Phát biểu kết luận phiên họp trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm giữa Chính phủ và các địa phương chiều 4/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khá gay gắt khi một số vấn đề, nội dung, lĩnh vực lẽ ra phải có kết quả tốt hơn nhưng do yếu tố chủ quan đã làm cản trở dòng chảy kinh tế.
Một trong những tồn tại được Thủ tướng đề cập nhiều lần là câu chuyện thể chế, chính sách của các bộ ngành chậm hoặc không ban hành, là nguyên nhân trực tiếp khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn, kinh tế bị kìm hãm phát triển.
Phải kiểm điểm việc chậm giải ngân vốn
Tại cuộc họp, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Thủ tướng cho rằng có 6 điểm sáng, mặt được cần biểu dương, trong đó đáng chú ý là GDP quý 2 và 6 tháng đã có kết quả khả quan trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến bất lợi. Tiếp đến là môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, được các tổ chức đánh giá cao.
Cùng với đó là chính sách tài khóa, tiền tệ, giá cả tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, góp phần kiểm soát lạm phát; Thu chi ngân sách diễn biến theo hướng tích cực, lần đầu tiên có số thu 6 tháng đầu năm đạt trên 53% so với dự toán. Các cân đối lớn và ổn định kinh tế vĩ mô được bảo đảm trong bối cảnh thị trường quốc tế nhiều biến động.
Việc hội nhập quốc tế và đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng, là cơ hội lớn cho Việt Nam, vấn đề là chúng ta làm gì, nội lực thế nào để tận dụng cơ hội này.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra hàng loạt tồn tại, hạn chế trong công tác điều hành, quản lý cũng như các rủi ro, thách thức cần lưu ý thời gian tới mà đầu tiên là rủi ro, thách thức từ bên ngoài như kinh tế thế giới nhạy cảm, nhiều rủi ro. Các động lực tăng trưởng chính đang có dấu hiệu chậm lại, áp lực lạm phát còn hiện hữu…
Đặc biệt, Thủ tướng đã khá gay gắt khi đề cập đến vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có cả vốn ODA. Theo Thủ tướng, đây tiếp tục là điểm nghẽn cần phải khẩn trương tháo gỡ.
"Tôi đề nghị tất cả Bộ trưởng, Chủ tịch, cơ quan thuộc Chính phủ đều phải kiểm điểm việc này và sẽ có chế tài nghiêm để xử lý vấn đề giải ngân", Thủ tướng nói.
Nói về trách nhiệm các bộ ngành, Thủ tướng cho biết khá nhiều cơ quan có tư tưởng đổ lỗi cho cơ chế, cứ kêu khó, kêu vướng nên cứ để mãi ở bộ, không chịu trình lên. Trong khi các quy đinh, quy hoạch đều có hết, cứ kêu khó.
"Điều này nó kìm hãm quy mô, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế. Nếu không giải quyết thì sẽ tiếp tục tụt hậu. Tôi yêu cầu các bộ trưởng phải rà lại thể chế. Phải sửa đổi, ban hành các nghị định, thông tư để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân. Nhiệm vụ của các đồng chí là làm thể chế, làm chính sách chứ không chỉ làm mấy việc cháy nhà, chết người…", Thủ tướng nói.
Một vấn đề khác đang được dư luận quan tâm chính là câu chuyện gian lận thương mại cũng được Thủ tướng lưu ý các bộ ngành phải kịp thời phát hiện, xử lý.
Mới đây, bản thân ông đã chủ động nhắc các địa phương, các ngành nhưng một số doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp đội lốt FDI, một số ngành chức năng mất cảnh giác nên dẫn đến tình trạng gần đây một số mặt hàng bị đánh thuế lên cao.
"Cách đây ít phút tôi đã ký đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Bộ Công Thương, Bộ Công an, Ban chỉ đạo 389 quốc gia có thể lập chuyên án để xử lý việc này", Thủ tướng cho biết và khẳng định: "không cho phép biến Việt Nam thành chỗ buôn lậu ma túy, không thể biến Việt Nam thành chỗ không phải hàng Việt Nam mà dán nhãn hàng Việt Nam".
Không điều chỉnh bất cứ một chỉ tiêu nào
Từ các phân tích trên, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo điều hành nhất quán của Chính phủ: Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, phát huy hơn nữa tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo, chủ động, linh hoạt thích ứng với tình hình.
Quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch 2019 của cả nước, của từng bộ, ngành, địa phương, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2016 -2020. "Cho nên, dứt khoát không có chuyện điều chỉnh bất cứ một chỉ tiêu nào đã giao cho các đồng chí", Thủ tướng nhấn mạnh.
Định hướng nhiệm vụ, giải pháp những tháng tới, Thủ tướng nêu rõ đối với rủi ro bên ngoài, cần theo dõi, bám sát, cập nhật và đánh giá đầy đủ tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đưa ra các giải pháp, kịch bản kịp thời, phù hợp, tận dụng các FTA đã ký và tập trung phát triển thị trường trong nước.
Theo dõi, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính tiền tệ quốc tế, có giải pháp kịp thời, bảo đảm ổn định lãi suất và tỷ giá, thị trường ngoại hối, tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, tạo bước đệm chống chọi với các cú sốc bên ngoài. Trong vấn đề này, cần chú ý một số ý kiến từ phía Hoa Kỳ trong mua ròng ngoại hối. Cần duy trì kênh liên lạc thường xuyên với các cơ quan chuyên môn của phía Hoa Kỳ để họ nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, thận trọng.
Phấn đấu năm 2019 đạt tăng trưởng kinh tế 6,6-6,8% so với năm 2018. Tập trung ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi. Tiếp tục tìm cách thu hút các nhà đầu tư, các chuỗi cung ứng đang tìm cách di chuyển khỏi các nước vào Việt Nam.
Sắp trình Bộ Chính trị Đề án thu hút FDI
Đề cập câu chuyện thu hút FDI, Thủ tướng nêu rõ tinh thần lớn trong thu hút FDI là phải có chọn lọc, chú trọng vào các tập đoàn hàng đầu thế giới, có công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Thủ tướng cũng thông báo, sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt đón làn sóng FDI mới vào Việt Nam. Cần đưa ra các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư.
Đặc biệt, Thủ tướng cho biết Chính phủ sắp trình Bộ Chính trị Đề án thu hút FDI.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA. Các bộ, ngành, địa phương cần lập tổ công tác xử lý việc này. Cần thiết thì điều chuyển vốn của những ngành, địa phương làm chậm cho ngành, địa phương khác.
Kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở địa phương, ở các ngành sẽ được đưa vào đánh giá thi đua cuối năm. Xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, hối lộ, cản trở phát triển.
Ngân hàng Nhà nước sớm trình sửa đổi Nghị định 96 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng mà "một số quy định chúng ta thấy đã lạc hậu". Bộ Tài chính làm đầu mối sớm trình sửa Nghị định 20 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, Nghị định về thanh toán tài sản công.
Thủ tướng nhấn mạnh kinh tế là một dòng chảy, không được dừng, cần giải quyết các tồn tại để dòng chảy ấy ngày càng lớn. Đây là trách nhiệm của Chính phủ kiến tạo phát triển. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm hoàn thành, ban hành các hướng dẫn triển khai Luật Quy hoạch.
Đồng thời xây dựng thể chế, chính sách để tạo điều kiện phát triển là việc quan trọng hàng đầu. Cần lưu ý không chỉ lo kinh tế, lo tăng trưởng mà phải lo cả bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề xã hội, bảo đảm tam giác phát triển kinh tế - xã hội - môi trường.
Theo Thủ tướng, nếu không chú ý vấn đề xã hội đúng mức thì đến một lúc nào đó, kinh tế không phát triển được nữa, rất nguy hiểm. Thủ tướng cảnh báo một số địa phương còn chạy theo phát triển kinh tế, chưa chú ý đúng mức vấn đề xã hội.
Trong chỉ đạo kết luận, Thủ tướng cũng nhắc nhở Bộ Công Thương sớm có đánh giá biểu giá điện, phương thức tính giá, để đề xuất giải pháp phù hợp nhất là đối với người dân. Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc bảo đảm nguồn cung ứng điện bởi "điện không chỉ là vấn đề kinh tế, bởi nếu mất điện thì thành vấn đề chính trị, an ninh trật tự". Vấn đề này cần lo ngay từ bây giờ chứ không để đến năm 2022-2023 mới triển khai.