Thứ Năm, 11/07/2019 15:55

Nhịp đập Thị trường 11/07: Nhóm ngân hàng bùng nổ với tin nới room tín dụng

VN-Index lẫn VN30-Index tiếp tục được nhóm ngân hàng hỗ trợ mạnh trong phiên chiều, nên đã tăng vượt phiên sáng. Tuy vậy về tổng thể, các nhóm ngành lớn khác không có diễn biến đẹp như ngân hàng, do đó trên sàn HOSE số cổ phiếu tăng giá cũng không áp đảo được số giảm giá như phiên sáng.

Các chuyên gia kinh tế vĩ mô đang có những dự báo khá khác nhau về tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nhưng nhìn chung vẫn rất tích cực, do đó cũng có thể coi như là thông tin tốt lúc này. Quan trọng hơn, đó có thể là loại thông tin nền tảng, là trụ đỡ cho TTCK việt Nam trong trung và dài hạn, bởi giá cổ phiếu trong dài hạn vẫn phản ánh giá trị nội tại của doanh nghiệp, cũng là của nền kinh tế.

Nhóm ngân hàng nổi lên như là nhóm tăng đẹp nhất cả ngày hôm nay với thông tin nới room tín dụng. Riêng trong phiên chiều, BID tăng hơn 3.2%, CTG, VCB, ACB đều tăng trên 2%. Trong 10 mã tăng mạnh nhất nhóm VN30, ngân hàng cũng đóng góp tới 5 mã. Chỉ có TPBNVB giảm giá (giống thời điểm cuối phiên sáng).

Do đa số cổ phiếu ngân hàng nằm ở sàn HOSE, nên sự hỗ trợ của nhóm này lên HNX có vẻ thấp hơn, chủ yếu nhờ ACB hay SHB. Chỉ số HNXindex chiều nay tuy vẫn trụ vững trên tham chiếu, nhưng không có yếu tố bùng nổ giống VNindex.

Không được “đẹp” như ngân hàng, dầu khí vẫn có 1 phiên vớt vát với GAS tăng 0.4% (thấp hơn nhiều so với phiên sáng), PVD +1.1%, BSR +0.8%... PGD vẫn tăng 6.9%, PVT vẫn giảm như cuối phiên sáng, đồng thời PVS bỗng dưng giảm 0.4% cuối phiên chiều. Dù vậy, sắc xanh có vẻ vẫn chiếm đa số trong nhóm này.

Bảo hiểm tự dưng có diễn biến đẹp trong phiên chiều, với nhiều mã tăng khá như VNR, BMI hay PTI. Không có mã bảo hiểm nào giảm giá.

MSN vẫn giảm khó hiểu trong phiên chiều, dù từng có thời điểm được đẩy bất ngờ lên 83,800 đ/cp ngay trước thềm ATC. Ngược lại, cổ phiếu MCH của công ty con lại tăng giá 2.7% lên 98,000 đ/cp, thậm chí có lúc lên 109,700 đ/cp.

CII đã tăng nhẹ gần 0.5% nhờ có tin chuyển nhượng dự án. Chưa rõ việc chuyển nhượng này có mang lại tiền nhàn rỗi cho doanh nghiệp, hay lại được đem đi trả nợ ngay lập tức, nhưng có lẽ đây cũng là thông tin tích cực đến giá cổ phiếu CII, vốn đã giảm suốt từ cuối tháng 4 đến nay.

HSG bất ngờ giảm sau 2g chiều, sau khi tăng hơn 1% cuối phiên sáng. Tương tự, HPG cũng giảm đà tăng về dưới 1%, may thay, vẫn còn hơn tham chiếu. Nhóm sắt thép chiều nay có sự phân hóa rõ rệt, tích cực nhất là KMT (+9.5%), tiếp đến là POM (+2.5%) và xấu nhất là VIS (-7%).

Phiên sáng: Ngân hàng giúp index giữ đà tăng

Chứng khoán Việt Nam giữ vững đà tăng suốt phiên sáng nay, dù đôi lúc có chùng xuống. Trong những thời điểm nhất định, có vẻ như có nhà đầu tư muốn chốt lời T3, nhưng thị trường vẫn cho thấy lực cầu rất tốt. Kỳ vọng Fed giảm lãi suất đang tạo ra sự tự tin cao, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều TTCK lớn. VN-Index chốt phiên sáng ở 977.56 điểm, tăng 0.4% với lực đẩy chính từ nhóm VN30.

Nhóm ngân hành vẫn thể hiện rõ sự ảnh hưởng tích cực lên chỉ số. Đến cuối phiên sáng chỉ có 2 mã giảm là NVB và TPB. EIB đầu phiên giảm nhưng đến giờ đã tăng 0.5%.các mã đầu ngành vẫn tăng ổn định, bao gồm cả ACB với thông tin tốt mà doanh nghiệp vừa công bố mới đây.

Bất động sản dân dụng đang có phiên phân hóa mạnh, với nhiều tên tuổi giảm giá như HDG, KDH, SCR, TDH… hay cả “đầu tàu” VIC. Điều thú vị là HQC tuy chỉ còn giá 1,900 đ/cp, nhưng sáng nay khối ngoại mua ròng hơn 320,000 cp.

MSN tiếp tục là cổ phiếu giảm giá mạnh nhất nhóm VN30 một cách khá ngạc nhiên. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, MSN giảm giá trong đa số các phiên giao dịch, trong tình hình không có thông tin tác động tiêu cực lên doanh nghiệp. Khối ngoại đang bán ròng chừng 130,000 cp MSN sáng nay, không rõ có phải là yếu tố khiến cổ phiếu này giảm giá?

Trong nhóm VN30, VJC cũng là một trường hợp giảm giá khá bất ngờ. Mới đây doanh nghiệp thông báo sẽ mua đến 25 triệu cp quỹ, tuy nhiên câu chuyện tân binh Vinpearl Air của “họ” nhà Vingroup mới là yếu tố tác động lớn lên triển vọng doanh nghiệp này, bởi thị trường hàng không đang bị coi là sớm đạt đến điểm quá tải, hạn chế năng lực tăng trưởng của các doanh nghiệp. Nay nếu thêm hãng nữa, thì không biết miếng bánh thị phần sẽ bị chia nhỏ ra như thế nào.

Sàn UPCoM sáng nay có nhiều thời điểm đi ngược. Trong số các mã vốn hóa lớn sàn này, ngạc nhiên là có không ít mã giảm như VGT, FOX, LTG, BSR, SDIACV đầu phiên giảm nhưng đã kịp tăng. Chỉ số UPCoM-Index hiện chỉ tăng nhẹ 0.18%.

HPG đang có phiên hồi sau gần 1 tháng giảm giá, với lực cầu không tăng đột biến. Có vẻ như yếu tố cung giảm đã giúp cổ phiếu này hồi, tuy nhiên vấn đề của ngành thép, nhất là liên quan đến câu chuyện Mỹ áp thuế “trống lẩn tránh” có vẻ như vẫn đang đè lên cổ đông HPG.

PHR vẫn tăng nhẹ 0.2% dù ra tin doanh thu thuần quý 2 đạt 215 tỷ đồng, tăng 21% so với quý 2/2018; nhưng lãi sau thuế lại giảm gần 47%, xuống mức hơn 59.5 tỷ đồng. Có lẽ cao su không còn là động lực chính của doanh nghiệp này, mà nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến các giao dịch bán đất và kỳ vọng hoạt động mới là BĐS công nghiệp. Nhóm cao su thiên nhiên sáng nay vẫn có nhiều sắc xanh hơn sắc đỏ.

PGD vẫn tăng hơn 6%, OIL vẫn tăng hơn 3% nhưng sáng nay nhóm dầu khí họ PVN giao dịch chùng xuống. Đầu phiên GAS tăng giá hơn 1% nhưng giờ chỉ tăng 0.85%. Tương tự là PVD, PVB, BSR… Ngạc nhiên nhất là PVT khi giảm 0.3% về cuối phiên sáng, thậm chí đa số thời gian giao dịch sáng nay đều nằm dưới tham chiếu.

10h30: Đà tăng giảm nhẹ

Diễn biến trên 2 sàn HOSE và HNX có chùng xuống đôi chút trong nửa đầu phiên sáng, nhưng 2 chỉ số chính vẫn giữ được sắc xanh. Lý do lớn nhất có lẽ là một số mã vốn hóa lớn giảm đà tăng, ví dụ như FPT, GAS, VNM… Trong số các mã vốn hóa lớn giảm giá, MSN là trường hợp bất ngờ nhất. Tuy nhiên nhìn chung số lượng mã vốn hóa lớn tăng giá trên 2 sàn này vẫn chiếm đa số, và do đó đà tăng của indexes được đảm bảo.

Số cổ phiếu giảm giá trong VN30 đã bổ sung thêm… REE, lên con số 5. Từ đầu phiên đến nay, trừ ROS giảm như thường lệ, MSN gây bất ngờ khi có lúc giảm hơn 1.2%. VJC giảm cũng bất ngờ dù có tin mua rất nhiều cổ phiếu quỹ. Ở nhóm tăng, CTD đứng đầu và vẫn nhờ khối ngoại. Một số cổ phiếu ngân hàng cũng nằm trong top như CTG, HDB hay TCB.

Nhóm ngân hàng tiếp tục giữ sắc xanh toàn mặt trận, ngay cả EIB cũng đã chuyển từ đỏ sang xanh. Tuy nhiên nhóm BĐS dân dụng lại đang có phân hóa mạnh, với nhiều mã đỏ như VIC, KDH, SCR, SJS, HDG...

Tâm lý chùng xuống cũng thấy ở nhóm dầu khí, dù nhiều mã lớn vẫn tăng giá, nhưng mức tăng hiện yếu hơn 1% như GAS, PVS… PVT thậm chí giảm dù có kết quả kinh doanh rất tích cực. Duy nhất chỉ có PGD và OIL tăng bất ngờ và khá mạnh.

Sau khoảng 45 phút đầu tiên loanh quanh trên tham chiếu một cách ngạc nhiên, chỉ số UPCoM-Index cũng đã tăng nhanh hơn theo kịp đà tăng của 2 sàn niêm yết. ACV đầu phiên giảm giá thì hiện đã quay lại tham chiếu, tương tự là QNS. Tuy nhiên, có vẻ như nhóm vốn hóa lớn sàn này không phải là yếu tố chính giúp chỉ số tăng điểm, mà là các mã nhỏ hơn.

“Nước nổi thuyền chưa lên”, tình cảnh này đang áp cho nhiều mã chứng khoán. Từ đầu tháng 7 đến nay, nếu VN-Index tăng gần 3% thì nhiều mã hàng đầu như SSI, HCM, VCI… vẫn chưa lên được bao nhiêu. Sáng nay nhóm này cũng từng sớm có lúc xanh bát ngát, nhưng đến giờ lại bắt đầu có vẻ chùng xuống. VDS là mã duy nhất tăng gần 6% với 10 cổ phiếu được khớp, 3 mã top đầu nói trên chỉ tăng hơn 1%.

Cổ phiếu tăng thuộc nhóm tốt nhất thị trường (vừa tăng vừa có thanh khoản), tính từ đầu năm đến mấy phiên trước, VCR sáng nay giảm tiếp gần 7%, sau phiên nằm sàn -10% hôm qua. Hiện thị giá VCR đã về 22,700 đ/cp, và có vẻ có hoạt động gom hàng. Tuy nhiên bắt đáy ngắn hạn lúc này cũng rất rủi ro.

Mở cửa: Tăng nhờ đánh cược đúng với Fed

VN-Index mở cửa xanh đúng như kỳ vọng, hoặc đúng hơn, là đánh cược từ hôm qua, rằng Fed sẽ sớm có quyết định hạ lãi suất vào sáng nay. Cho dù thực tế việc hạ lãi suất kia mới chỉ dừng lại ở mức “tín hiệu”, nhưng về mặt tâm lý, điều đó khá đủ để nâng cao sự tự tin của nhà đầu tư lúc này. Không chỉ Việt Nam, nhiều chỉ số lớn của chứng khoán châu Á cũng đang phủ sắc xanh vì tin này.

Diễn biến giá cổ phiếu trong nhóm VN30 có vẻ tích cực một cách bền vững. Sau ATO, có đến 25 mã tăng giá, chỉ có 4 mã giảm giá.

Xét ở góc độ ngành, đa số các nhóm ngành lớn của sàn HOSE đều phủ sắc xanh: Ngân hàng, dầu khí, bất động sản… Thông tin về khả năng nới room tín dụng đang hỗ trợ nhóm ngân hàng, trong khi giá dầu thế giới đang gúp đỡ cổ phiếu dầu khí.

Giá dầu thế giới tăng mạnh cũng là một yếu tố tác động tích cực lên nhóm dầu khí sáng nay. Đồng loạt các đại gia họ PVN đều mở cửa trong sắc xanh. GAS đang tăng giá phiên thứ 3 liên tiếp, tuy mức tăng mỗi phiên chỉ hơn 1% nhưng tạo chart đẹp.

Một số mã khác đang có dấu hiệu phá biên trên bollinger như PVD, PVB. Tuy nhiên PVS, PVT vốn là 2 mã sớm có số liệu ước tính kết quả kinh doanh tích cực sau 6 tháng đầu năm nay, thì sáng nay lại có vẻ không được tích cực cho lắm.

VJC bất ngờ mở cửa trong sắc đỏ, dù có tin doanh nghiệp sẽ mua rất nhiều cổ phiếu quỹ. Chưa rõ diến biến sớm sáng nay là có phải do nỗi e ngại với tân binh tiềm năng Vinpearl Air hay là do chốt lời, khi cổ phiếu này đã bật từ 125,000 đ/cp từ cuối tháng trước đến tận bây giờ.

Giá cổ phiếu FRT đang có phiên hồi phục thứ hai, sau đợt giảm bất ngờ từ đầu tháng tới nay, có lẽ nhờ tin trả cổ tức bằng cổ phiếu. Diễn biến giá FRT nhìn chung cũng khá lạ trong thời gian qua, nhất là nếu đem so sánh với 2 cổ phiếu cùng ngành là MWGDGW.

Hoàng Nam

FILI

Các tin tức khác

>   Chứng khoán phái sinh 11/07/2019: Cẩn trọng với vị thế Long (10/07/2019)

>   Thị trường chứng quyền 11/07/2019: Khối ngoại tiếp tục cẩn trọng (10/07/2019)

>   Vietstock Daily 11/07: Chưa thể bứt phá (10/07/2019)

>   Nhịp đập Thị trường 10/07: Khối ngoại mua ròng phiên thứ 5 liên tiếp (10/07/2019)

>   Chứng khoán phái sinh 10/07/2019: Các tín hiệu trái chiều xuất hiện (09/07/2019)

>   Thị trường chứng quyền 10/07/2019: Giao dịch kém sôi động (09/07/2019)

>   Vietstock Daily 10/07: Phân hóa rõ rệt (09/07/2019)

>   Nhịp đập Thị trường 09/07: VN-Index đóng cửa trong sắc xanh với thanh khoản cải thiện (09/07/2019)

>   Chứng khoán phái sinh 09/07/2019: Tình hình chuyển biến tiêu cực (08/07/2019)

>   Thị trường chứng quyền 09/07/2019: Tình hình đang xấu đi? (08/07/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật