Cơ hội nào cho mạng xã hội Việt?
Giữa thời điểm Facebook, YouTube đang gần như thống trị tại VN hiện nay, các MXH Việt liệu có nhiều cơ hội?
Doanh thu quảng cáo số tại thị trường VN năm 2018 - Nguồn: Bộ TT-TT
Ảnh: Ngọc Thắng - Đồ họa: Đông xuân
|
Một thống kê có thể khiến nhiều người giật mình, khi VN hiện có hơn 400 MXH đã được cấp phép hoạt động trong nước, song số lượng tạo được dấu ấn tên tuổi thực sự không nhiều. Các MXH được nhiều người biết như webtretho, otofun.net, tinhte.vn, lamchame.com, 5giay.vn, vatgia.com, muare.vn, enbac.com, vn-zoom.vn, vozforums.com, f319.com, chodientu.vn, yume.vn, tamtay.vn, linkhay.com, vnsharing.net, yeutretho.vn, webketoan.vn...
Đa số các nền tảng MXH trong nước không hấp dẫn được số lượng lớn người dùng do hoạt động theo dạng diễn đàn, thua kém so với các nền tảng nước ngoài liên tục thay đổi, cập nhật khả năng tương tác, liên kết cộng đồng cao.
Lãnh đạo một DN công nghệ lớn cho biết, với những MXH do các DN nhỏ xây dựng, cạnh tranh với Facebook, YouTube là rất khó do “đuối” hơn về nền tảng công nghệ và đặc biệt là vốn. Trước câu hỏi các MXH trong nước phải làm gì để hút được người dùng (user), giữ chân được người dùng và cạnh tranh được với Facebook, YouTube, ông này cho rằng “mấu chốt là phải tạo ra được sự khác biệt”. Song “sự khác biệt” vẫn đang là điểm yếu cốt tử của các MXH Việt, khi các sản phẩm tạo ra chưa có nhiều khác biệt, mới chỉ dừng lại là các bản clone (bản sao chính xác) của Facebook.
“Công nghệ xây dựng, phát triển MXH rất phức tạp, nhân lực đủ giỏi để làm MXH hiện nay cũng không nhiều. Ví dụ một MXH trong quá trình xây dựng phải cùng lúc phát triển nhiều bản demo, đưa ra nhiều hướng thử nghiệm khác nhau để biết đâu là phương án tối ưu, nhưng muốn thế phải đủ kỹ sư công nghệ để chạy cùng lúc các bản demo này”, vị lãnh đạo DN này chia sẻ. Để hút được một lượng người dùng cỡ vài triệu đến vài chục triệu, lượng vốn đổ vào xây dựng một MXH tầm khoảng 20 - 30 triệu USD. Cũng theo ông, cái khó của MXH trong nước so với các ông lớn nước ngoài là sự chưa rõ ràng về quy định những gì được làm, những gì không được làm. MXH cơ bản là “trách nhiệm hữu hạn”, nghĩa là không thể đòi hỏi trách nhiệm của ông chủ MXH với toàn bộ nội dung đăng tải của người dùng, mà chỉ có thể hỗ trợ và kiểm soát nhất định. Nên tạo điều kiện cho các MXH trong nước phát triển trước, rồi mới tính đến những điều hạn chế.
Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena, để MXH trong nước cạnh tranh trực diện với Facebook là rất khó, khi Facebook đa kênh, đa lĩnh vực và đang sở hữu nền tảng công nghệ và nguồn lực quá lớn. Dù vậy, nếu nhìn vào sự phát triển của nhiều mô hình MXH trên thế giới, cơ hội vẫn có cho DN trong nước nếu biết lách qua khe cửa hẹp. “Với những MXH mới ra đời, để thành công cần đi “cửa ngách”, tạo ra những MXH chuyên biệt, chuyên sâu theo những lĩnh vực riêng mà người tiêu dùng quan tâm như du lịch, sức khỏe, ẩm thực, giải trí... Sau Facebook, có rất nhiều MXH và ứng dụng đã ra đời và cực kỳ thành công, điển hình như ứng dụng toàn cầu TikTok, đã đạt trên 1 tỉ lượt tải và cơn sốt toàn cầu. Cơ hội là rất mở, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, vấn đề của DN Việt là có tìm được lối đi khác biệt hay không”, ông Thắng chia sẻ.
Mai Hà
Thanh niên