TPHCM: Mở lối giải tỏa 21.000 căn nhà ven kênh
TPHCM có chủ trương dành 10.000 căn hộ tái định cư (TĐC) bố trí chỗ ở cho những hộ dân không đủ điều kiện tái định cư khi di dời khỏi nơi ở cũ tại các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch thuộc chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị của thành phố (TP). Nhưng có nhà thôi chưa đủ, yếu tố then chốt để người dân ở lại trong các khu TĐC là việc làm, sinh kế.
Những căn nhà lụp xụp trên kênh Tẻ, TPHCM sẽ được giải tỏa để thành phố chỉnh trang đô thị. Người dân nơi đây sẽ được bố trí trong những căn hộ tái định cư khác. Ảnh: MINH QUÂN
|
Đền bù thấp, người dân không biết đi đâu, ở đâu
Ngày 10.7, PV Lao Động đã tìm đến những căn nhà sắp sửa được giải tỏa trên dòng kênh Đôi, nơi có hàng nghìn gia đình đang sống trong những căn nhà tạm bợ và không đủ giấy tờ pháp lý. Bà Thái Thị Vui (70 tuổi, P.4, Q.8) cho biết đã sống ở đây gần 20 năm. Năm 1999, khi mới dọn đến đây, gia đình bà chỉ có 5 người nhưng giờ đã tăng lên 10, chen chúc trong căn nhà khoảng 25m2. “Nếu đi khỏi đây thì chưa biết kiếm chỗ nào ở. Nhà diện tích như vậy, có dạt ra vùng ven cũng chưa chắc mua nổi tấc đất cắm dùi! Nếu được bố trí cho tái định cư tại chỗ, tôi rất mừng” - bà Vui nói.
Khó hơn nhà bà Vui, nhiều gia đình cạnh đó thậm chí không có tấc đất. Toàn bộ nhà của họ đều nằm trên mặt nước, neo vào bờ bằng những tấm ván. Căn nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Lệ (65 tuổi, P.4, Q.8) có diện tích khoảng 20m2 với 6 người sống. Căn nhà xuống cấp trầm trọng, bà Lệ và những người trong gia đình sống mà luôn nơm nớp không biết lúc nào nó sập.
Theo bà Lệ, nguồn nước sạch ở đây luôn thiếu thốn, đặc biệt vào mùa khô. Về chuyện tái định cư, bà Lệ chia sẻ nếu Nhà nước yêu cầu, bà sẵn sàng di dời. Nhưng bà Lệ còn lo âu: “Cả nhà giờ làm nhiều khi không đủ chi tiêu. Nếu Nhà nước hỗ trợ cho thuê, thuê mua hoặc vay ngân hàng để mua nhà tái định cư, gia đình cũng chưa chắc với nổi”.
Chỗ ở sau khi di dời cũng là điều mà các hộ dân trên đường Tôn Thất Thuyết (Q.4) đang lo lắng. Ông Phạm Ngọc cho hay, căn nhà rộng 40m2 là nơi định cư của 14 người thuộc 3 thế hệ. Nhà chật nên buổi tối, đàn ông phải mang chiếu ra trước cửa ngủ.
“Nhà tôi sẽ nhận tiền bồi thường hơn 800 triệu đồng. Với số tiền này khó mà mua được một căn hộ ở quận 4, chỉ có thể mua nhà hoặc chung cư ở vùng ven. Trong khi vợ chồng tôi buôn bán ở đây, đi khỏi quận 4 biết làm gì để sống? Ở đây, rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh như vậy. Chúng tôi sẽ bám víu mảnh đất này được ngày nào hay ngày đó cho đến khi quyền lợi được bảo đảm” - ông Ngọc chia sẻ.
Xây 10.000 căn nhà ở xã hội hỗ trợ người dân
Trao đổi với PV Lao Động về vấn đề di dời, giải phóng mặt bằng và tái định cư nhà ở trên, ven kênh rạch, ông Trần Hoàng Quân - Chủ tịch UBND Q.4 - cho biết, có một thực tế là người dân không mặn mà mua nhà TĐC vì giá nhà cao hơn giá được bồi thường. Theo ông Quân, Q.4 có 1.700 hộ dân sống trên và ven kênh rạch. Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng hiện nay rất lớn và không đủ nhà TĐC cho các hộ dân. “Giá bồi thường mà dân nhận được mang đi mua căn hộ tái định cư không đủ, vì căn hộ tái định cư tối thiểu 30m2 giá đã hơn 700 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, 50% hộ dân được bồi thường dưới 500 triệu đồng” - ông Quân nói.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Nguyễn Văn Danh cho hay, chính sách hiện nay khi di dời, Nhà nước sẽ bồi thường theo giá thị trường để người dân tự lo nơi ở mới. Tuy nhiên, chủ trương mới là những người không đủ tiền để mua nhà ở thương mại hoặc không đủ điều kiện bồi thường và không còn nơi ở nào khác, Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng nhà ở xã hội (NƠXH).
Theo ông Danh, TPHCM sẽ tập trung phát triển quỹ NƠXH với quy mô khoảng 20.000 căn, trong đó dành 10.000 căn để bố trí tái định cư cho khoảng 10.000 trường hợp hộ gia đình khó khăn về chỗ ở tại các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch thuộc chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị của TP. Người dân có thể được hỗ trợ theo hình thức ưu tiên thuê, thuê mua hoặc mua các căn hộ này.
Ngoài phát triển quỹ NƠXH, ông Danh còn cho hay, TPHCM sẽ thúc đẩy phát triển nhà ở thương mại cho các hộ gia đình lựa chọn mua lại để TĐC; đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển nhà ở thương mại đang triển khai, bảo đảm cung cấp khoảng 13.000 căn hộ và nền đất để các hộ gia đình được bồi thường có khả năng tự lo nơi ở mới, mua lại để TĐC theo phương thức nhà ở thương mại.
Chương trình di dời nhà ở trên và ven kênh rạch của TPHCM nhắm đến hơn 21.000 hộ dân đang sống trên và ven các rạch Hiệp Ân, Xuyên Tâm, Văn Thánh, Bần Đôn, Cầu Dừa, kênh Đôi… Đây là nhiệm vụ mà nhiệm kỳ 2010-2015 chưa làm được, nhiệm kỳ 2016-2020 chính quyền TPHCM đang quyết tâm làm, bằng cách kêu gọi đầu tư theo các hình thức xây dựng nhà ở thương mại và đối tác công - tư (PPP) để hỗ trợ ngân sách nhà nước. Số vốn cần cho các dự án di dời là hơn 44.000 tỉ đồng. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh nguyên tắc người dân ở trên kênh rạch sẽ được TĐC, cơ bản là ở gần chứ không đi xa. Đất có được sau giải tỏa sẽ làm đường góp phần giảm ùn tắc giao thông.
|
Không nên đẩy người dân tái định cư quá xa nơi họ sinh sống
* Ngày 11.7, tại kỳ họp thứ 15, HĐND TPHCM khóa IX đang diễn ra, trao đổi với PV Lao Động, đại biểu Cao Thanh Bình - Phó Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND TPHCM - cho biết: Song song với việc di dời nhà ven kênh rạch, chính quyền TPHCM cần quan tâm hơn về cuộc sống, chỗ ở tái định cư cho người dân tốt hơn. Đối với việc bồi thường và tái định cư, nhiều quận báo cáo có nhiều nhà dân ở ven kênh rạch không đủ pháp lý để bồi thường, thành phố cần vận dụng linh hoạt đơn giá bồi thường cho người dân và tổ chức cho người dân có chỗ tái định cư tốt.
* Còn đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giao TPHCM - thì cho rằng: Chính sách tái định cư rất cần thiết trong bối cảnh TPHCM chỉnh trang đô thị, giải quyết các khu nhà ổ chuột, ven kênh rạch trên địa bàn TP. Nên tái định cư trên địa bàn quận, huyện nơi người dân đang sinh sống là tốt nhất, như vậy mới đảm bảo sinh kế của người dân, không nên đẩy người dân tái định cư quá xa nơi họ sinh sống. Đồng thời, chính sách tái định cư cần điều tra xã hội học kỹ nhu cầu ở của người dân. MINH QUÂN
|
Minh Quân
Lao động