Các công ty Trung Quốc dồn lực vào công tác nghiên cứu khi kinh tế toàn cầu giảm tốc
Khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu chuyển thành xung đột công nghệ, các công ty Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực tìm kiếm phương pháp để phát triển các sản phẩm mới và bớt phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khi chuỗi cung ứng này đang dần bị chia tách thành những phần nhỏ hơn và mang tính khu vực hơn.
Ở Thâm Quyến, một thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông ở phía nam Trung Quốc, có một công ty như vậy đang tổng hợp danh sách các sản phẩm đang phải chịu thuế quan của Mỹ để tìm kiếm các mục tiêu phù hợp nhằm phát triển và nghiên cứu sản phẩm.
Công ty Vật liệu Hợp kim sáng SunXing ở Thâm Quyến, một công ty tư nhân được thành lập từ 27 năm trước, chuyên sản xuất một hợp chất có khả năng làm hợp kim nhôm titan cứng hơn – loại thành phần quan trọng trong việc sản xuất lớp phủ cho máy bay chiến đấu, tàu cao tốc, các tòa nhà và nhiều loại sản phẩm khác.
Theo công ty SunXing, họ đang cung cấp một nửa lượng chất phụ gia được sử dụng để sản xuất lớp phủ nhôm cho máy bay chiến đấu của Trung Quốc. Và công ty này còn nói rằng công nghệ của họ giúp cho Trung Quốc không cần phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu để sản xuất loại hợp kim nhôm chất lượng cao dành cho các thiết bị quan trọng nữa.
Những mảnh sự kiện gom góp thành chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và khả năng hai nền kinh tế Mỹ-Trung tách rời ngày càng tăng đã tiếp thêm động lực cho SunXing trong cuộc đua phát triển sản phẩm mới, theo như công ty này hy vọng thì những sản phẩm mới này sẽ giúp Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.
Các bằng chứng được thu thập ngẫu nhiên chỉ ra rằng nhiều công ty Trung Quốc, giống như công ty SunXing, đều đang cống hiến nhiều nguồn lực hơn để phát triển các công nghệ cốt lõi riêng của họ và các loại sản phẩm trung gian để thay thế các sản phẩm nhập khẩu.
Sự chuẩn bị cho chiến lược với tên gọi “lốp dự phòng” đã chuẩn bị tăng tốc từ tháng 05/2019, sau khi Mỹ giáng một đòn lên Trung Quốc bằng lệnh cấm các công ty Mỹ cung cấp vật liệu cho “ông lớn” viễn thông Huawei Technologies của Trung Quốc.
Pony Ma Hua-teng, nhà đồng sáng lập kiêm tổng giám đốc của “ông trùm” trực tuyến Tencent Holdings của Trung Quốc, cũng đã lên tiếng cảnh báo vào tháng 05/2019 rằng vụ xung đột thương mại Mỹ-Trung có khả năng phát triển thành một trận chiến về công nghệ.
“Nếu chúng ta không thể hiện sự siêng năng nỗ lực để phát triển cơ sở hạ tầng và các công nghệ cốt lõi, Trung Quốc sẽ rất khó duy trì đà tăng trưởng trong thời đại kinh tế kỹ thuật số”, ông Pony cho biết trên một diễn đàn ở tỉnh Vân Nam thuộc phía tây nam Trung Quốc.
Trong khi các công ty Trung Quốc phải vật lộn với sự không chắc chắn của mối quan hệ Mỹ-Trung, các công ty Mỹ cũng phải đối phó với sự căng thẳng bằng cách di chuyển các cơ sở hoạt động của họ ra khỏi Trung Quốc, tất cả đều chuẩn bị trước để đối phó với dự đoán chiến tranh thương mại sẽ còn leo thang.
Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 5/2019 của Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc, có hơn 40% trong tổng số 250 công ty thành viên đặt câu hỏi với Phòng Thương mại đều đang xem xét hoặc đã chuyển các cơ sở hoạt động thuộc chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc.
Bằng chứng mới này cho thấy hai siêu cường thế giới thực sự đang dần tách xa khỏi nhau, khiến các chuyên gia phải tranh luận rằng liệu có xảy ra sự phân tách hoàn toàn giữa hai nền kinh tế vốn dĩ đan xen sâu sắc với nhau này hay không.
Li Xiangyang, Giám đốc của Viện Chiến lược Quốc tế Quốc gia Trung Quốc, viện nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, vào tháng 06/2019 đã kêu gọi thực hiện nhiều nghiên cứu hơn về hậu quả của việc hai nền kinh tế Mỹ-Trung phân tách.
Phát biểu tại một hội nghị chuyên đề ở Bắc Kinh, ông Li cũng đề xuất sự cần thiết của việc nghiên cứu những biện pháp phòng ngừa rủi ro nào có thể được áp dụng nếu như sự phân tách giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thực sự xảy ra.
“Ở Trung Quốc, vẫn còn nhiều tranh luận về vấn đề liệu hai quốc gia có chia tách hay không. Tuy nhiên, việc đó có vẻ như đang dần trở thành sự thật khi các xung đột song phương diễn ra”, ông Li nói.
“Mục đích cuối cùng mà Mỹ muốn đạt được là kiềm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc … đây là trò chơi sống chết rất quan trọng đối với Mỹ”, ông Li giải thích. “Đây sẽ là một vấn đề dài hạn và Trung Quốc cần chuẩn bị sẵn sàng cho việc phân tách”.
Wang Yiwei, Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, cho rằng Mỹ mới là thủ phạm thật sự gây ra mọi chuyện.
“Hàng thập kỷ nay, Trung Quốc đã ủng hộ thương mại tự do, toàn cầu hóa và nguồn lao động quốc tế”, ông Wang nói.
“Sự phân tách với Mỹ vốn là điều không thể tưởng tượng được cho đến khi Mỹ bắt đầu vũ khí hóa sự không tự chủ kinh tế giữa hai quốc gia trong cuộc chiến thương mại”.
Mối quan hệ Mỹ-Trung đã rơi vào vùng không thể xác định kể từ cuối năm 2017 khi Mỹ từ bỏ mối quan hệ gắn bó kéo dài bốn thập kỷ và xem Trung Quốc là đối thủ chiến lược.
Để đáp trả, Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ vì đã làm suy yếu hệ thống thương mại thế giới và nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ gắn chặt với con đường cải cách riêng và thoái thác việc sao chép các giá trị từ phương Tây.
Kể từ đó, Mỹ đã thể hiện “việc phân tách sẽ diễn ra như thế nào nếu như nó được chính quy hóa thành chính sách”, dựa theo Sourabh Gupta, Chuyên gia chính sách tại Viện nghiên cứu Mỹ-Trung ở Washington.
Thứ được gọi là chiến tranh thương mại được khởi xướng từ tháng 7/2018, bắt đầu với mức thuế quan trừng phạt được Washington áp lên lô hàng xuất khẩu trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc, sự việc leo thang nhanh chóng cho đến khi công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen vì bị nghi ngờ có liên quan đến “an ninh quốc gia” của Mỹ.
Những cột mốc trên hành trình phát triển của sự việc, theo ông Gupta, bao gồm sự thúc đẩy cho những tư tưởng diều hâu trong Nhà Trắng (Mỹ) khi Trung Quốc thể hiện sự nhượng bộ - cho phép các thanh tra người Mỹ ở trụ sở chính của ZTE giám sát các hoạt động và sự tuân thủ luật pháp của công ty – để đổi lấy việc Washington đồng ý gỡ bỏ lệnh cấm đối với ZTE, dù vậy công ty này vẫn phải trả một khoản tiền phạt 1.4 tỷ USD.
Ông Gupta còn chỉ ra những cột mốc khác, một trong số đó là việc Mỹ đã tuyên bố các khu vực có cơ sở hạ tầng và công nghệ vượt quá giới hạn đầu tư của Trung Quốc, bao gồm lĩnh vực viễn thông và 5G, cũng như các công nghệ mới nổi được phát triển bởi các công ty công nghệ giai đoạn đầu của Mỹ.
