Bất động sản TP HCM: Vướng mắc nhỏ, thiệt hại lớn: Khóc ròng vì thủ tục, pháp lý
Hơn một năm qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn vì vướng thủ tục pháp lý cũng như cơ chế, chính sách; nếu không có biện pháp tháo gỡ thì hậu quả để lại cho nền kinh tế là rất lớn.
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bất động sản khẳng định muốn làm đúng, làm tốt và làm nhanh để đưa sản phẩm ra thị trường nhưng "đụng đâu cũng vướng".
Trong những lần gặp gỡ lãnh đạo TP HCM và các sở - ngành, nhiều đại diện doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) cứ mang hồ sơ giấy tờ theo, chờ được gặp và trực tiếp kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Dễ bị ách tắc
Mới đây, UBND quận 7 đã đình chỉ thi công 110 biệt thự đang triển khai tại dự án Green Star Sky Garden do Công ty CP Đầu tư Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư. Lý do là vì dự án chưa có quyết định giao đất, chưa hoàn thành việc chuyển mục đích sử dụng đất mà chủ dự án đã "cầm đèn chạy trước ôtô".
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM Lê Hoàng Châu, hồ sơ pháp lý của dự án mà Công ty Hưng Lộc Phát triển khai đã được thực hiện khá đầy đủ; chỉ còn thiếu quyết định của UBND TP về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất dự án để công ty có cơ sở đề nghị tính tiền sử dụng đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Công ty đã nộp hồ sơ lên Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM xin được giao đất dự án từ 1 năm trước nhưng đến nay chưa nhận được quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất để trên cơ sở đó thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước và được cấp GCNQSDĐ.
UBND TP HCM đã chỉ đạo thành lập tổ công tác để tiến hành kiểm tra trong 15 ngày đối với các hoạt động đầu tư xây dựng, sử dụng đất tại dự án của Công ty Hưng Lộc Phát. UBND TP HCM cũng yêu cầu Sở TN-MT rà soát hồ sơ đề xuất thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất dự án cho Công ty Hưng Lộc Phát. Đại diện Sở TN-MT cho biết ngoài dự án của Công ty Hưng Lộc Phát, UBND TP HCM còn chỉ đạo rà soát các thủ tục, giấy tờ và pháp lý tất cả dự án trên địa bàn TP.
Từng khóc tại hội nghị gặp gỡ giữa DN BĐS và lãnh đạo TP HCM, bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCGL), cho biết QCGL có 12 dự án đang ách tắc. Trong đó, có dự án vướng do đất nông nghiệp xen cài, không phải đất công nhưng cũng gặp khó khăn khi chuyển quyền sử dụng đất. Tại dự án chung cư ở quận 8, QCGL bỏ tiền làm công viên nhưng vướng thủ tục vì được giải thích rằng đó là đất công, phải đấu giá. "Quy định về "đất ở hợp pháp" mới chấp thuận cho chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại đã được hướng dẫn và áp dụng theo kiểu "trói chân tay" các DN BĐS thời gian vừa qua" - bà Loan nhận xét.
Thực trạng chậm tính tiền sử dụng đất dự án cũng là vướng mắc chung mà các DN BĐS đang phải chịu thiệt hại. Đơn cử, dự án chung cư cao tầng trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2012. Do một số vướng mắc về pháp lý nên đến năm 2018, TP mới có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất của dự án. Thế nhưng, đến nay, dự án vẫn chưa được tính tiền sử dụng đất để công ty thực hiện nghĩa vụ tài chính và làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua nhà. Tại quận Bình Thạnh, dự án căn hộ chung cư trên đường Nguyễn Xí đã được nghiệm thu, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2016. Song, chủ đầu tư phải trải qua nhiều nhiêu khê trong việc trình phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất của khu đất này để hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhằm kết thúc dự án.
Dự án 110 căn biệt thự ở quận 7, TP HCM đang bị đình chỉ thi công vì chưa có quyết định giao đất. Ảnh: LÊ PHONG
|
Mất cơ hội, đội chi phí
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Công ty CP Phát triển Địa ốc Sài Gòn 5 cho biết dù đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay, công ty ông vẫn chưa được tháo gỡ khó khăn liên quan đến các cơ chế, thủ tục hành chính. Điều này đã làm gia tăng chi phí, mất nhiều cơ hội và đặc biệt là chậm trễ dự án.
Cụ thể, sau khi DN cổ phần hóa thì theo quy định, các GCNQSDĐ phải cập nhật tên công ty cổ phần. Song, khi DN này liên hệ Sở TN-MT thì phải chờ quyết toán chuyển từ công ty nhà nước sang công ty cổ phẩn. Trong lúc chưa cập nhật thì toàn bộ hoạt động liên quan đến đầu tư xây dựng bị ách lại... Phải lòng vòng qua Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở TN-MT hơn 2 năm nhưng toàn bộ dự án đang trình đều bị ngưng.
Một dự án của Công ty CP Phát triển Địa ốc Sài Gòn 5 tại quận 8 tuy đã được cấp phép và thi công phần hầm sắp hoàn tất nhưng Sở Xây dựng lại tiếp tục cập nhật theo tên cũ (trước khi cổ phần hóa). Đến nay, dù lãnh đạo TP đã có văn bản chỉ đạo tháo gỡ nhưng Sở Xây dựng chưa xem xét cấp phép phần thân. Điều này đã gây thiệt hại rất lớn cho DN.
Một chủ đầu tư cho biết vừa triển khai thành công dự án đầu tiên và tiến hành thực hiện dự án tiếp theo cũng trên cùng một quận. Thế nhưng, khi nộp hồ sơ lên Sở Xây dựng thì không được duyệt vì lý do dừng cấp phép cho dự án căn hộ có officetel. "Sau một thời gian chờ đợi, gõ các cửa nhờ gỡ vướng nhưng không tiến triển, chúng tôi đã rút hồ sơ và cho thiết kế lại để xin giấy phép mới mà không có officetel. Quy trình này mất gần 2 năm, làm phát sinh nhiều chi phí và bỏ lỡ nhiều cơ hội chỉ vì cơ chế, chính sách thay đổi" - vị này bức xúc.
Quy định tréo ngoe
Đại diện Sở TN-MT TP HCM thừa nhận một số quy định pháp luật hiện nay còn tréo ngoe, mâu thuẫn nhau; công tác phối hợp giữa các đơn vị chưa thống nhất và một số cán bộ sợ sai sót nên thận trọng trong việc trình hồ sơ.
"Với những vụ việc dư luận phản ánh thời gian qua, trước mắt, sở sẽ phối hợp để đưa ra hướng giải quyết chung, tháo gỡ khó khăn cho DN. Mục đích là đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn các bước không cần thiết nhưng vẫn bảo đảm đúng quy định pháp luật" - đại diện Sở TN-MT TP nhấn mạnh.
|
Kỳ tới: Lộ rõ hệ lụy
SƠN NHUNG
Người lao động