Chứng nhận xuất xứ hàng hóa: Đề phòng khẩn với ngành da giày
Nhiều thương hiệu Mỹ đã "chạy" đơn đặt hàng từ TQ sang các nước khác, trong đó có VN. Việc này diễn ra dưới nhiều hình thức, chứ không đơn thuần tuồn hàng thành phẩm từ TQ sang VN để đóng mác "Made in Vietnam", sau đó lấy C/O của VN xuất đi.
Nếu không kiểm soát tốt, để bị áp thuế chống lẩn tránh xuất xứ, các doanh nghiệp và hàng vạn công nhân ngành da giày có thể sẽ bị ảnh hưởng - Ảnh: T.V.N.
|
Sau mức thuế kép mà Bộ Thương mại Mỹ dành cho ngành thép, hầu hết các doanh nghiệp trong và ngoài Hiệp hội Da giày túi xách VN (Lefaso) mà tôi tham khảo ý kiến đều bày tỏ sự e ngại về khả năng sẽ xảy ra điều tương tự với ngành da giày, nếu ngay từ bây giờ không chủ động phòng vệ.
Về nguyên tắc, tất cả các sự tăng trưởng xuất khẩu đột biến đều rơi vào tầm ngắm giám sát của nước nhập khẩu.
Với ngành da giày, tôi e ngại nhất là tình trạng chuyển tải bất hợp pháp, lợi dụng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) từ VN để xuất sang Mỹ, khi mức chênh lệch về mặt thuế suất sau hai đợt Mỹ áp thuế với Trung Quốc (TQ) rất lớn.
Cụ thể, sau hai đợt Mỹ áp thuế đối với hàng TQ, mức thuế để nhập khẩu một đôi giày từ TQ vọt lên 40-45% (hàng da giày của VN chịu thuế suất trung bình 10-15%).
Chênh lệch cao như vậy nên khả năng chuyển tải bất hợp pháp từ TQ sang VN là hoàn toàn có cơ sở. Nhiều thương hiệu Mỹ đã "chạy" đơn đặt hàng từ TQ sang các nước khác, trong đó có VN.
Ở góc độ Lefaso, chúng tôi khuyến nghị doanh nghiệp không nên chủ động, hoặc vô tình tiếp tay chuyển tải bất hợp pháp.
Việc này đang diễn ra dưới nhiều hình thức, chứ không đơn thuần có khái niệm là tuồn hàng thành phẩm từ TQ sang VN để đóng mác "Made in Vietnam", sau đó lấy C/O của VN xuất đi (cái này quá trắng trợn, chỉ có doanh nghiệp cố tình tiếp tay mới làm).
Nhưng còn rất nhiều tình huống tinh vi, "vô tình" khác. Ví dụ: doanh nghiệp A lâu nay đang có mối quan hệ rất tốt với nhà đặt hàng B cho các đơn hàng xuất sang Mỹ.
Đến một ngày nào đó, nhà đặt hàng B đề nghị doanh nghiệp A làm giúp đơn hàng đã đặt tại TQ với lý do bên đó sản xuất không kịp, hoặc bất kỳ lý do gì.
Hiện trạng đơn hàng sản xuất tại TQ đã xong gần hết, chỉ còn 1-2 công đoạn cuối "ráp nối" tại VN là hoàn tất.
Trong trường hợp này, chỉ cần doanh nghiệp A nhận lời đã là tiếp tay cho việc chuyển tải bất hợp pháp. Bởi VN đã có quy định không cho phép nhập mũ giày từ TQ, cũng như đã không cho phép tổ chức sản xuất từ bán thành phẩm đã hoàn tất ở TQ rồi nhập khẩu về VN để thực hiện các công đoạn còn lại.
Doanh nghiệp VN cũng phải dần từ chối các đơn đặt hàng có mức giá thấp, hoặc rẻ bất thường. Đồng thời, cần chủ động báo cáo cho hiệp hội, hoặc Bộ Công thương khi phát hiện doanh nghiệp trong ngành nhận được các đơn hàng "bất thường" như trên. Nếu doanh nghiệp chủ động tố cáo thì việc ngăn chặn "tận gốc" các nhà đặt hàng cố tình "mồi chài" gian lận sẽ rất thuận lợi.
Tuy nhiên, để có thể ngăn ngừa các tình huống đưa đến tình trạng chuyển tải bất hợp pháp, từ đó lợi dụng xuất xứ hàng hóa (C/O) từ VN để xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng của VN, thì Chính phủ cũng cần có giải pháp hữu hiệu hết sức cấp bách.
Thứ nhất, Chính phủ phải đẩy mạnh việc kiểm soát cấp C/O một cách triệt để hơn.
Thứ hai, cần có cơ chế giám sát các doanh nghiệp có sự tăng trưởng đột biến trong xuất khẩu.
Chẳng hạn, nếu phát hiện doanh nghiệp A có lượng hàng xuất khẩu trong tháng này tăng đột biến khoảng 20% trở lên so với tháng trước, hoặc so với cùng kỳ năm trước, hoặc tăng trưởng bất thường kéo dài, thì đơn vị cấp C/O cần "khoanh vùng" đề nghị phối hợp thông tin với hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý chủ quản để kiểm tra về năng lực sản xuất.
Thứ ba, cần thực hiện việc đăng ký sản lượng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tiềm năng đối với các doanh nghiệp có tham gia thị trường xuất khẩu.
Khi đăng ký, doanh nghiệp đương nhiên phải dựa vào năng lực cung ứng mà họ có khả năng thực hiện, nên khó có con số ảo. Nếu doanh nghiệp sản xuất vượt mức đã đăng ký một cách đột biến, thì đây cũng là chỉ dấu để kiểm tra.
Tôi cũng lưu ý thông tin về năng lực sản xuất của doanh nghiệp cũng cần được bộ, ngành cam kết giữ kín, lúc đó mới mong doanh nghiệp nỗ lực hợp tác.
Có vậy, Chính phủ không những bảo vệ được các doanh nghiệp làm ăn chân chính, mà còn hỗ trợ được doanh nghiệp yên tâm hợp tác trong bối cảnh sức ép thị trường quá nóng như hiện nay.
Rủi ro có ở khối doanh nghiệp FDI
"Năm 2018, DN FDI xuất khẩu 12,81 tỉ USD giày dép và 2,58 tỉ USD túi xách các loại, chiếm đến 78,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của da giày, và chiếm 76,1% trong kim ngạch túi xách. Nên mức độ rủi ro từ việc chuyển tải bất hợp pháp từ khối DN này là rất lớn, và việc tiếp cận được khối DN này đối với Lefaso tương đối khó khăn" - ông Diệp Thành Kiệt cho biết.
|
Ông DIỆP THÀNH KIỆT - TRẦN VŨ NGHI ghi
Tuổi trẻ