Mỹ cũng từ chối cấp quyền truy cập và kiểm soát bất cứ thông tin nhạy cảm nào cho Trung Quốc, bao gồm dữ diệu cá nhân của người Mỹ, giới hạn quyền tiếp cận của các nhà khoa học Trung Quốc với nguồn tài trợ từ các viện nghiên cứu chính của Mỹ, và từ chối cấp thị thực cho một số nhóm và cá nhân có liên kết với Chính phủ Trung Quốc.
Để trả đũa Mỹ, Trung Quốc cũng đã áp thêm thuế quan lên lô hàng xuất khẩu trị giá 110 tỷ USD của Mỹ.
Trung Quốc cũng công bố danh sách đen của riêng họ và đe dọa sẽ nhắm đến các công ty nước ngoài “không đáng tin” được coi là đã phá hoại lợi ích của Trung Quốc và các công ty Trung Quốc. Dù vậy, cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa chính thức đưa bất cứ công ty nào vào danh sách đen cả.
Bất chấp tất cả những hành động trên đến từ cả hai bên, ông Gupta nói rằng hai quốc gia vẫn đang đứng bên lề của một sự chia tách quan trọng nào đó.
“Những việc thực sự đã diễn ra đều chỉ là những phát bắn cảnh cáo. Tuy nhiên, tôi nghi ngờ rằng việc chia tách hoàn toàn thậm chí có thể trở thành chính sách cốt lõi. Cả hai bên thực sự có ‘tình huynh đệ’ quá sâu sắc để sự tách biệt rạch ròi như vậy có thể xảy ra”.
“Bên cạnh đó, phía Mỹ sẽ phải bỏ lại nhiều tiền bạc nếu thực sự muốn bước ra khỏi mối quan hệ với Trung Quốc và tiến đến việc phân tách”, ông Gupta nói, ông còn đề cập đến sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai quốc gia thông qua các chuỗi giá trị và nền kinh tế rộng lớn hơn.
Lấy các công ty sản xuất chip của Mỹ làm ví dụ, mỗi năm họ bán số sản phẩm trị giá hàng tỷ USD cho Huawei, hiện những công ty này đang vận động Nhà Trắng nới lỏng cho Huawei để họ có thể tiếp tục buôn bán với “ông lớn” sản xuất thiết bị của Trung Quốc này.
Wang Dan, Chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn Gavekal Dragonomics có trụ sở tại Hồng Kông, đồng ý với ý kiến trên. “Công ty Huawei quá lớn và can thiệp quá sâu vào ngành công nghệ toàn cầu đến nỗi các công ty Mỹ dễ dàng chấp nhận họ là một khách hàng của công ty”, ông Wang nói.
“Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho thấy họ không có đủ quyết tâm chính trị để tích cực thực thi việc kiểm soát xuất khẩu. Bản chất phân phối toàn cầu của ngành công nghệ mạng cho thấy việc kiểm soát xuất khẩu của Mỹ dễ dàng bị vượt qua hơn những gì chúng ta thấy”.
Trong khi các chính trị gia có khả năng đã thiết lập sẵn phương hướng cho việc phân tách của mối quan hệ kinh tế song phương, các chuyên gia lại chỉ ra công nghệ là một nhân tố mạnh mẽ có thể chống lại việc chia tách này.
George Magnus, một nghiên cứu viên tại Trung tâm về Trung Quốc của Đại học Oxford, nói rằng công nghệ là ngành tích hợp toàn cầu và rất quan trọng về mặt hệ thống.
“Ví dụ, bạn không thể nào cấm việc buôn bán linh kiện cho Huawei mà không nhận lại tác động tương tự lên các công ty vốn là người bán các thành phần để làm nên những linh kiện đó”.
“Bạn không thể trừng phạt các công ty Mỹ trong một số lĩnh vực được cho là làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc mà không làm ảnh hưởng đến những công ty khác, nhưng cuối cùng có thể dẫn đến kết thúc là họ sẽ bị trừng phạt gián tiếp”, ông Magnus cho biết.
James McGregor, Chủ tịch của công ty tư vấn APCO Worldwide thuộc khu vực Trung Quốc, cho biết một trong những hậu quả của việc chia tách sẽ là việc toàn cầu hóa sẽ diễn ra ít hơn và đối với Trung Quốc, động thái tiếp theo sẽ là hướng tới khu vực hóa.
“Có rất nhiều quốc gia tham gia vào việc đầu tư xuyên biên giới, chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất. Thế nên, điều mà chúng ta có khả năng sẽ thấy là việc toàn cầu hóa ít dần đi và khu vực hóa diễn ra nhiều hơn, trong đó châu Âu, châu Á và Mỹ đều có các cụm khu vực riêng ở một mức độ nào đó”, ông McGregor nói.
“Các công ty đa quốc gia sẽ phải tham gia vào từng khu vực, như các công ty Trung Quốc phải làm, để có thể cạnh tranh toàn cầu. Những nhân tố đảm bảo chính sẽ là chi phí và sự hiệu quả, và khi đề cập đến khía cạnh công nghệ phải có sự tin tưởng về chính trị”, ông McGregor chia sẻ.
Việc này rõ ràng đã và đang diễn ra khi các quốc gia ký kết các thỏa thuận thương mại tự do khu vực nhằm chào đón một vài quốc gia, trong khi lại làm bẽ mặt một vài quốc gia khác.
Tháng 6/2019, Mexcico đã trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada, Hiệp định này được ký kết vào cuối năm 2018 bởi lãnh đạo của cả ba quốc gia, nhằm xây dựng một khu vực Bắc Mỹ mạnh mẽ và đầy khả năng cạnh tranh.
Để Hiệp định trên có hiệu lực, cần cơ quan lập pháp của cả ba quốc gia phê chuẩn.
Trên thế giới, đi cùng với động lực trên là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đang được xây dựng – một thỏa thuận thương mại tự do giữa Trung Quốc, 10 nước thành viên của Asean, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
Vòng đàm phán mới nhất của RCEP bắt đầu vào ngày thứ Hai (22/07) tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, diễn ra đến ngày 31/07 và sau đó sẽ diễn ra cuộc họp cấp bộ trưởng tại Bắc Kinh vào đầu tháng 08/2019.
Các cuộc thảo luận về việc tạo ra thỏa thuận RCEP đã được khởi động từ năm 2012 và mặc dù tiến trình này có hơi chậm – tính đến nay đã đàm phán tới 26 vòng – nhưng lãnh đạo của các quốc gia thành viên đã cam kết vào tháng 11/2018 rằng họ sẽ hoàn tất thỏa thuận trong năm nay.
Bắc Kinh đang mong muốn tăng cường việc hội nhập khu vực thông qua RCEP và những biện pháp khác, đặc biệt là để chống lại tình trạng căng thẳng Mỹ-Trung đang diễn ra, dựa theo các nguồn tin từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc chia tách theo định nghĩa là một con dao hai lưỡi. Không thể tránh khỏi việc Trung Quốc và Mỹ sẽ phải trả giá bằng tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và chi phí nhập khẩu tăng cao khi hai bên phân tách.
Ở Mỹ, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đã giảm từ 4.2% trong quý 2/2018 xuống thành 3.1% trong quý 1/2019.
Trong tình cảnh tương tự, tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã giảm xuống còn 6.2% trong quý 2/2019, đây là mức tăng trưởng chậm nhất của quốc gia này kể từ tháng 03/1992.
