Lộ trình nào cho hộ kinh doanh?
Để quá trình chuyển đổi hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp, thay vì các “khúc cua” chính sách, cần kiến tạo một lộ trình thẳng cho các hộ kinh doanh, đảm bảo công bằng, minh bạch và dễ tuân thủ.
Theo số liệu thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hiện nay, cả nước có khoảng gần 5 triệu hộ kinh doanh, tổng tài sản ước tính 655 ngàn tỉ đồng, tạo ra 2.188 ngàn tỉ đồng doanh thu, nộp 12.362 ngàn tỉ đồng tiền thuế, giải quyết 7.945 triệu lao động.
Các hộ kinh doanh khi chuyển đổi lên doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về quản lý hóa đơn, chứng từ, sổ sách, kê khai thuế...
|
Thúc đẩy từ ưu đãi thuế
Nếu chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ nâng cao chất lượng lao động: điều kiện, thu nhập, an toàn, phúc lợi và tính ổn định; chính xác, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các loại hình kinh doanh...
Để thúc đẩy tiến trình này, mới đây, Bộ Tài chính vừa đề xuất Quốc hội xem xét một số chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh.Thời gian miễn thuế được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế, trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu thì thời gian miễn thuế được tính từ năm thứ tư.
Theo đề xuất, thuế suất 15% áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp siêu nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người. Thuế suất 17% áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người. Căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 15% và 17% là tổng doanh thu của năm trước liền kề.
Cần quyết tâm cải cách
Những đề xuất nói trên theo Bộ Tài chính nhằm khắc phục những tồn tại của chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ, tạo thuận lợi phát triển doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, doanh nghiệp có quy mô nhỏ vẫn luôn là mục tiêu trọng tâm của các chính sách phát triển kinh tế ở những quốc gia đang phát triển, bao gồm Việt Nam. Việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các hộ kinh doanh và nền kinh tế nhưng không thể thực hiện bằng các biện pháp mang tính hành chính, mà phải xuất phát từ nhu cầu nội tại của doanh nghiệp, khả năng phát triển và thích ứng với thị trường.
Để làm được điều này, ngoài nỗ lực tự thân của các hộ kinh doanh thì sự nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, sự quyết tâm của chính quyền phục vụ và kiến tạo cơ hội cho doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quyết định.
Trong đó, trọng tâm là cải cách hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp sao cho đơn giản nhất, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật sau khi chuyển đổi. Từ thủ tục đăng ký thành lập, kê khai, nộp thuế, đến các thủ tục xin cấp phép. Đồng thời, chặt kỷ cương tuân thủ pháp luật, kiên quyết xử lý các trường hợp gian lận thương mại, trốn thuế, không tuân thủ các quy định về môi trường nhằm đảm bảo sự bình đẳng trong kinh doanh, để doanh nghiệp sau khi chuyển đổi sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn. Nói cách khác, lộ trình chuyển đổi phải là một đường thẳng thay vì những “khúc cua” chính sách.
Phan Nam
Diễn đàn doanh nghiệp