Dự án của Hưng Lộc Phát làm nóng hội thảo góp ý sửa Luật Xây dựng
Hàng trăm dự án bị vướng do xen cài một phần nhỏ đất công, dẫn tới việc các doanh nghiệp rất khó khăn trong triển khai xây dựng, chậm tiến độ, thậm chí có nguy cơ phá sản.
Dự án Green Star của Hưng Lộc Phát đang bị tạm ngưng 60 ngày để hoàn tất thủ tục - Ảnh: TT
|
Thông tin được chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) đưa ra tại hội thảo góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng, do Bộ Xây dựng cùng Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 3-7 ở TP.HCM.
Trong đó, HOREA đưa ra việc TP.HCM tạm dừng thi công 111 căn nhà phố liền kề dự án Green Star của Công ty Hưng Lộc Phát (quận 7) làm ví dụ điển hình cho những khó khăn của doanh nghiệp vì quy định chưa rõ ràng và sự bất hợp lý của Luật xây dựng, cũng như các luật liên quan đến bất động sản gây ra.
Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch HOREA - cho biết dự án khu nhà ở cao tầng tại phường Phú Mỹ, quận 7 của Công ty Hưng Lộc Phát có tổng diện tích 52.648,6m2, bao gồm 45.300m2 đất ở, đất nông nghiệp (chiếm 86,04%) đã được chủ đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của 36 hộ dân và 7.348,6m2 đất rạch, bờ đất, đường thuộc Nhà nước quản lý (chiếm 13,96%).
Hiệp hội nhận thấy hồ sơ pháp lý của dự án này đã được thực hiện khá đầy đủ, đã được UBND TP ra quyết định công nhận Công ty Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư; đã được UBND quận 7 phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500; đã được Cục Quản lý các hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật..., chỉ còn thiếu quyết định của UBND TP về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất dự án.
Để có cơ sở đề nghị tính tiền sử dụng đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công ty đã nộp hồ sơ lên Sở Tài nguyên - môi trường xin được giao đất dự án từ ngày 4-6-2018, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được quyết định của UBND TP về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất dự án để công ty thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hiệp hội cho biết có nhiều dự án tương tự như trường hợp của Công ty Hưng Lộc Phát. Theo thống kê của HOREA, có đến 76% dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM có đất nông nghiệp và đất công xen cài, do đó đưa các doanh nghiệp vào tình thế rất nguy hiểm. Nếu đợi có sổ đỏ mới được phép xây dựng thì doanh nghiệp "chết hết".
Qua các ví dụ trên, hiệp hội đề nghị cho phép chủ đầu tư dự án được khởi công xây dựng các công trình sau khi đã được cấp giấy phép xây dựng (hoặc miễn giấy phép xây dựng) và hội đủ điều kiện khởi công công trình theo điều 107 Luật xây dựng. Đồng thời có hướng giải quyết cho các dự án có một phần nhỏ diện tích đất công xen cài.
Ông Hoàng Văn Sơn - trưởng Văn phòng luật sư VNC - cũng cho biết theo quy định, đất công thì phải đấu giá nhưng điều này đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Hàng loạt dự án “đóng băng” vì vướng một phần nhỏ đất công khiến doanh nghiệp chôn vốn, thị trường không có hàng hóa và Nhà nước thất thu ngân sách.
Trong khi đó, nhiều dự án có tỉ lệ đất công chỉ chiếm chưa tới 10% tổng diện tích toàn dự án, đất công lại không liền kề mà nằm xen kẽ như kênh rạch, đường đi, đất hoang…, đấu giá cũng rất khó, tốn thời gian và thực chất cũng chỉ có đơn vị đầu tư tham gia.
Vì vậy, ông Sơn đề xuất nếu đất công trong dự án mà để xây dựng cho mục đích thương mại thì nên giao cho doanh nghiệp và áp giá bằng giá mảnh đất liền kề, hoặc giá mà đơn vị định giá đưa ra căn cứ vào giá thực tế của khu vực đó.
Trong trường hợp đất công dành cho mục đích công cộng thì cũng giao luôn cho chủ đầu tư với cam kết chỉ xây dựng cho mục đích công cộng, chứ không chuyển sang mục đích khác.
TRẦN MẠNH
Tuổi trẻ