Theo Lu Ting, Chuyên gia kinh tế Trung Quốc hàng đầu tại Nomura, tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc có khả năng giảm xuống chỉ còn 5.8% trong năm 2020 nếu cuộc đàm phán thương mại được tái khởi động vào thứ Ba tới (30/07) ở Thượng Hải không thu về được kết quả nào, bao gồm hậu quả của thuế quan bổ sung mà Mỹ áp lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Nhưng các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ không chịu ngồi yên khi nền kinh tế nước nhà đang phải chịu khó khăn, và khi họ có cơ hội để điều chỉnh mọi chuyện hoặc thậm chí có thể tiến đến thỏa thuận với ông Trump trong vài tháng tới.
“Trung Quốc có thể cải thiện việc bảo vệ tài sản trí tuệ, tăng tốc cải cách và mở rộng cửa thị trường hơn để các người chơi nước ngoài gia nhập”, nhà nghiên cứu Chen Fengying cho biết.
Bà Chen, cựu Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, nói rằng những việc trên là việc Trung Quốc có thể và nên làm, bất chấp sự chỉ trích ngày càng gia tăng trong lòng Trung Quốc khi những người ủng hộ việc gia tăng tốc độ cải cách và mở cửa bị xem là những kẻ phản bội Tổ quốc trong vài tháng gần đây.
“Họ đều chỉ muốn tốt cho Trung Quốc mà thôi và họ cũng không nói gì đến việc thỏa hiệp hay là nhượng bộ Mỹ”, bà Chen nói.
Steve Tsang, Giám đốc tại Viện nghiên cứu SOAS Trung Quốc của Đại học Luân Đôn, cho rằng quá trình chia tách không phải đã chắc như đinh đóng cột và việc này vẫn có thể thay đổi, nhưng quá trình này không thể đảo ngược được.
“Ý nghĩa chung của chính sách cam kết Mỹ-Trung trước đây đã thất bại, cho phép Trung Quốc bắt kịp và gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Mỹ, và ở một quốc gia lưỡng đảng như Mỹ thì ông Trump sẽ vẫn sống sót thôi”, ông Tsang nói.
“Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có đủ khả năng, và vì vậy ông sẽ không cho phép chính quyền của ông bị Washington ‘bắt nạt’”.
“Mặc dù ông Trump đã bắt đầu quá trình chia tách, nhưng ông Tập cũng đã chuẩn bị quá trình chia tách phiên bản Trung Quốc được một khoảng thời gian rồi”, ông Tsang nói, ông nhấn mạnh đến chủ nghĩa hoài nghi của Đảng Cộng sản Trung Quốc và sự phủ nhận “các khái niệm phương Tây” như là chủ nghĩa hợp hiến, các giá trị phổ quát và xã hội dân sự.
“Vì dù sao đi nữa ông Tập đã dự định sẽ chia tách vào thời điểm mà ông đã chọn trước, nên ông ấy sẽ không đảo ngược quá trình này vào thời điểm hiện tại vì Mỹ cũng đang tấn công vào nó”, ông Tsang nói.
Trong khi đó, ở Thâm Quyến, công ty Vật liệu Hợp kim sáng SunXing vẫn đang tiếp tục nỗ lực để giảm thiểu sự phụ thuộc vào các công ty nước ngoài của Trung Quốc.
Gần đây, công ty SunXing đã hoàn tất nghiên cứu sản phẩm hợp kim ferro titan mới, vật liệu này cực kỳ quan trọng trong việc tạo ra loại thép đặc biệt cao cấp dùng trong các thiết bị quân đội và dân dụng.
Phó Giám đốc của SunXing, Zhou Zhi, tự tin rằng công ty của ông đang đi đúng hướng, bất kể mối thù giữa Trung Quốc và Mỹ có diễn ra như thế nào đi nữa.
“Trung Quốc phải có khả năng sản xuất thép đặc biệt một cách độc lập và sở hữu chuỗi cung ứng từ đầu đến cuối”, ông Zhou nói. “Chỉ có làm như vậy thì Trung Quốc mới không bị bóp nghẹt trong chiến tranh thương mại nếu Mỹ ngưng cung cấp một vài loại mặt hàng nhất định”.
Vũ Hạo (Theo SCMP)
FiLi
|