Thông tin Big C mới đây tạm dừng mua may mặc từ các nhà cung cấp Việt Nam khiến không ít người bất ngờ, thậm chí bày tỏ sự phẫn nộ. Thế nhưng, với những người trong lĩnh vực bán lẻ, siêu thị thì điều này không có gì ngạc nhiên bởi những yêu cầu này dường như được dự đoán từ trước khi mà hãng Big C về tay nhà bán lẻ Thái Lan - Central Group.
Doanh nghiệp Việt lần lượt dừng cuộc chơi
Không những là ông chủ sở hữu mới của BigC, Central Group còn là cổ đông lớn nắm giữ tới 49% cổ phần của Nguyễn Kim - một cái tên không còn xa lạ trên thị trường điện máy Việt Nam.
Cách đây 3 năm, Thế giới di động buộc phải rời 22 cửa hàng khỏi hệ thống của Big C trên toàn quốc chỉ vì Thế giới di động bán những mặt hàng giống với Nguyễn Kim.
Trước đó không ít doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cung cấp hàng cho hệ thống này đã phải lên tiếng kêu cứu khi BigC đưa ra những yêu cầu như nâng mức chiết khấu… khiến doanh nghiệp không thể chen chân được vào chuỗi siêu thị.
Khi đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, mức chiết khấu mà Big C yêu cầu lên đến 20%, thậm chí 25% là rất khó, doanh nghiệp chắc chắn lỗ, không có lãi để tái đầu tư.
Thực tế, chỉ ít lâu khi mua lại Big C từ tay tập đoàn Casino của Pháp, Central Group đã âm thầm đưa sản phẩm "Made in Thailand" độc chiếm những vị trí đẹp nhất. Các loại bia, nước ngọt, gạo, giày dép xuất xứ Thái Lan được đặt ở ngay lối ra vào, thậm chí còn được trưng bày trên những kệ riêng biệt, sát quầy tính tiền, dễ thu hút khách hàng quan tâm, mua sắm.
Big C có vi phạm Luật Cạnh tranh?
Trong vụ việc mới nhất, mặc dù ngay trong chiều 3/7, đại diện Big C thanh minh rằng việc tạm dừng các đơn đặt hàng may mặc chỉ là tạm thời, song giới chuyên gia cho rằng sự đổ bộ mạnh mẽ của các nhà bán lẻ Thái Lan thời gian qua đã ít nhiều tác động đến thị trường bán lẻ cũng như hệ thống sản xuất của Việt Nam.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội bình luận: Big C đã lật kèo nhiều lần, vấn đề này thuộc đạo đức trong kinh doanh.
Bởi theo ông Vinh, Big C Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự ưu đãi của cơ quan chức năng khi đầu tư tại Việt Nam. Có thể nói, Việt Nam đã "trải chiếu hoa" mời Big C vào làm ăn kinh doanh. Bao nhiêu bằng khen, giấy khen cũng đã được trao cho doanh nghiệp này. Mới đây, tại hội nghị 10 năm, đại diện Big C cũng khẳng định sẽ ưu tiên hàng Việt và hứa 90% hàng Việt sẽ có mặt tại chuỗi siêu thị này.
Tuy nhiên, họ đã không làm thế. Big C đã từng "đuổi" Thế giới di động ra khỏi hệ thống, tăng chiết khấu đối với những nhà cung ứng hàng Việt lên 25 - 30% giá trị. Trong vụ việc mới nhất, nếu có thay đổi mục đích kinh doanh thì Big C phải đàm phán trước, thông báo trước với các nhà cung ứng của Việt Nam. Việc thay đổi đột ngột ảnh hưởng đến thu nhập của doanh nghiệp, tác động trực tiếp đến đời sống của hàng trăm, hàng nghìn người dân.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội còn cho rằng hành động của Big C còn có thể vi phạm Luật Cạnh tranh. Theo luật Cạnh tranh, nhà bán lẻ không có quyền từ chối nhà cung ứng khi không có lý do chính đáng.
Phải thay đổi, hoặc là "chết"!
Từ câu chuyện của Big C, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, chúng ta cần phải dè chừng với chuỗi siêu thị của nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc như Lotte, Aone, bởi rất có thể một ngày, các siêu thị này sẽ hành động tương tự như Big C.
Ông Phú nêu ví dụ điển hình tại siêu thị của Hàn Quốc tại Việt Nam, có nhà cung ứng cho biết, một kiện hàng miến muốn vào kệ siêu thị này đòi 20 triệu, chưa kể chiết khấu. Đó chỉ đơn thuần là phí "nhập quốc tịch".
"85% các mặt hàng được bày bán trong siêu thị là của doanh nghiệp bên ngoài cung ứng. Nếu họ nhập hàng nội địa hoặc một nước thứ ba thì các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam sẽ chết bởi mất hệ thống phân phối trên thị trường", ông Phú cho biết và nói thêm rằng, hiện bán lẻ hiện đại, các kênh siêu thị do nhà bán lẻ nước ngoài chiếm 50% thị phần, bán hàng online họ chiếm 70%, tăng trưởng mạnh so với các năm trước, từ 30% lên 50%. Riêng hệ thống siêu thị Big C chiếm 50 điểm/100 điểm siêu thị hiện đại của cả nước.
Xuất phát từ thực tiễn đó, ông Phú cho biết đã đề xuất sáng kiến thành lập Hiệp hội các nhà cung ứng hàng hoá Việt Nam để sẵn sàng đối phó với những siêu thị nước ngoài nếu làm ăn không tử tế với các doanh nghiệp Việt.
Đồng thời, kiến nghị cơ quan chức năng tập trung hỗ trợ các tập đoàn bán lẻ Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn như Saigon Co.op Mart, Hapro, các chuỗi siêu thị của Vingroup… Hiện Hapro chỉ có mấy chục điểm siêu thị trong khi đó, phí vào Hapro chỉ bằng một phần tư so với con số 20 triệu nêu trên.
Còn bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, qua vụ Big C đã nổi lên nhiều vấn đề mà quan trọng nhất là thực lực cạnh tranh của sản phẩm Việt. Nếu hàng may mặc của Việt Nam có sức cạnh tranh thì người Thái cũng phải bán vì họ kinh doanh, có lợi thì họ làm.
Tuy nhiên, đối với vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú cho rằng muốn thay đổi, nâng cao chất lượng thì cũng phải mất 10-20 năm chứ không thể nói phấn đấu là bằng ngay hàng của Đức hay của Ý.