Năm 2023, miền Nam thiếu hụt 12 tỉ kWh điện
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện việc tạo ra điện từ nhiệt điện, thủy điện đang được khai thác gần như tối đa khiến nguồn nguyên liệu phải nhập khẩu dẫn tới thiếu điện vào những năm tới, đặc biệt là khu vực miền Nam.
Nhân viên công ty điện mặt trời kiểm tra hệ thống điện tại nhà dân ở quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN
|
Thông tin trên được ông Nguyễn Quốc Dũng, trưởng ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam - cho biết trong chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam do Bộ Công thương tổ chức sáng 25-7.
Cụ thể, giai đoạn năm 2019-2020, hệ thống thủy điện đã khai thác hết công suất và không thể xây thêm. Phía điện lực phải huy động nguồn nhiệt điện chạy dầu với sản lượng khoảng 1,7 tỉ kWh vào năm 2019 và 5,2 tỉ kWh vào năm 2020.
Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025, khả năng thiếu điện tại miền Nam tăng cao với mức thiếu hụt tăng từ 3,7tỉ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỉ kWh (năm 2022), năm 2023 thiếu khoảng 12 tỉ kWh.
Để tận dụng tiềm năng bức xạ tại khu vực miền Trung và miền Nam, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công thương khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái để "cứu" nguồn điện thiếu hụt vào những năm tới.
Phía Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ hỗ trợ khoảng 50.000 đến 70.000 khách hàng lắp đặt điện mặt trời bằng nguồn viện trợ của Chính phủ Đức thông qua Ngân hàng Tái thiết của nước này.
Trong 2 năm tới, giá mua lại điện của người dân vẫn duy trì ở mức 9,35 cent, tương đương 2.134 đồng/KWh.
Mục tiêu Bộ Công thương đặt ra trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025 sẽ có 100.000 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái. Đến năm 2030, điện mặt trời chiếm tỉ trọng 48% trong cơ cấu các nguồn điện.
Hiện tại, theo thống kê cả nước đã có 9.314 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái với tổng công suất đạt 186.37 MWp.
Lê Phan
Tuổi trẻ