Trước thềm đàm phán Mỹ-Trung, chẳng bên nào đặt nhiều kỳ vọng
Gần 3 tháng sau khi các cuộc đàm phán thương mại đổ vỡ, các nhà đàm phán thương mại từ Mỹ và Trung Quốc sẽ lại gặp nhau ở Thượng Hải trong tuần này, giữa lúc không mấy ai kỳ vọng sẽ có bước đột phá tại cuộc gặp lần này.
Theo dự kiến, hai bên sẽ đàm phán trực tiếp vào ngày thứ Ba (30/07) sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến tới thỏa thuận đình chiến thương mại bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản) vào cuối tháng 6/2019. Dù vậy, căng thẳng vẫn còn đó và trong những ngày gần đây, hai bên đưa ra thông điệp khá trái chiều, đáng chú ý là chẳng bên nào thể hiện sự gấp rút tiến tới thỏa thuận. Cuộc đàm phán tuần này sẽ kéo dài hai ngày.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
|
Trung Quốc đã mua hàng triệu tấn đậu nành từ Mỹ và các công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục mua nông sản Mỹ, bao gồm đậu nành, vải cotton, thịt lợn, lúa miến, lúa mì, bắp ngô và sữa, Tân Hoa xã cho biết vào Chủ nhật (28/07).
Trong bài viết đăng ngày thứ Hai (29/07), Nhân Dân nhật báo cho biết động thái mua nông sản Mỹ là “một bước đi cụ thể và cho thấy thiện chí” để triển khai những gì ông Tập và ông Trump đã nhất trí, đồng thời kêu gọi Mỹ đáp lại động thái thiện chí này và đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc.
Dẫu vậy, Bắc Kinh cho rằng Mỹ là “bàn tay đen tối” đằng sau các cuộc biểu tình chống Chính phủ ở Hồng Kông và cho biết trong ngày thứ Sáu (26/07) rằng cuộc điều tra về FedEx (vì chuyển nhầm gói hàng của Huawei Technologies) phát hiện thêm những vi phạm pháp lý.
Tuần trước, ông Trump đã trao đổi với các giám đốc công nghệ về lệnh cấm đối với Huawei và có khả năng nới lỏng lệnh cấm, trong khi các quan chức Mỹ không mấy kỳ vọng có một thỏa thuận thương mại nhanh chóng.
Đứng bên bờ vực nguy hiểm là tình hình kinh tế toàn cầu, khi thị trường và công ty chịu áp lực từ sự bất ổn của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu và lên tiếng cảnh báo những tổn thất hiện tại phần nhiều do sự bất ổn kéo dài từ cuộc chiến thương mại, căng thẳng công nghệ leo thang và Brexit.
“Vẫn còn khoảng cách khổng lồ giữa hai bên về các vấn đề khó giải quyết”, Robin Xing, Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Morgan Stanley ở Hồng Kông, cho hay. “Cho đến nay, chưa có con đường nào rõ ràng dẫn tới một thỏa thuận toàn diện”.
Trung Quốc vẫn khăng khăng níu giữ ba yêu cầu quan trọng: Lập tức gỡ bỏ tất cả hàng rào thuế quan hiện tại, một thỏa thuận cân bằng và các mục tiêu mua nông sản phù hợp với thực tế. Nếu Mỹ cứ giữ mãi lập trường hiện tại trong cuộc đàm phán ở Thượng Hải, Taoran Notes – tài khoản có liên kết với tờ báo Chính phủ Economic Daily – cho biết hai bên sẽ chẳng đạt được mục tiêu gì.
Mỹ nên dẹp bỏ tất cả hàng rào thuế quan bổ sung nếu họ muốn tiến tới một thỏa thuận. Hai bên tôn trọng và bình đẳng là con đường duy nhất để tiến tới thỏa thuận, Taoran Notes cho biết. Trung Quốc không sợ trước lời đe dọa áp thêm thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc của Mỹ, Taoran Notes cho biết thêm.
Yêu cầu từ phía Mỹ
Nằm trong số những yêu cầu của Mỹ là cải cách cấu trúc kinh tế Trung Quốc, bảo vệ tốt hơn về quyền sở hữu trí tuệ và mối quan hệ thương mại cân bằng hơn. Trong ngày thứ Ba (23/07), Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết mục tiêu của ông Trump là có một thỏa thuận đúng đắn.
Dẫn dắt phái đoàn của Mỹ, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin “sẽ đưa ra quan điểm hai bên sẽ trở lại những gì đã nhất trí vào hồi tháng 5/2019” trước khi đàm phán đổ vỡ, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói với các phóng viên trong ngày thứ Sáu (26/07). Theo ông Kudlow, trước khi đàm phán đổ vỡ, thỏa thuận thương mại đã đạt 90%.
Hy vọng tiến tới thỏa thuận Mỹ-Trung đã vơi bớt vì căng thẳng địa chính trị ở Hồng Kông, Triều Tiên, Đài Loan. Huawei vẫn là một điểm gây thêm mâu thuẫn, trong đó Bắc Kinh thúc giục Mỹ ngăn chặn đề xuất cấm Huawei tiếp cận với bằng sáng chế của Mỹ.
Một số chuyên gia trong chính quyền Mỹ cũng lo ngại rằng sự xuất hiện của Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Zhong Shan ở Thượng Hải có thể báo điềm chẳng lành về các cuộc đàm phán. Ông ấy nổi tiếng là một nhà đàm phán cứng rắn và được một số chuyên gia bên phía Mỹ xem là một nhà đàm phán chuyên nghiệp và có kỹ năng. Tuy vậy, ông Zhong Shan có thể khiến cuộc đàm phán thêm phần căng thẳng.
Mặc dù không đề cập đến tên của ông Zhong nhưng Larry Kudlow – Cố vấn Kinh tế cấp cao của ông Trump – nhiều lần cảnh báo trong vài tuần gần đây rằng việc thêm người có lập trường cứng rắn vào phái đoàn đàm phán của Trung Quốc có thể khiến quá trình tiến tới thỏa thuận với Trung Quốc trở nên khó khăn và phức pháp hơn. Thậm chí, điều này có khả năng thôi thúc ông Trump áp thêm thuế. Tuy vậy, quan điểm này đã bị bác bỏ bởi Pauline Loong, Chuyên viên phân tích Trung Quốc và là Giám đốc quản lý tại công ty nghiên cứu Asia-Analytica.
“Đây không phải là cuộc bàn luận về việc nhượng bộ những vấn đề nho nhỏ”, Pauline Loong cho hay. “Các bước nhượng bộ cần thiết để tiến tới thỏa thuận sẽ cần có quyết định từ cấp Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, chứ không phải từ nhóm đàm phán”.
Các cuộc thảo luận sẽ bao gồm một loạt các vấn đề, bao gồm sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, hàng rào phi thuế quan, nông nghiệp, dịch vụ, thâm hụt thương mại và thực thi, theo một tuyên bố của Nhà Trắng.
“Trung Quốc sẽ không đưa những bước nhượng bộ lớn, vì vậy vấn đề của phía Mỹ là liệu họ có chấp nhận một bước thỏa hiệp hay tiếp tục leo thang căng thẳng”, David Dollar, hiện đang là thành viên cấp cao của Viện Brookings ở Washington, cho hay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Trung Quốc có thể đợi chờ đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 để ký thỏa thuận thương mại vì Bắc Kinh muốn tiến tới thỏa thuận với đảng Dân chủ hơn.
“Tôi nghĩ Trung Quốc có lẽ sẽ nói ‘chờ đã’”, ông Trump nói với các phóng viên ở Phòng Bầu dục trong ngày thứ Sáu (26/07). “Khi tôi thắng cử, có lẽ họ sẽ ký thỏa thuận gần như là ngay lập tức”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|