Thứ Năm, 04/07/2019 21:29

Vụ buôn thuốc giả tại VN Pharma: 10 tỉ 'hoa hồng' chạy án

Buôn bán thuốc chữa ung thư giả, để tiền 'hoa hồng' ngoài sổ sách kế toán, dùng số tiền này 'chạy án' nhằm thoát tội, hàng loạt lãnh đạo của VN Pharma đang phải đối diện mức án tử hình.

Các bị cáo trong vụ án VN Pharma tại phiên tòa sơ thẩm lần 1 năm 2017. Ảnh: Hữu Khoa

* Điều tra lại vụ án tại VN Pharma: Truy tố 12 bị can tội buôn thuốc giả

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 12 bị can trong vụ án sản xuất, buôn bán thuốc ung thư giả xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma.

12 bị can trong vụ án, trong đó có Nguyễn Minh Hùng; Ngô Anh Quốc (đều nguyên tổng giám đốc VN Pharma) bị truy tố về tội "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" (khoản 4, điều 157 Bộ Luật hình sự) với mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Liên quan đến vụ án này còn có một vụ "chạy án" khác của lãnh đạo VN Pharma mà ít người biết đến.

"Chạy án" bằng tiền "hoa hồng"

Theo hồ sơ, từ năm 2015, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra đối với Nguyễn Minh Hùng và một số đối tượng khác về hành vi buôn lậu thuốc ung thư giả tại VN Pharma.

Người bào chữa cho bị can Hùng là Dương Kim Sơn - luật sư thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội.

Thời điểm này, Ngô Anh Quốc đang là Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của VN Pharma.

Lo sợ mình sẽ bị khởi tố, Quốc nhờ Sơn thông qua các mối quan hệ xã hội "lo giúp" cho Quốc, Lê Thị Vũ Phương (kế toán trưởng VN Pharma) và Bùi Ngọc Duy (trưởng phòng nghiên cứu phát triển VN Pharma) để các đối tượng này không bị khởi tố và sẽ trả tiền theo yêu cầu của Sơn.

Sơn biết Lê Phú Toàn là chủ tịch hội đồng quản trị một công ty tại Hà Nội, có mối quan hệ với một số cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nên đã nhờ Toàn tìm cách "lo giúp" theo yêu cầu của Ngô Anh Quốc. Toàn nhận lời và đã gặp chị N.T.T.H (kiểm tra viên, vụ 2, Viện KSND tối cao) để nhờ vả.

Chị H. trả lời không giúp được và giới thiệu Toàn đến gặp ông N.T.T (kiểm sát viên trung cấp, vụ 1, Viện KSND tối cao). Ông T. trả lời việc này vượt quá khả năng nên không giúp được. Tuy nhiên, ông T. có trao đổi với Toàn một số thông tin liên quan đến vụ án.

Sau khi có được một số thông tin, Toàn nói với Dương Kim Sơn cán bộ viện kiểm sát đã nhận lời nhưng với điều kiện phải chi 500.000 USD. Sơn nói lại yêu cầu này cho Ngô Anh Quốc.

Từ tháng 4 đến tháng 5-2015, Quốc đã 3 lần chuyển cho Sơn hơn 10 tỉ đồng để "chạy án". Số tiền này Quốc lấy từ khoản tiền chênh lệch nâng giá thuốc, để ngoài sổ sách kế toán của VN Pharma.

Sơn khai sau khi nhận tiền từ Quốc, Sơn đã chuyển cho Lê Phú Toàn 5 lần với tổng số tiền hơn 8 tỉ đồng.

Toàn khai sau khi nhận tiền từ Sơn đã đưa cho anh T. 3 lần, tổng cộng 5 tỉ đồng và một người khác số tiền gần 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, kết quả điều tra không có căn cứ cho thấy anh T. đã nhận số tiền trên.

Đến tháng 7-2015, thấy Sơn không giúp được gì nhưng vẫn tiếp tục yêu cầu đưa thêm tiền nên Quốc đã làm đơn trình báo, tố giác hành vi phạm tội của Dương Kim Sơn.

Đưa hối lộ nhưng không xác định được người nhận hối lộ

Cuối năm 2018, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Ngô Anh Quốc 5 năm tù về tội đưa hối lộ; Dương Kim Sơn và Lê Phú Toàn cũng lần lượt lãnh án 3 năm và 2 năm tù cùng về tội môi giới hối lộ.

Bị cáo Quốc sau đó đã có đơn kháng cáo xin được miễn trách nhiệm hình sự và xin trả lại cho VN Pharma số tiền hơn 10 tỉ đồng đã "chạy án".

Đây là số tiền nâng khống giá thuốc, được để ngoài sổ sách để chi "hoa hồng" cho các bác sĩ ở bệnh viện và chi cho hoạt động đối ngoại mà VN Pharma có nhiệm vụ cung cấp thuốc.

Phiên xét xử phúc thẩm vụ "chạy án" vừa được mở trong tháng 6-2019. TAND cấp cao tại Hà Nội cho rằng vụ án xảy ra đã lâu, quá trình điều tra, truy tố vụ án thể hiện sự lúng túng của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng trong việc xác định tội danh cũng như đường lối giải quyết vụ án.

Theo tòa, vụ án được điều tra không triệt để, các cơ quan tố tụng đã quy kết hành vi "đưa hối lộ" và "môi giới hối hộ" nhưng lại không thể xác định, chứng minh được người nhận hối lộ

Tại tòa phúc thẩm, các bị cáo cho rằng việc các bị cáo bị kết tội nhưng người nhận hối lộ không bị truy cứu là không công bằng.

Số tiền hơn 10 tỉ đồng dùng để "chạy án" đã được bị cáo Sơn và Toàn nộp lại cho cơ quan điều tra.

Tòa cho rằng số tiền này có nguồn gốc từ việc nâng khống giá thuốc, không được hạch toán mà để ngoài sổ sách nhằm mục đích chi cho "đối ngoại". Mặt khác đây là số tiền được sử dụng cho mục đích phạm tội nên đã tuyên tịch thu sung công quỹ nhà nước.

Phiên xét xử sơ thẩm vụ buôn bán thuốc giả tại VN Pharma sẽ được TAND TP.HCM mở trong thời gian tới.

Tâm Lụa

Tuổi Trẻ

Các tin tức khác

>   Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư hơn 79.000 tỷ đồng (04/07/2019)

>   EVFTA và nỗi lo từ hàng rào bên trong (04/07/2019)

>   Bộ Công Thương: 'Big C hứa nhập lại hàng may mặc Việt Nam ngay hôm nay' (04/07/2019)

>   Mù mờ tiêu chí hàng Việt: Cần siết lại giải thưởng, danh hiệu (04/07/2019)

>   9 năm: Điện thoại di động khai tử 75% thuê bao điện thoại cố định (04/07/2019)

>   [Infographics] Thị trường xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam (04/07/2019)

>   Thị trường xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam (04/07/2019)

>   Cục Phòng vệ thương mại nói gì về việc Mỹ áp thuế "khủng" với thép nhập khẩu từ Việt Nam? (03/07/2019)

>   Điều tra lại vụ án tại VN Pharma: Truy tố 12 bị can tội buôn thuốc giả (03/07/2019)

>   Chính phủ yêu cầu sớm có kết quả thanh tra giá điện (03/07/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật