Chiêu trò của bất động sản 'bịp'
Lợi dụng thị trường bất động sản “ấm” trở lại, hàng loạt công ty ở TP.HCM dùng nhiều chiêu trò lừa hàng ngàn khách hàng sập bẫy.
Hàng chục khách hàng tụ tập trước cổng Công ty Angel Lina (Q.1, TP.HCM) tố công ty này lừa đảo.
Ảnh: Trần Tiến
|
Ngoài công ty bất động sản (BĐS) Alibaba, Công ty CP Angel Lina (trụ sở trên đường Phùng Khắc Khoan, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM; gọi tắt là Công ty Angel Lina)... bị tố lập dự án “ma” trên đất nông nghiệp ở TP.HCM và một số tỉnh, thành.
Mới đây, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03), Công an TP.HCM, cho biết đã tiếp nhận 40 đơn của người dân liên quan khu đất đường số 7, khu dân cư (KDC) Vĩnh Lộc (P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân) và 6 đơn tố cáo khác tại 2 dự án (trên hương lộ 11, xã Tân Quý Tây, và trên đường Phạm Hùng, H.Bình Chánh) tố cáo Công ty TNHH tư vấn đầu tư BĐS Hoàng Kim Land (trụ sở P.Tân Hưng, Q.7).
Cụ thể, công ty này do bà Trần Thị Hồng Hạnh (49 tuổi, ngụ Q.10) làm Giám đốc và bà Nguyễn Thị Mỹ Hiền (56 tuổi, ngụ Q.1) làm Chủ tịch HĐQT, bị tố cáo là có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua việc ký các hợp đồng mua bán nền đất.
Dự án “ma”, thu tiền thật
Theo đó, năm 2017, Hiền, Hạnh đã ký kết các hợp đồng đặt cọc, hợp đồng nhận ủy quyền mua đất nông nghiệp (các hợp đồng này sau đó bị các chủ đất hủy hợp đồng), sau đó lập khống các dự án “ma” (tức chưa có giấy phép thủ tục triển khai dự án), tổ chức phân lô nền theo bản vẽ tự vẽ, rồi quảng bá bán cho hàng chục khách, chiếm đoạt 81 tỉ đồng.
Dự án “ma” khu dân cư Tây Lân (Q.Bình Tân) của Công ty Angel Lina. Ảnh: Chụp từ tư liệu
|
Cụ thể năm 2017, bà Hiền mua 7 thửa đất trồng lúa của bà Đ.T.D (64 tuổi, ngụ Q.Bình Tân); đặt cọc 13 tỉ đồng mua 7 thửa đất trồng lúa của ông N.V.E (ngụ Q.Bình Tân; chết ngày 18.6.2018) với giá 47,7 tỉ đồng (chưa xác định được việc mua bán hoàn tất chưa); 2 thửa đất khác tại P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân với hàng chục ngàn mét vuông để triển khai thực hiện dự án KDC Vĩnh Lộc.
Đến tháng 6.2018, bà Hiền ký hợp đồng ủy quyền cho bà Hạnh liên hệ các cơ quan để thực hiện việc nhận chuyển nhượng, ký kết hợp đồng chuyển nhượng. Sau đó, bà Hạnh được toàn quyền quyết định, được phép chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố, huy động góp vốn đối với các thửa đất trên.
Qua xác minh, cơ quan công an phát hiện cơ quan chức năng không cấp bất cứ thủ tục, giấy tờ gì liên quan đến dự án KDC cho công ty này, mà chỉ ghi nhận về việc đặt cọc, mua đất nông nghiệp của bà Hiền, Hạnh.
“Trong quá trình được ủy quyền, nhận hợp đồng đặt cọc của các chủ đất nông nghiệp nói trên, bà Hiền, Hạnh đã đứng ra ký hợp đồng nhận cọc bán thu tiền nhà ở và nền đất cho 40 khách hàng, chiếm đoạt 75,6 tỉ đồng”, một cán bộ của Công an TP.HCM cho biết.
Ngoài ra, bà Hạnh chỉ mới đặt cọc mua hàng ngàn mét vuông đất (chủ yếu là trồng lúa, vườn) ở xã Bình Hưng, Tân Quý Tây (H.Bình Chánh) của dân để làm dự án, nhưng đã ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng một phần đất cho 6 khách hàng nhận tiền cọc hơn 4,7 tỉ đồng. Đáng chú ý, cơ quan công an còn phát hiện trong quá trình bán nền đất của dự án “ma”, bà Hiền, Hạnh có dấu hiệu lừa đảo khi một nền đất bán cho nhiều người. Đến nay, cơ quan công an xác định, 14 lô đất tại dự án “ma” KDC Vĩnh Lộc đã được 2 bà này bán cho hơn 24 người.
Lật tẩy thủ đoạn
Theo cơ quan công an, phương thức thủ đoạn hoạt động của bà Hiền, Hạnh là khi tiếp cận được với chủ đất, bà Hiền liên hệ với họ thương lượng xác lập các hợp đồng ủy quyền. Nội dung trong các hợp đồng ủy quyền thông thường “cài” các câu từ như: được quyền “nhận cọc, cho thuê, thế chấp, mua bán, chuyển nhượng hay tặng cho...” đối với các thửa đất.
Hoặc bà Hiền đóng vai trò là đối tác mua nền đất. Sau khi thỏa thuận xong, hai bên tiến hành thủ tục lập vi bằng nhận cọc (trên thực tế, sau khi xác lập được vi bằng hợp đồng nhận cọc, bà Hiền không thực hiện việc chuyển nhượng, mua bán mà mục đích chính là lừa dối khách hàng để bán nhận cọc).
Khi đã có đủ các giấy ủy quyền và hợp đồng đặt cọc trong tay, bà Hiền, Hạnh núp dưới bóng Công ty Hoàng Kim Land do hai bà này thành lập, tự lập 7 bản đồ phân lô, phân nền để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc ký kết các hợp đồng góp vốn, hợp đồng đặt cọc, sau đó chiếm đoạt toàn bộ tiền nhận cọc của các nạn nhân mua đất.
Quá trình xác minh thu thập hồ sơ, tài liệu của cơ quan chức năng cho thấy bà Hiền, Hạnh không phải chủ sở hữu nhà ở và đất ở tại các thửa đất trên, nhưng hai người này vẫn đứng ra ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (đối với nhà ở) và ký hợp đồng góp vốn chuyển nhượng (đối với đất) bán cho 46 bị hại hiện tại đã nộp đơn tố cáo với số tiền chiếm đoạt hơn 81 tỉ đồng.
“Đến nay công an còn tiếp nhận đơn của 38 bị hại với số tiền chiếm đoạt hơn 55 tỉ đồng. Công ty Angel Lina cũng lập khống nhiều dự án “ma” (ở Q.9, Q.Bình Tân, H.Bình Chánh), sau đó ký kết hợp đồng chuyển nhượng đất nền để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong quá trình giải quyết các vụ này đã phát hiện tình trạng tụ tập đông người đưa ra yêu cầu, khiếu nại...; tiềm ẩn nguy cơ thành điểm “nóng” về an ninh trật tự”, một cán bộ của Cơ quan CSĐT - Công an TP.HCM cho biết. (còn tiếp)
Công khai các dự án phân lô bán nền
Để phòng ngừa đối với các dự án BĐS “bịp”, một số sở, ngành đề xuất UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Sở Xây dựng, Sở TN-MT… triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn TP; thường xuyên, kịp thời công khai trên Cổng thông tin điện tử của sở các thông tin về dự án (phân lô bán nền, nhà ở…) đủ điều kiện được bán, cho thuê, mua, được huy động vốn quy định của pháp luật để người dân nắm cảnh giác.
|
Trần Tiến
Thanh niên