Thứ Tư, 24/07/2019 13:00

Thấy gì từ tín dụng tăng tốc trở lại?

Tăng trưởng tín dụng trong quý 1/2019 (tính đến ngày 20/03) chỉ đạt khiêm tốn 1.9%, đến cuối tháng 5 là 5.74%, ngày 10/06 là tăng 5.75% so với đầu năm, tốc độ tăng không mấy ấn tượng và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 20 ngày còn lại của tháng 6, tín dụng bất ngờ tăng vọt khiến nhiều người phải bất ngờ.

109 ngàn tỷ đồng trong 20 ngày

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, số liệu tăng trưởng tín dụng đến ngày 18/06 so với đầu năm đạt 6.22%, tăng nhanh thêm 0.5% so với ngày 10/6, nhưng đó chưa là gì so với mức tăng 1.1% chỉ trong vòng 12 ngày còn lại của tháng 6, khi số liệu chia sẻ từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong hội nghị sơ kết 6 tháng cho thấy tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 6 đã vọt nhanh lên mức 7.33%.

Nếu tính theo số tuyệt đối, trong vòng 8 ngày từ 10-18/06, dư nợ tín dụng đã tăng thêm 33.9 ngàn tỷ đồng, và 12 ngày còn lại từ 18-30/06, con số tăng thêm hơn 80 ngàn tỷ đồng, đánh dấu mức tăng bình quân một ngày cao nhất so với giai đoạn trước đó trong những tháng đầu năm.

Tổng cộng trong 20 ngày còn lại của tháng 6, có hơn 109 ngàn tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế qua việc giải ngân cho vay của các ngân hàng, tương đương mức tăng trưởng tín dụng đạt kỷ lục đến 1.6%, gấp đôi mức tăng trưởng tín dụng của hai tháng đầu năm, giúp tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 6 cao hơn đáng kể so với mức tăng cùng kỳ, dù trước đó giữa tháng 6 vẫn đang thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ.

Lý giải về việc tín dụng tăng nhanh như vậy, có ý kiến cho rằng các ngân hàng muốn làm đẹp báo cáo tài chính bán niên nên đã tăng tốc phát triển cho vay, cũng như do tháng 6 là kỳ đánh giá giữa năm nên các đơn vị chạy chỉ tiêu để đạt KPI được giao. Điều đó có thể đúng nhưng chưa đủ, nhất là khi nhìn lại con số tăng trưởng của cùng kỳ năm 2018.

Ngược lại quá khứ cách đây 1 năm, tăng trưởng tín dụng đến ngày 20/6/2018 theo Tổng cục Thống kê là 6.35%, sau đó số liệu báo cáo đến cuối tháng 6 là 6.5%, tức chỉ tăng thêm vỏn vẹn 0.15% trong vòng 10 ngày còn lại của tháng 6. Liệu còn lý do gì khiến dư nợ tín dụng của các ngân hàng đột ngột tăng mạnh trở lại như vậy?

Nhiều yếu tố ảnh hưởng

Diễn biến tín dụng tăng tốc trong nửa cuối tháng 6 dường như khá trùng hợp với động thái NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các nhà băng, nhờ thành tích sớm đáp ứng được hệ số an toàn vốn mới (CAR) theo chuẩn Basel 2 trước thời hạn. Cụ thể, VPBank cho biết cuối tháng 6, NHNN đã chấp thuận nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 16% thay vì 12% như ban đầu, còn Techcombank, Ngân hàng Quân đội (MBB) và ACB cũng chia sẻ được nới hạn mức tín dụng từ 13% lên 17%.

Ngoài ra, Sacombank cho biết nhà băng này cũng được nới chỉ tiêu tín dụng từ mức cũ 7% trước đó, một số nhà băng khác cũng đang kỳ vọng có thể được điều chỉnh, như OCB đã đạt tăng trưởng cho vay 18% sau 6 tháng, gần tiếp cận mức 20% được NHNN giao đầu năm, trong khi ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 30% trong năm 2019. VIB năm nay cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 35%, và đã đề nghị NHNN mở thêm hạn mức tăng trưởng trên cơ sở là một trong 2 ngân hàng đầu tiên hoàn thành Basel II.

Như vậy, có khả năng một số nhà băng đã sớm được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng hoặc đoán biết trước định hướng này nên có cơ sở để chạy chỉ tiêu cho vay trong những ngày cuối tháng 6 và không ngại việc sử dụng hết hạn mức được giao ban đầu. Thực tế, có ngân hàng gần cạn room tín dụng ngay từ quý 1, khi tăng trưởng quá tốt so với chỉ tiêu được giao.

Yếu tố đáng chú ý khác là thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp phát hành ồ ạt trái phiếu với lãi suất hấp dẫn, theo đó nhiều ngân hàng đã tích cực mua với số lượng lớn và sau đó tìm cách phân phối lại cho các khách hàng cá nhân theo phương châm mua sỉ bán lẻ để ăn chênh lệch lãi suất. Hoạt động này ngày càng phổ biến; tuy nhiên, việc mua sỉ với số lượng trái phiếu lớn ban đầu sẽ làm tăng mạnh dư nợ trái phiếu doanh nghiệp theo quy định được tính vào dư nợ tín dụng, trong khi việc bán lại cho nhà đầu tư cá nhân phải mất nhiều thời gian hơn.

Cũng cần biết rằng quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mới ở một số nhà băng trên không đồng nghĩa với việc mục tiêu tăng trưởng toàn ngành trong năm nay đặt ra ban đầu ở 14% sẽ bị vi phạm, khi bên cạnh cũng có một số ngân hàng không thể tăng tín dụng như kỳ vọng trong 6 tháng đầu năm, do hoạt động không thuận lợi hoặc đang bị níu chân bởi hệ số CAR vì không tăng được vốn, trường hợp của Vietinbank là một minh chứng. Với vị thế là một ông lớn trong nhóm NHTM Nhà nước, dư nợ tín dụng có quy mô rất lớn, phần không tăng trưởng được của ngân hàng này đã phần nào được bù đắp, san sẻ qua cho các ngân hàng khác đã được điều chỉnh chỉ tiêu.

Sẽ nới lỏng hơn?

Dù vậy, dự báo từ nay đến cuối năm, số lượng ngân hàng đáp ứng tiêu chuẩn Basel II không chỉ dừng lại ở 9 ngân hàng như hiện tại mà sẽ còn tiếp tục tăng. Điều này đồng nghĩa NHNN sẽ phải cấp thêm chỉ tiêu tín dụng cho các nhà băng đó.

Ngoài ra, những ngân hàng đã tăng mạnh được vốn điều lệ thời gian qua, đặc biệt là 2 ông lớn NHTM Nhà nước còn lại là Vietcombank (bán thành công cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore GIC và Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản, với tổng giá trị bán lên tới trên 270 triệu USD hồi đầu năm nay) và mới đây là BIDV đã chốt phát hành hơn 603.3 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank, sẽ thu về gần 20,300 tỷ đồng, thì con đường tăng tín dụng của nhóm này còn rất rộng mở với giá trị rất lớn.

Trong chỉ đạo của NHNN cho hoạt động 6 tháng cuối năm, cơ quan này cũng đặt ra nhiệm vụ kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra từ đầu năm và xem xét điều chỉnh phù hợp với diễn biến vĩ mô, mục tiêu điều hành của Chính phủ, NHNN; trong đó tiếp tục ưu tiên xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với TCTD áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN trước thời hạn, TCTD tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém.

Điều này được hiểu là mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đặt ra đầu năm không phải là cố định mà sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thực tế của nền kinh tế. Nếu nhận thấy tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu giảm tốc hoặc không đạt mục tiêu đề ra, thì lựa chọn mở rộng, kích thích tín dụng có thể trở thành một trong những giải pháp được thực hiện, nhất là khi xu hướng nới lỏng tiền tệ đang quay trở lại trong chính sách của nhiều ngân hàng trung ương toàn cầu.

Có khả năng một số nhà băng đã sớm được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng hoặc đoán biết trước định hướng này nên có cơ sở để chạy chỉ tiêu cho vay trong những ngày cuối tháng 6 và không ngại việc sử dụng hết hạn mức được giao ban đầu.

Phan Thụy

FILI

Các tin tức khác

>   “Quẹt là thích - Click là đi” cùng thẻ HDBank (23/07/2019)

>   Tỷ giá trung tâm đứng yên, giá USD hạ thấp (23/07/2019)

>   Dễ vay mua nhà nhưng lãi suất cao (23/07/2019)

>   BIDV "chốt deal" phát hành hơn 603 triệu cp cho KEB Hana Bank (22/07/2019)

>   Ngân hàng Nhà nước bất ngờ giảm lãi suất tín phiếu (22/07/2019)

>   Trúng thưởng ô tô Toyota Camry cùng hàng ngàn quà tặng hấp dẫn từ Sacombank (22/07/2019)

>   NCB: Tổng tài sản đạt 70,696 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm (22/07/2019)

>   Giá bán ra USD xoay quanh mức 23,300 đồng (22/07/2019)

>   Lách luật rút tiền thẻ tín dụng (22/07/2019)

>   Xử lý nợ xấu vẫn còn vướng (22/07/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật