Trong các cuộc hội thảo hầu hết các doanh nghiệp đều đồng tình với đề xuất tăng giờ làm thêm của lao động và cho rằng, đó là điều kiện tăng năng suất, sản lượng. Tuy nhiên, đại diện người lao động đang có quan điểm ngược lại vì lo việc tăng giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động.
Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt: Tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm). Mức tăng giờ làm thêm này cũng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định và vào các thời điểm nhất định.
Đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp
Dự thảo mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ nhận được hưởng ứng của doanh nghiệp. Tại Hội thảo lấy ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Bộ Lao động, thương binh và xã hội vừa tổ chức tại Tp.HCM, một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi) nêu quan điểm: "Đa số người lao động đều mong muốn được tăng ca để có thêm tiền thu nhập trang trải cho cuộc sống. Thậm chí có nhiều người lao động đã nghỉ việc qua công ty khác chỉ vì lý do nơi làm việc cũ không tăng ca hoặc tăng ca ít nên thu nhập thấp. Vì vậy chúng tôi mong Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định sao cho hài hòa nhất giữa doanh nghiệp (người sử dụng lao động) và người lao động".
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, so với các quốc gia trong khu vực, số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp (Campuchia, Philippines không khống chế số giờ làm thêm tối đa, Indonesia là 56 giờ/tháng; Singapore: 72 giờ/tháng; Thái Lan: 36 giờ/tuần; Malaysia 104 giờ/tháng; Lào 45 giờ/tháng...).
Như vậy, đề xuất tăng thời gian làm thêm giờ của Việt Nam là phù hợp với xu thế chung của các nước trong khu vực và trên thế giới. Cũng theo ông Lộc, thời gian qua nhiều doanh nghiệp than thở vì nhiều đơn hàng xuất khẩu bị lỡ do không thể huy động được lao động do số giờ làm thêm đã vượt trần. Do vậy, quy định này có thể được xem như cởi trói cho một số doanh nghiệp thường xuyên phải sản xuất các đơn hàng theo thời vụ, mùa vụ.
Thỏa thuận giữa người lao động và chủ
Nếu như doanh nghiệp bày tỏ đồng tình với dự thảo mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ thì đại diện phía người lao động lại phản đối.
Ông Huỳnh Phát Đạt, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sanofi-Aventis Việt Nam bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc tăng giờ làm thêm tối đa trong năm. Tuy nhiên thực tế do lương không đủ để đảm bảo cuộc sống nên người lao động mới có nhu cầu làm thêm để tăng thu nhập. Vì vậy, nếu đồng thuận tăng giờ làm thêm thì phải tăng lũy tiến tiền làm thêm tương xứng.
Ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hansae Việt Nam, phân tích, hầu hết người lao động có nhu cầu làm thêm để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, nếu tăng thời gian tối đa 400 giờ/năm nhưng không khống chế thời gian làm thêm tối đa trong tháng là đi ngược với xu thế chung.
Thực tế, nhiều nước còn quy định thời gian tối đa theo tuần để đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Bởi lẽ, nếu chỉ quy định khống chế giờ làm thêm trong năm sẽ có trường hợp doanh nghiệp dồn thời gian tăng ca vào thời điểm đơn hàng tăng cao, như vậy không đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã giảm số giờ làm việc của người lao động xuống còn 40-44 giờ/tuần để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động, trong khi người lao động ở nước ta làm việc 48 giờ/tuần.
Vì vậy, ông Đặng Ngọc Tùng đề xuất nên giảm giờ làm việc của người lao động xuống còn 40 giờ hoặc 44 giờ/tuần, để họ có thêm thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động. Bên cạnh đó, cũng không nên tăng tuổi nghỉ hưu đại trà, mà nên áp dụng với một số đối tượng, ngành nghề.
Có thể thấy, việc quy định thời gian làm thêm giờ lên tối đa 400 giờ/năm sẽ đáp ứng đông đảo nguyện vọng của công nhân, nhằm kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Đồng thời, cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm các hợp đồng kinh tế mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp. Nếu tăng thêm giờ lao động lên 400 giờ/ năm cần phải có điều khoản khống chế thời gian lao động làm thêm tối đa trong tháng, thậm chí là trong tuần.