Thứ Hai, 22/07/2019 06:47

Xử lý nợ xấu vẫn còn vướng

Ngân hàng (NH) Nhà nước mới đây nhận định kết quả xử lý nợ xấu ngày càng được cải thiện. Số liệu lũy kế từ tháng 8-2017 (thời điểm Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu đã có hiệu lực thi hành) đến cuối tháng 6-2019, ước tính các tổ chức tín dụng đã xử lý được 264.000 tỉ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Theo Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng, nợ xấu toàn hệ thống hiện đã về mức 5,3%-5,4%, phấn đấu đến năm 2020 đưa về dưới 3%. Việc này đòi hỏi các tổ chức tín dụng tập trung xử lý trong thời gian tới.

Thế nhưng, quá trình thu giữ tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu theo quy định của Nghị quyết 42 vẫn còn không ít rào cản.

Tổng giám đốc một NH thương mại ở TP HCM cho biết Nghị quyết 42 cho phép NH thu giữ tài sản nợ xấu khi hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận người nợ giao quyền thu giữ tài sản cho NH. Tuy vậy, đối chiếu các hợp đồng bảo đảm đã ký trước thời điểm Nghị quyết 42 ra đời, hầu hết đều không có nội dung thỏa thuận quyền thu giữ tài sản. "Do đó, nếu muốn đủ điều kiện áp dụng quyền thu giữ tài sản theo quy định của Nghị quyết 42, các NH phải đàm phán với người nợ, ký lại hợp đồng để bổ sung thỏa thuận thu giữ tài sản là không đơn giản" - vị tổng giám đốc NH nêu thực tế.

Xử lý nợ xấu vẫn còn vướng - Ảnh 1.
Cần nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc để sớm giải quyết nợ xấu, góp phần tạo ra dòng vốn mới với lãi suất hợp lý cho nền kinh tế. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Mặt khác, Thông tư 24/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa quy định đăng ký biến động thông tin đối với tài sản là nhà đất mà NH đã thu giữ theo quy định Nghị quyết 42. Từ đó, nhiều văn phòng đăng ký đất đai không chấp nhận biên bản thu giữ tài sản và từ chối việc đăng ký biến động thông tin cho người mua tài sản thế chấp khiến tiến trình xử lý nợ khựng lại.

Cũng theo quy định Nghị quyết 42, chính quyền địa phương có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ NH thu giữ tài sản nợ xấu. Thế nhưng, tại một số địa phương, các cấp chính quyền lại có phần thờ ơ. Thậm chí, có UBND xã đã cùng với NH đến tận nhà người nợ thu giữ tài sản nhưng lãnh đạo xã lại chần chờ ký biên bản vụ việc. Hoặc có trường hợp UBND xã né tránh trách nhiệm hỗ trợ NH thu giữ tài sản nợ xấu mà không đưa ra lý do. Còn chính quyền cấp huyện lại ban hành thông báo thu hồi chủ quyền sử dụng đất mà người nợ đã thế chấp cho NH nhưng lại không ban hành quyết định thu hồi.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, đánh giá những vấn đề nêu trên là rào cản trong quá trình xử lý nợ xấu. Do đó, ông Lực kiến nghị chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc để các NH sớm giải quyết nợ xấu, tạo ra dòng vốn mới với lãi suất hợp lý cho nền kinh tế.

Để đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), ông Nguyễn Tiến Đông, kiến nghị Chính phủ đánh giá lại 2 năm triển khai Nghị quyết 42 để tính đến luật hóa việc xử lý nợ xấu. "VAMC đã tập hợp mọi vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết 42 để báo cáo Thủ tướng" - ông Đông cho biết.

Nguyễn Thy

Người lao động

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp mất 100 tỉ đồng vì ngân hàng thiếu... chặt chẽ (20/07/2019)

>   Triệt phá đường dây sản xuất, lưu hành tiền giả cực lớn (20/07/2019)

>   Tổng giám đốc công ty báo mất hơn 8 tỉ đồng trong căn hộ ở Ciputra (20/07/2019)

>   Điển hình có 8 ngân hàng (20/07/2019)

>   Có 8 ngân hàng  (20/07/2019)

>   Mối quan hệ giữa lãi suất và tỷ giá hối đoái (20/07/2019)

>   HDBank nhận giải thưởng “Ngân hàng bán lẻ nội địa tốt nhất năm 2019” (20/07/2019)

>   Lo ngoại tệ “vượt biên” vì vàng (19/07/2019)

>   PVcomBank được vinh danh 3 giải thưởng uy tín quốc tế từ Tạp chí ABF (20/07/2019)

>   TPBank phát hành chứng thư bảo lãnh cho người mua căn hộ (19/07/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật