Thứ Sáu, 12/07/2019 15:17

SSI Research: Lãi suất liên ngân hàng tháng 6/2019 ổn định, tỷ giá trung tâm tăng giảm xen kẽ

Theo Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam tháng 6/2019, SSI Research nhận định USD suy yếu khiến các đồng tiền khác phục hồi mạnh, theo đó VNĐ lên giá, bù lại một nửa phần đã mất trong hơn 1 tháng trước đó. Mặt khác, lãi suất duy trì ổn định trên cả thị trường 1 và thị trường 2, tín dụng giảm tốc.

USD suy yếu khiến các đồng tiền khác phục hồi mạnh

Khác với bối cảnh kinh tế Mỹ rất tích cực khi nổ ra chiến tranh thương mại đợt 1 hồi tháng 7/2018, kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu chậm lại khi nổ ra chiến tranh thương mại đợt 2 vào tháng 5/2019. Số liệu việc làm thấp hơn kỳ vọng, lạm phát cũng ngày càng rời ra mức lạm phát mục tiêu 2%. Những chỉ báo này làm gia tăng dự báo Fed sẽ hạ lãi suất trong kỳ họp cuối tháng 7/2019. Lợi tức TPCP Mỹ giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 10 năm về sát mức 2%/năm tại cuối tháng 6/2019.

Chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD (DXY) có lúc xuống dưới 96, kết thúc tháng ở mức 96.1– giảm 1.6 điểm so với cuối tháng 5. Tất cả 6 đồng tiền trong rổ tính toán chỉ số DXY đều tăng giá, tăng mạnh nhất là CAD +3.06%, CHF +2.44% và SEK +2.88%. 3 đồng tiền chiếm 83% tỷ trọng chỉ số là EUR, JPY và GBP tăng lần lượt là +1.77%, +0.36% và +0.5%. Các đồng tiền ở khu vực Châu Á như KRW, TWD, SGD, INR, PHP, TBH, CNY, VND… cũng đồng loạt tăng giá so với USD. Trong đó CNY phục hồi +0.55% so với tháng trước và tính chung 6 tháng đầu năm, đồng tiền này vẫn tăng giá +0.17% so với đầu năm. Hiện tỷ giá USD/CNY ở mức 6,867.

Tuyên bố tái khởi động đàm phán và cho phép các công ty Mỹ tiếp tục bán sản phẩm cho Huawei vào ngày 29/6 đã tạm thời đẩy lùi nguy cơ leo thang chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Diễn biến thị trường tiền tệ các tháng tới sẽ phụ thuộc nhiều vào động thái của các ngân hàng trung ương trong đó đi đầu là Fed. Bên cạnh đó, các tuyên bố gay gắt liên quan đến thuế quan giữa Mỹ và Châu Âu thời gian gần đây cũng sẽ là một biến số sẽ có tác động đến thị trường toàn cầu.

VND lên giá, bù lại một nửa phần đã mất trong hơn 1 tháng trước đó

Sau giai đoạn rất bình ổn, tỷ giá USD/VNĐ tăng mạnh +0.84% chỉ trong vòng 5 tuần kể từ cuối tháng 4, đạt đỉnh ở mức 23,360 đồng/USD (tỷ giá ngân hàng). Tuy nhiên, VNĐ đã có bước phục hồi khá mạnh trong tháng 6 khi tỷ giá giao dịch USD/VNĐ liên tục giảm, mức giảm tổng cộng cả tháng là -0.43%. Cụ thể, tỷ giá ngân hàng giảm 100 đồng/USD, về mức 23,260/23,380; tỷ giá tự do giảm 115 đồng/USD ở chiều mua vào và 110 đồng/USD ở chiều bán ra, về mức 23,300/23,320. Tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng giảm xen kẽ, kết thúc tháng ở mức 23,066 đồng/USD-chỉ tăng 1 đồng/USD so với cuối tháng 5.

Tính chung cả 6 tháng, tỷ giá USD/VND tăng +0.41% so với đầu năm trong khi tỷ giá trung tâm tăng thêm +1.06% so với đầu năm. NHNN cũng đã mua vào hơn 8 tỷ USD giúp nâng dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên mức cao nhất từ trước tới nay. Những diễn biến tích cực của tỷ giá trong tháng 6 ngoài tác động hỗ trợ từ sự suy yếu của USD trên thị trường quốc tế còn do nguồn cung USD trong tháng khá thuận lợi.

FDI giải ngân trong tháng 6 đạt 1.8 tỷ USD, tăng +12% so với tháng trước và là mức giải ngân theo tháng cao nhất từ đầu năm 2019. Tổng vốn FDI giải ngân 6M2019 đạt 9.1 tỷ USD, tăng +8.7% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại tháng 6 thặng dư 2.03 tỷ USD sau 2 tháng thâm hụt khá lớn và giúp lũy kế 6 tháng đầu năm 2019 thặng dư 1.6 tỷ USD.

Lãi suất duy trì ổn định trên cả thị trường 1 và thị trường 2, tín dụng giảm tốc

Trong tháng 6, NHNN bơm ròng tổng cộng 63,800 tỷ đồng trong đó riêng tuần cuối cùng của tháng là 47,000 tỷ đồng với lô OMO lên tới 12,000 tỷ đồng sau gần 3 tháng OMO gần như không phát sinh giao dịch.

Lãi suất liên ngân hàng duy trì ổn định trong vùng 3.2%/năm với kỳ hạn qua đêm (cao hơn lãi suất USD khoảng 0.8%/năm) và chỉ bật tăng lên 4.0%/năm vào những ngày cuối tháng do yếu tố mùa vụ. Trong giai đoạn chờ đợi quyết định chính sách lãi suất từ Fed, lãi suất trên liên ngân hàng giai đoạn tới nhiều khả năng sẽ duy trì trong vùng trên dưới 3.5%/năm với kỳ hạn qua đêm, cao hơn lãi suất USD khoảng 0.9-1%/năm.

Đối với thị trường 1, lãi suất huy động vẫn khá ổn định ở mức 4.1%- 5.5% với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5.5- 7.45% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6.4-7.9%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng. Trong tháng, một số ngân hàng có thị phần huy động nhỏ đưa mức lãi suất kỳ hạn 12-13 tháng lên 8%/năm. Cá biệt một vài ngân hàng chào lãi suất 8.5-8.7%/năm nhưng chỉ cho kỳ hạn gửi 24-36 tháng hoặc với số tiền gửi lớn (500 tỷ đồng).

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2019 đạt 7.33%, thấp hơn so với cùng kỳ 2018 là 7.86%. Bốn NHTM nhà nước vẫn tiên phong trong việc giảm lãi suất cho vay với cả khoản vay mới và dư nợ tín dụng trong 5 lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mức lãi suất cho vay phổ biến là 6-9.0%/năm với các khoản vay ngắn hạn và 9-11%/năm với các khoản vay dài hạn.

Khang Di

FILI

Các tin tức khác

>   VIB lãi trước thuế 1,820 tỷ đồng 6 tháng đầu năm (12/07/2019)

>   VPBank phát hành 300 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế (12/07/2019)

>   Ngân hàng điện tử Sacombank thêm nhiều tính năng mới (12/07/2019)

>   4 ngân hàng vào top những nơi làm việc tốt nhất châu Á (12/07/2019)

>   Tỷ giá trung tâm và giá USD tiếp tục hạ thấp (12/07/2019)

>   VIB: Lãi ròng 6 tháng đầu năm tăng 58% so với cùng kỳ (12/07/2019)

>   Nghi can cướp ngân hàng ở Sài Gòn bị bắt (12/07/2019)

>   Tỷ giá trung tâm và giá USD “đổ đèo” (11/07/2019)

>   6 tháng đầu năm, lãi ròng KLB đi ngang, tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 1.15% (11/07/2019)

>   Ông Cao Xuân Ninh xin từ chức Chủ tịch HĐQT Eximbank (11/07/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật