng để định giá doanh nghiệp, nên các startup thường dùng tiền đầu tư tìm mọi cách để tăng lượng khách hàng chứ không hề quan tâm đến chuyện lời lỗ. Họ có thể cung cấp dịch vụ giá rẻ và chịu lỗ miễn sao có thêm khách hàng mới.
Các neobank hiện thu hút khách bằng các tiện ích mới như khóa thẻ, mở lại thẻ trong nháy mắt nhờ thao tác qua mạng. Nhưng nên nhớ các ngân hàng truyền thống có thể sao chép các tiện ích này và áp dụng cho khách hàng của mình để giữ chân họ. Hầu như các ngân hàng truyền thống lớn đều đã xây dựng nền tảng công nghệ và ứng dụng cho khách, kể cả ứng dụng trên điện thoại di động, không thua kém gì các neobank. Nếu các ngân hàng kỹ thuật số không đạt đến lượng khách đủ để sau này hoạt động có lãi, nếu các ngân hàng truyền thống bắt kịp các ngân hàng kỹ thuật số về mặt công nghệ, sẽ không có lý do gì khách hàng rời bỏ ngân hàng quen thuộc của mình sang ngân hàng kiểu mới.
Tuy nhiên cũng có người nói con đường phát triển của các neobank không hẳn chỉ là tiện ích công nghệ. Mục đích sau cùng của các doanh nghiệp công nghệ tài chính là tạo ra dòng tiền tự động, để khách không cần đưa ra các quyết định tài chính nữa, mọi việc sẽ được tự động hóa theo nhu cầu của khách. Cứ đến đúng ngày các ứng dụng sẽ thanh toán tiền điện, nước, tiền thuê nhà, tiền mua nhà trả góp; thấy lãi suất ở đâu cao hơn thì chuyển tiền vào đó; cảnh báo khách khi lượng chi vượt mức đã quy ước; thông báo khách cần tiết kiệm thêm bao nhiêu phần trăm thu nhập để về hưu năm 45 tuổi, trong tay có đủ tiền chi cho tuổi già... Vấn đề là các neobank phải đạt đến mức độ tinh vi như thế trước khi tiêu hết tiền của giới đầu tư mạo hiểm, bằng không chính họ phải cần được tư vấn tìm nguồn tiền khác ở đâu.
Nguyễn Vũ
TBKTSG