Hơn 84% dự án bất động sản bị 'tắc'
Vướng thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính, bị chậm tính tiền sử dụng đất... khiến nguồn cung bất động sản trên địa bàn TP.HCM 6 tháng đầu năm sụt giảm trầm trọng.
Một dự án bị dừng thi công khi đang xây dựng gần hoàn thành các tầng hầm
|
6 tháng, chỉ 3 dự án được đề xuất công nhận
Thống kê của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoRea) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại mới được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP công nhận chủ đầu tư với diện tích 2,2 ha và 924 căn hộ, giảm 16 dự án, tương đương 84,2% so với cùng kỳ năm 2018; đề xuất chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại, giảm 46 dự án, giảm 82,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Cũng trong nửa đầu năm, chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn hộ, giảm 10 dự án, giảm 2.336 căn so cùng kỳ năm 2018. "Hiệp hội rất lo ngại trước tình hình sụt giảm quy mô thị trường BĐS TP, sụt giảm nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, căn hộ nhà ở xã hội", báo cáo mới nhất của HoRea viết.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoRea, doanh nghiệp (DN) BĐS đang đối mặt với nhiều rủi ro. Đầu tiên là về pháp lý, do chủ đầu tư đã bỏ ra chi phí rất lớn để bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án, nhưng không thể hoàn thành thủ tục pháp lý, hoặc không thể triển khai dự án, mà lỗi trong một số trường hợp không phải do chủ đầu tư.
Thứ hai là từ ngày 1.7.2015 khi luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, các dự án nhà ở thương mại mới, có quỹ đất ở, đất nông nghiệp, xen cài đất rạch, bờ đất, đường thuộc diện nhà nước quản lý thường chiếm khoảng trên dưới 10% diện tích dự án, đều bị ách tắc thủ tục công nhận chủ đầu tư vì quy định dự án nhà ở thương mại phải có 100% đất ở.
Thứ ba là dự án có quỹ đất ở, đất nông nghiệp, xen cài đất rạch, bờ đất, đường thuộc diện nhà nước quản lý thường chiếm khoảng trên dưới 10% diện tích dự án, đang bị ách tắc thủ tục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất cho chủ đầu tư, trong khi DN đã nộp hồ sơ xin được giao đất dự án và hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các quyết định này.
Ngoài ra có dự án bị chậm tính tiền sử dụng đất do quy trình thủ tục hành chính phức tạp, thường kéo dài từ 1 - 3 năm; một số dự án bị rà soát hoặc bị thu hồi quyết định tiền sử dụng đất; hoặc tạm dừng thực hiện quyết định chuyển mục đích sử dụng đất để rà soát lại toàn bộ pháp lý; hoặc thu hồi, hủy bỏ quyết định chủ trương đầu tư, do cơ sở pháp lý để đề xuất ra quyết định chủ trương đầu tư chưa chính xác, cần rà soát làm rõ.
Thí điểm hoán đổi đất công
Thực tế, rất nhiều DN đang khốn khổ vì dự án bị tắc tính bằng năm. Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai, bức xúc công ty có 8 dự án thì hết 7 dự án phải “trùm mền” do vướng pháp lý. Điển hình như dự án Sông Đà (Q.Thủ Đức) rộng 2,8 ha hay dự án Phú Hữu (Q.9) diện tích 7 ha (có 15% đất sông rạch)... đều do DN tự đền bù, trong đó phần lớn là đất nông nghiệp nên đều “dính” một ít đất sông rạch.
Từ năm 2013 - 2018 TP đã giao cho DN phần đất này để làm dự án. Thế nhưng sau vụ Vũ “nhôm”, thanh tra đã chỉ ra việc giao đất như vậy là chưa đúng với quy định của luật Đất đai nên TP bắt buộc các dự án chỉ cần dính 1 m2 đất công dạng này cũng phải mang ra đấu giá.
Liên quan đến các vướng mắc này, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, thừa nhận: Đấu giá đất nằm xen cài trong dự án là rất khó. Chính vì vậy, UBND TP giao Sở TN-MT nghiên cứu đưa ra giải pháp theo hướng có thể xem xét tỷ lệ quy đổi nào đó để tổ chức đấu giá đất công.
“Đối với cơ quan quản lý nhà nước về khách quan, quá trình cấp sổ đỏ cho DN đối với loại đất này là phức tạp. Nhưng luật quản lý đất công quy định 1 m2 đất công phải đem đấu giá. Đây là điều bất cập và TP đã kiến nghị nhiều nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể. Chính vì vậy buộc phải thu hồi là đấu giá. Hiện TP đang nghiên cứu theo hướng hoán đổi đất. Nghĩa là DN được giao số đất này sẽ phải đổi lại một diện tích đất sạch tương đương. Nếu TP không dám quyết, trước mắt sẽ xin phép thí điểm để tháo bỏ khó khăn cho DN”, ông Hoan cho biết.
Theo ông Lê Hoàng Châu, nhiều DN lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản, nếu dự án không hoàn tất các thủ tục pháp lý, không triển khai thực hiện được, hoặc bị dừng triển khai.
|
Theo báo cáo của HoRea, là nguồn thu chính nên sự sụt giảm của thị trường BĐS ngay lập tức tác động đến nguồn thu ngân sách TP. Cụ thể, năm 2018, thu ngân sách từ đất khoảng 22.600 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 9,32% tổng thu ngân sách, giảm khoảng 4.570 tỉ đồng (giảm 16,8%) so với năm 2017; số thu tiền sử dụng đất dự án giảm khoảng 4.037 tỉ đồng, tương đương giảm 22,5%. Kết quả thu ngân sách TP 6 tháng đầu năm 2019 chưa đạt 50% kế hoạch. Số thu tiền sử dụng đất trong 5 tháng đầu năm 2019 giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2018.
|
Đình Sơn
Thanh niên