TP.HCM cần dành thêm quỹ đất phát triển hạ tầng dịch vụ
Trong số 26.000ha đất nông nghiệp chuyển đổi, TP.HCM cần dành diện tích thích hợp để xây dựng phát triển hạ tầng dịch vụ trên địa bàn TP.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TỰ TRUNG
|
Chiều 3-7, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo “Phát triển dịch vụ của TP.HCM và định hướng quy hoạch phát triển hạ tầng dịch vụ của TP giai đoạn 2020-2030”, tham dự có Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ nhiều hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu…
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh trong một thời gian dài vừa qua, dịch vụ luôn là ngành kinh tế lớn trong cơ cấu kinh tế của TP, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế TP và trong tương lai cũng sẽ như vậy.
“Với nhu cầu phát triển dịch vụ trong thời gian tới, vấn đề đặt ra là dịch vụ tiếp tục tăng trưởng cao thì chúng ta chuẩn bị gì để khuyến khích sự phát triển này? Quy hoạch đất như thế nào cho dịch vụ, nguồn vốn nào để đầu tư?”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nêu vấn đề.
Theo ông Nhân, một vấn đề khác quan trọng nữa là phải gắn sự phát triển dịch vụ với việc phát triển hệ thống giao thông, viễn thông, vấn đề cung cấp điện, nước và các dịch vụ đảm bảo môi trường.
TP cần có nhận thức toàn diện hơn để việc quy hoạch hạ tầng dịch vụ có bước chuẩn bị chủ động nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo - Ảnh: TỰ TRUNG
|
Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nhận định khái niệm về dịch vụ rất rộng, không chỉ dừng lại ở du lịch, mua bán mà còn là các loại hình tài chính, ngân hàng, các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao... Hiện nay, nhiều lĩnh vực còn là dịch vụ công nên chưa có sự quan tâm để thúc đẩy phát triển.
Theo ông Hoan, quy hoạch hạ tầng dịch vụ cần phải đi trước một bước và gắn liền với quy hoạch phát triển từng ngành, đồng thời có sự liên kết. Nếu mỗi ngành tự phát triển thì không thể tạo nên hiệu ứng tích cực, không thể thay đổi mạnh mẽ chất lượng dịch vụ chung của TP.
Đề cập đến quỹ đất để phát triển hạ tầng dịch vụ, ông Hoan cho biết hiện trung ương đã cho phép TP chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp cho các mục đích sử dụng đất khác nhau.
“Vấn đề là chúng ta sử dụng như thế nào. Kế hoạch sử dụng đất hằng năm phải nghiên cứu tăng cho phát triển hạ tầng dịch vụ. Nếu chúng ta chậm trễ thì coi chừng không còn đất cho phát triển hạ tầng dịch vụ thêm nữa”, ông Hoan cảnh báo.
Liên quan đến nguồn lực, ông Võ Văn Hoan cho rằng nguồn lực nhà nước thì có hạn. Do vậy cần phải xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa, huy động nguồn lực trong dân, doanh nghiệp trong nước và cả các nhà đầu tư nước ngoài.
“Các doanh nghiệp cũng nên thay đổi tư duy về đầu tư. Đầu tư hạ tầng dịch vụ phải là đầu tư chiến lược và lâu dài. Đây nên là mục tiêu phát triển của các doanh nghiệp trong tương lai”, ông Hoan cho rằng từng nhà đầu tư không thể cứ đầu tư một công trình nhà ở là xong, mà phải quan tâm đầu tư các hệ thống dịch vụ tiện ích xung quanh.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải thay đổi tư duy: không chỉ phục vụ cái mình có mà phục vụ cái dân cần, doanh nghiệp, nhà đầu tư cần. Từng cơ quan, đơn vị sự nghiệp đều có suy nghĩ như vậy thì tính phục vụ mới cao, đáp ứng được nhu cầu của người dân từ học hành, đi lại, ăn uống, đến khám chữa bệnh…
MAI HƯƠNG
Tuổi trẻ