Chủ Nhật, 30/06/2019 21:50

Không để thoát tội phạm biến tiền "bẩn" thành tiền "sạch"

Nghị quyết 03/2019 của Hội đồng Thẩm phán đã hướng dẫn chi tiết về việc áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội "Rửa tiền" có hiệu lực từ 7-7. Ngoài ra, nhiều nghị định mới cũng có hiệu lực từ tháng 7.

Ở Việt Nam, rửa tiền là loại tội phạm khá mới nhưng hiện loại tội phạm này đang có những diễn biến phức tạp, tác động xấu đến nền kinh tế, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tội "Rửa tiền" lợi dụng thói quen giao dịch bằng tiền mặt của người dân để mua tài sản có giá trị cao như bất động sản, ô tô, vàng bạc, đá quý,…sau đó nhờ người khác đứng tên, cất giấu nhằm hợp pháp hóa nguồn tiền "bẩn" thu được từ các hoạt động tội phạm.

Những hành vi được coi là phạm tội rửa tiền

BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung và cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính về tội "Rửa tiền" nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định chưa thực sự rõ ràng, cụ thể, vẫn phải hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Do đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24-5 hướng dẫn áp dụng Điều 324 của BLHS về tội "Rửa tiền". Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7-7.

Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP làm rõ khái niệm "biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có". Bốn trường hợp được giải thích cụ thể, như: người phạm tội trực tiếp biết tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có; biết qua các phương tiện thông tin đại chúng về tội phạm nguồn; bằng nhận thức thông thường và theo quy định của pháp luật phải biết được nguồn gốc tiền do phạm tội mà có.

Có 5 tình tiết lớn để định tội, gồm:1- Hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch tài chính, ngân hàng (thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện các hành vi nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có); 2- Hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch khác (thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện các hành vi nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có); 3- Hành vi sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh (dùng tiền, tài sản thực hiện một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình đầu tư từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi); 4- Hành vi sử dụng tiền, tài sản do phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động khác (dùng tiền, tài sản để làm dịch vụ, xây dựng trường học, bệnh viện hoặc sử dụng dưới danh nghĩa tài trợ, từ thiện, viện trợ nhân đạo hoặc các hoạt động khác); 5- Hành vi cản trở việc xác minh thông tin về nguồn gốc, bản chất tài sản (cố ý gây khó khăn, trở ngại cho việc làm rõ nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản (ví dụ như cung cấp tài liệu, thông tin giả; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ; hủy bỏ, tiêu hủy, sửa chữa, tẩy xóa tài liệu, chứng cứ…).

Không để thoát tội phạm biến tiền bẩn thành tiền sạch - Ảnh 1.
Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP bổ sung nhiều nội dung và cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính về tội "Rửa tiền" nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn áp dụng (ảnh: Internet)

Án lệ được áp dụng sau 30 ngày kể từ khi công bố

Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ ngày 18-6, có hiệu lực từ ngày 15-7.

Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND Tối cao công bố là án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của TAND Tối cao để các tòa án, chuyên gia, nhà khoa học, cá nhân, tổ chức tham gia ý kiến trong 30 ngày. Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố.

Dùng điện để khai thác thủy sản, phạt đến 50 triệu đồng

Từ ngày 5-7, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản sẽ được áp dụng theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP.

Mức phạt đối với hành vi sử dụng điện để khai thác thủy sản được quy định như sau: Dùng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá: Phạt từ 03 - 05 triệu đồng; Dùng kích điện hoặc dùng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản: Phạt từ 15 - 20 triệu đồng nếu tàu cá dưới 12m; từ 20 - 30 triệu đồng nếu tàu cá từ 12 - 15m và từ 30 - 40 triệu đồng nếu tàu cá từ 15m trở lên. Dùng điện lưới để khai thác thủy sản mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Phạt từ 40 - 50 triệu đồng.

Ngoài phạt tiền, người có hành vi dùng điện để khai thác thủy sản còn có thể bị tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ; Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 03 - 06 tháng…

6 trường hợp không được đề nghị đặc xá

Theo Luật Đặc xá 2018, người có đủ điều kiện theo quy định để đề nghị đặc xá vẫn không được đề nghị đặc xá khi thuộc một trong các trường hợp sau: Bị kết án phạt tù thuộc vào 16 tội danh theo quy định tại Luật này; Bản án, phần bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng nặng TNHS; Đang bị truy cứu TNHS về hành vi phạm tội khác; Trước đó đã được đặc xá; Có từ 02 tiền án trở lên; Trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định.

Những quy định liên quan cán bộ công chức, viên chức

Lương cơ sở tăng lên 1,49 triệu đồng/tháng

Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7.

Theo đó, kể từ thời điểm này, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng, cao hơn so với thời điểm hiện tại 100.000 đồng. Mức lương này được dùng để: Tính lương trong bảng lương, mức phụ cấp và các chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; tính mức phí sinh hoạt, phí hoạt động; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở như trợ cấp, phụ cấp…

Lương hưu, trợ cấp BHXH tăng 7,19%

Chính phủ đã ban hành Nghị định 44/2019/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hàng tháng. Cụ thể, từ ngày 1-7, tăng thêm 7,19% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng của tháng 6-2019 đối với các đối tượng như: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng. Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng. Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng…

3 trường hợp công chức được tuyển dụng không qua thi tuyển

Đây là một trong những nội dung tại Thông tư 03/2019/TT-BNV sửa đổi, bổ sung quy định tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức. Cụ thể, 3 trường hợp này là: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học; đã là cán bộ, công chức cấp huyện trở lên được điều động, luân chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập; lực lượng vũ trang, cơ yếu; tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp…; là công chức cấp phòng trở lên, được tiếp nhận để bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý.

Ngoài ra, thông tư cũng quy định, viên chức chỉ cần đạt từ 50 điểm trở lên với mỗi bài thi trong kỳ thi nâng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thì được coi là trúng tuyển (trước đây là 55 điểm). Thông tư có hiệu lực từ ngày 1-7.

Dưới 15 tuổi vẫn được gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng

Thông tư 48/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, công dân từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không mất năng lực hành vi dân sự được gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng. Trường hợp công dân Việt Nam bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc chưa đủ 15 tuổi, việc thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm phải thông qua người đại diện theo pháp luật.

Cũng theo thông tư này, tổ chức tín dụng phải cung cấp một biện pháp để người gửi tiền tra cứu khoản tiền gửi tiết kiệm. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5-7-2019.

Trường Hoàng

Người lao động

Các tin tức khác

>   Thủ tướng: 'EVFTA, IPA là hai tuyến cao tốc lớn nối Việt Nam và EU' (30/06/2019)

>   Việt Nam phản hồi tuyên bố của Tổng thống Trump về thương mại song phương (28/06/2019)

>   CPI tháng 6 giảm 0.09% nhờ nhiều yếu tố (28/06/2019)

>   GDP 6 tháng đầu năm tăng 6.76% (28/06/2019)

>   [Infographics] Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU (27/06/2019)

>   9 năm đàm phán Hiệp định thương mại tự do với châu Âu (27/06/2019)

>   Ban hành biểu thuế xuất nhập khẩu thực hiện Hiệp định CPTPP (27/06/2019)

>   Thủ tướng Chính phủ: Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 đạt khoảng 6.8% (26/06/2019)

>   FTA Việt Nam-EU: Những nội dung chính (26/06/2019)

>   Việt Nam và EU chốt ngày ký hiệp định EVFTA vào 30-6 (25/06/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật