Vì sao Mỹ cáo buộc Trung Quốc ăn cắp công nghệ?
Trong cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc, một trong những “mặt trận” căng thẳng nhất là việc ép buộc chuyển giao công nghệ. Thuật ngữ này được dùng để ám chỉ một chuỗi hành động mà trong đó các công ty nước ngoài nếu muốn hoạt động ở Trung Quốc phải tiết lộ bí quyết của công ty với phía Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc cho rằng các cáo buộc đó “hoàn toàn không có cơ sở”, họ còn nói rằng bất cứ công ty liên doanh nào cũng đều “trên cơ sở tự nguyện” và “dựa trên các quy tắc của thị trường”. Một báo cáo năm 2018 của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã dẫn lời một cựu quan chức Nhà Trắng rằng các yêu cầu chuyển nhượng mà Trung Quốc đưa ra đều “tự nguyện” giống như cách mà Vito Corleone đưa ra đề xuất kinh doanh trong tiểu thuyết “Bố già”.
Mỹ cáo buộc gì?
Trước khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2011, việc chuyển giao công nghệ là một yêu cầu rõ ràng thường phải có để có thể gia nhập thị trường Trung Quốc. Thông thường, công nghệ chuyển giao không nhất thiết phải là loại quá phức tạp, ví dụ như mẫu máy may sắp lỗi thời cũng có thể chấp nhận được. Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung và các nhóm vận động hành lang khác đều nói rằng sự việc trên vẫn còn tiếp diễn, mặc dù xét trong bối cảnh hiện nay thì những yêu cầu như vậy được xem là đã vi phạm các quy tắc của WTO, vì chúng được thực hiện bằng lời nói và diễn ra một cách bí mật.
Hệ thống phê duyệt đầu tư nước ngoài đầy mờ ám của Trung Quốc yêu cầu các công ty nước ngoài phải thành lập liên doanh với đối tác là công ty Trung Quốc để đổi lấy quyền được hoạt động ở thị trường Trung Quốc. Như một phần của thỏa thuận, công ty nước ngoài đó phải chia sẻ bí mật của công ty. Vì yêu cầu liên doanh ở một vài ngành công nghiệp cho phép công ty nước ngoài được sở hữu phần lớn hoặc 100% cổ phần, nên trong thời điểm đó, vụ việc chuyển giao công nghệ trải dài từ các đánh giá tác động của môi trường đến những bước khác trong quá trình cấp phép.
Việc chuyển giao công nghệ diễn ra như thế nào?
Lấy các công ty hóa chất làm ví dụ. Ở Mỹ, việc kiểm tra chất lượng một nhà máy hóa chất mới xây dựng yêu cầu phải có báo cáo về phạm vi lượng nhiệt mà các hoạt động của nhà máy tạo ra, trong khi ở Trung Quốc, báo cáo này phải tiết lộ rõ nhiệt lượng cụ thể là bao nhiêu, theo Jacob Parker, Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung tại Bắc Kinh.
“Bất cứ chi tiết mới nào mà phía Trung Quốc yêu cầu đưa ra đều khiến những quy trình đó dễ bị các công ty đối thủ trong nước sao chép lại”, ông Parker nói. Một vấn đề khác nữa chính là sự thống trị của các doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước trong một vài ngành. Việc này đã tạo ra một nhóm gồm những công ty thực quyền mà Trung Quốc dùng để có được sự nhượng bộ từ những công ty nước ngoài vốn không thể thỏa thuận với ai khác ngoài những công ty thực quyền này nữa. Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc cho biết có đến 20% các công ty được khảo sát trong năm 2019 nói rằng họ cảm thấy bị bắt buộc phải bàn giao bí quyết của công ty để duy trì khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc, tăng từ mức 10% trong năm 2017. Các ngành công nghiệp có giá trị và công nghệ cao như hóa chất, xăng dầu, thiết bị y tế, dược phẩm và xe hơi thường là những đối tượng đặc biệt được nhắm đến, dựa theo bản báo cáo.
Tại sao không kiện ra tòa hoặc thông báo cho WTO?
Trong một đơn đệ trình lên USTR năm 2018, Quỹ Sáng tạo và Công nghệ Thông tin (ITIF) – một nhóm nghiên cứu và thúc đẩy đổi mới công nghệ có trụ sở tại Washington (Mỹ) – viết rằng chiến thuật gây áp lực không chính thức của Trung Quốc khiến họ “không thể bị truy tố”. Các nhóm vận động hành lang cho các công ty nước ngoài nói rằng các khách hàng của họ thường cố gắng giải quyết vấn đề này một cách riêng tư. Các công ty nước ngoài sợ rằng nếu như họ công khai chuyện này ra, họ sẽ mất quyền tiếp cận quốc gia đông dân nhất đồng thời cũng là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Đã có công ty nào từng thử công khai chưa?
Cũng có một vài trường hợp nổi tiếng như dưới đây.
Công ty Kawasaki Heavy Industries Ltd., nhà sản xuất tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản, từng liên doanh với các nhà sản xuất ở Trung Quốc vào năm 2004. Năm 2011, qua các bản báo cáo, công ty này biết được rằng Trung Quốc sắp nộp đơn cấp bằng sáng chế quốc tế đối với tàu cao tốc, sau đó họ liền gửi một lá thư cảnh báo để đảm bảo phía Trung Quốc không tiết lộ công nghệ mà họ đã chuyển giao ra khỏi phạm vi Trung Quốc, phát ngôn viên của Kawasaki cho biết. “Công ty chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi kể từ đó, nhưng vẫn không chắc chắn được rằng Trung Quốc có từng sử dụng công nghệ được chuyển giao ngoài mục đích cho phép hay không”, phát ngôn viên này nói. Tuy vậy, Yoshiyuki Kasai, Chủ tịch danh dự của công ty Central Japan Railway, đã trả lời báo Sankei Shimbun vào năm 2018 rằng: “Việc chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc là một sai lầm khủng khiếp”. Bộ trưởng về đường sắt của Trung Quốc trả lời trên Xinhua News rằng tàu cao tốc của Trung Quốc hoàn toàn khác biệt và “còn tốt hơn nhiều” so với tàu của Nhật Bản.
Tập đoàn Dupont đã phải tốn cả năm trời để phân xử với đối tác Trung Quốc mà họ từng có lần hợp tác, họ nghi ngờ công ty Trung Quốc này đã sao chép công nghệ hóa học giá trị cao của họ, dựa theo một bài báo trên báo Wall Street. Sau đó, nhiều nhà điều tra đến từ cơ quan chống độc quyền của Trung Quốc bất ngờ ập vào văn phòng tại Thượng Hải của Dupont vào tháng 12, lấy đi toàn bộ tài liệu và máy tính – đồng thời khuyên ban lãnh đạo Dupont hãy từ bỏ vụ kiện chống lại công ty Trung Quốc. Cơ quan chống độc quyền này còn cho biết vụ điều tra công ty Dupont vẫn đang được tiến hành và từ chối cung cấp thêm thông tin, dựa theo bài báo của Wall Street. Công ty Dupont không đưa ra bình luận gì về vụ việc.
Sau khi công ty sản xuất hóa chất Huntsman Corp. gửi những sản phẩm mới cho hội đồng chuyên gia kiểm định, họ phát hiện ra các công ty đối thủ cũng sử dụng công nghệ tương tự để sản xuất các sản phẩm mới, dựa theo cùng một bài báo của Wall Street. Công ty Huntsman đã đệ đơn kiện một công ty Trung Quốc ở Thượng Hải vào năm 2007, họ cáo buộc công ty Trung Quốc này đã vi phạm bằng sáng chế về loại thuốc nhuộm đen sử dụng trong ngành dệt may ít gây ô nhiễm môi trường hơn. Sau đó, họ lại đối mặt với một hội đồng kiểm định do tòa chỉ định với mục đích chống lại những cáo buộc mà họ đưa ra, công ty Huntsman cho biết trong đơn khiếu nại gửi lên Bộ Thương mại Mỹ vào năm 2011. Công ty Huntsman không bình luận gì về câu chuyện này.
Phía Trung Quốc nói gì?
“Đã là nói dối thì dù có lặp lại hàng ngàn lần vẫn là dối trá mà thôi”, People’s Dayly – hãng báo hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc – nói trong một bài viết xuất bản tháng 5/2019. Bài báo còn nói Mỹ đã “bịa đặt” ra các cáo buộc và chính quyền của ông Trump đã không cung cấp được ví dụ cụ thể nào mặc dù Trung Quốc đã yêu cầu rất nhiều lần.
Bên cạnh những lời bác bỏ đó, Trung Quốc còn đề cập đến hàng loạt quy định pháp lý đã được thay đổi nhanh chóng để giúp nước này đạt được thỏa thuận với Mỹ. Một điều luật mới về đầu tư nước ngoài dự kiến có hiệu lực vào năm 2020 sẽ cấm các cơ quan hành chính không được ép buộc chuyển giao công nghệ. Luật này cũng có khả năng bao gồm những án phạt hình sự đối với các quan chức tiết lộ hoặc làm rò rỉ các bí mật thương mại mà họ biết được từ các thỏa thuận.
Luật này đã được phê duyệt vào tháng 3/2019 chỉ sau vài tháng gửi đi, tuy nhiên, quá trình áp dụng luật thường phải mất vài năm. Một sửa đổi trong Luật Cấp phép Hành chính cũng vừa được phê duyệt vào tháng 4/2019, trong đó cấm các quan chức tiết lộ bí mật thương mại và thông tin mật.
Vậy vẫn còn chưa đủ sao?
Các quan chức Mỹ nói rằng trước đó Trung Quốc cam kết sẽ thay đổi nhưng sau đó lại không tuân thủ lời hứa. Phòng Thương mại Liên minh châu Âu ở Trung Quốc cũng đưa ra một báo cáo vào tháng 5/2019 rằng điều luật mới về đầu tư nước ngoài “chứa các điều khoản mở rộng và xuyên suốt điều luật này là những từ ngữ mơ hồ” mà từ đó có thể tạo nên “sự không chắc chắn có thể gây tổn hại đến niềm tin kinh doanh”.
Việc chuyển giao công nghệ có được thực hiện bằng những cách hợp pháp không?
Dĩ nhiên là như vậy và trên thực tế, Trung Quốc được xem là nước chi tiêu nhiều nhất vào các bằng sáng chế và giấy phép trên thế giới, dựa theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Năm 2018, số tiền mà Trung Quốc chi cho quyền sở hữu trí tuệ nước ngoài đã tăng 24% lên đến 35.8 tỷ USD, Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước của Trung Quốc cho biết. (Ngoài ra, Trung Quốc cũng nhận về số tiền 5.6 tỷ USD đối với sở hữu trí tuệ trong nước). Số tiền này được dùng chủ yếu vào các ngành như máy tính, viễn thông, sản xuất ô tô, đóng tàu và hàng không.
“Chia sẻ” là yếu tố quan trọng dẫn đến thỏa thuận, bao gồm 4 chiếc tàu của Trung Quốc được ký kết vào tháng 11/2018 với nhà điều hành tàu du lịch lớn nhất thế giới, Carnival Corp. – công ty có trụ sở tại Florida, công ty này cũng là đối tác lâu năm của hãng đóng tàu Ý Fincantieri SpA và China State Shipbuilding Corp.
Để đáp ứng nhu cầu gia nhập vào thị trường Trung Quốc của công ty Carnival, công ty Fincantieri sẽ cấp phép cho nhà máy đóng tàu của Trung Quốc được sử dụng công nghệ chuyên môn đóng tàu du lịch của họ - một trọng tâm của chương trình “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” do Chính phủ Trung Quốc đề ra. Phát ngôn viên của công ty Carnival, Roger Frizzell cho biết nhu cầu về tàu du lịch trên toàn thế giới đang vượt xa nguồn cung và điều này sẽ còn tiếp tục trong tương lai, trong đó Trung Quốc dự kiến sẽ là thị trường lớn nhất thế giới.
Liệu có giải pháp để giải quyết bế tắc hay không?
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông không hề vội vàng mong tiến tới thỏa thuận, trong khi báo People’s Daily của Trung Quốc lại than “Chính phủ Mỹ đang ‘được voi đòi tiên’”. Qua vài năm nữa, sự chuyển dịch tập trung vào các ngành công nghệ cao hơn của Trung Quốc sẽ khiến nước này phải tự động thắt chặt các điều luật và quy định về bí mật thương mại và sở hữu trí tuệ - nếu nước này muốn bảo vệ các công ty nội địa.
Chuyện tương tự như thế từng xảy ra trước đây chưa?
Tất nhiên là có. Lần đầu tiên Trung Quốc mở cửa với thế giới vào những năm cuối thập niên 1970, nước này không được xem là một rắc rối lớn bởi vì khoảng cách về công nghệ với các nước khác quá lớn. Việc đó đã thay đổi kể từ khi Trung Quốc phát triển.
Các công ty sản xuất hóa chất của Mỹ nói rằng các đối thủ Trung Quốc đã đi từ tụt hậu sau họ 30 năm thành chỉ tụt sau họ 3 - 5 năm chỉ trong vòng một thập kỷ, ông Parker của Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung, cho biết. “Loại chuyện phát triển đáng kinh ngạc như vậy không thể xảy ra”, ông Parker nói.
Nói rộng hơn, vấn đề này đã tồn tại hàng thế kỷ. Hàng trăm năm trước, ngay cả những người đã sáng lập ra nước Mỹ dường như cũng không để tâm lắm đến vấn đề đánh cắp sở hữu trí tuệ. Trong bài “Báo cáo về Sản xuất” năm 1791, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Alexander Hamilton còn chủ trương khen thưởng những người có công mang lại “những cải tiến và bí mật có giá trị phi thường” cho Mỹ.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|