Tiền ảo Libra Facebook: "Cú liều" của Mark Zuckerberg
Tờ The New York Times chỉ ra 4 vấn đề lớn mà Facebook đang phải đối mặt khi công bố ra mắt đồng tiền ảo Libra với tham vọng trở thành đồng tiền kĩ thuật số toàn cầu.
Mark Zuckerberg - ông chủ Facebook chuẩn bị cho ra mắt tiền điện tử Libra, thách thức hệ thống tiền tệ toàn cầu. Ảnh ITN
|
Tham vọng đồng tiền ảo toàn cầu
Facebook và các đối tác lớn như Uber, Spotify, PayPal và VISA công bố chính thức về Libra - đồng tiền kĩ thuật số toàn cầu.
"Chúng tôi tin tưởng rằng thế giới cần một loại tiền kĩ thuật số toàn cầu, tập hợp các đặc tính tốt nhất của tiền tệ như ổn định, lạm phát thấp, được chấp nhận và có khả năng trao đổi trên toàn cầu", đại diện Facebook cho biết.
Facebook xây dựng một hệ thống thanh toán và tiền tệ mới bằng cách sử dụng công nghệ Blockchain. Công ty này lập công ty Calibra, chuyên cung cấp dịch vụ tài chính cho các cá nhân và doanh nghiệp, bao gồm cả tiền tiết kiệm, tiền chi tiêu và tiền gửi.
Libra có khoảng 25 đối tác của Facebook hỗ trợ. Ảnh Libra
|
Các tiêu chuẩn áp dụng cho đồng tiền số này được quản lý bởi một tổ chức phi lợi nhuận ở Thụy Sỹ có tên là Hiệp hội Libra. Đồng tiền này sẽ có ngân hàng trung ương riêng là Libra Reserve và Hội đồng quản trị gồm đại diện của những doanh nghiệp hàng đầu trong làng công nghệ đang bắt tay với Mark Zuckerberg.
Nếu người dùng mua 1 USD đồng Libra, đồng USD này sẽ được đưa vào lưu trữ ở một nơi nào đó, sẵn sàng được sử dụng khi người ta bán ra đồng tiền số.
Trong khi các đồng tiền ảo như Bitcoin hiện rất khó sử dụng, Libra được hứa hẹn sẽ rất thân thiện và được tích hợp vào Facebook và WhatsApp.
4 vấn đề nóng mà Libra phải đối mặt
Thứ nhất, tổ chức một hệ thống thanh toán là nhiệm vụ phức tạp và khó khăn, đòi hỏi phải đầu tư rất lớn, tuân thủ các quy định để ngăn ngừa rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế...
Tái tạo một hệ thống có tính phức tạp như vậy không phải một dự án mà một công ty từng dính nhiều “phốt” về lộ thông tin khách hàng như Facebook nên làm.
Tệ hơn, việc không tạo ra các biện pháp bảo vệ như vậy có thể tạo điều kiện cho các hoạt động phi pháp lộng hành, thậm chí là gián tiếp tạo điều kiện cho khủng bố.
Đồng tiền kĩ thuật số mới của Facebook dự kiến sẽ “gây bão“. Ảnh FB
|
Thứ hai, Quốc hội Mỹ nhiều lần ngăn chặn các ngân hàng Mỹ không được cạnh tranh trực tiếp với khách hàng của họ.
Ngân hàng và thanh toán là một lĩnh vực đặc biệt, cho phép ngân hàng tiếp cận các bí mật kinh doanh của khách hàng. Năm 1970, một công ty du lịch cho rằng ngân hàng có thể biết hết các khách hàng tốt nhất của họ và nếu ngân hàng đầu tư vào lĩnh vực du lịch và cạnh tranh trở lại, họ sẽ không có đối thủ. Đó là lý do lệnh cấm được ban hành.
Nếu Facebook nắm mọi bí mật của doanh nghiệp. Xung đột lợi ích chính là lý do mà thanh toán và ngân hàng được tách ra khỏi phần còn lại của kinh tế Mỹ. Libra có thể mang lợi thế cho các ông lớn góp mặt trong ban quản trị. Ví dụ, Uber dùng Libra giảm giá cho khách hàng thay vì sử dụng các hãng xe công nghệ khác. Nếu xảy ra, Facebook mang lại cuộc cạnh tranh không công bằng trên toàn thị trường.
Thứ 3, Libra nói riêng và bất cứ hệ thống tiền ảo tư nhân nào nói chung, mang lại những rủi ro cho nền kinh tế. Điều gì sẽ xảy ra nếu hành vi trộm cắp xảy ra? Hay tất cả mọi người muốn bán Libra cùng một lúc? Thiết lập một mạng thanh toán quốc tế tư nhân là rủi ro quá lớn.
Thứ tư, vấn đề an ninh và chủ quyền quốc gia. Cho phép một đồng tiền mở vượt mọi biên giới là lựa chọn khó khăn. Mỹ sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các cá nhân hoặc quốc gia làm tổn hại tới nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, với sự ra đời của một loại tiền tệ tư nhân, lệnh trừng phạt kinh tế của các chính phủ có thể mất đi uy lực.
Liệu Facebook và các nhà đầu tư mạo hiểm vốn là lãnh đạo các công ty công nghệ sẽ quyết định áp dụng lệnh trừng phạt với một quốc gia nào đó theo yêu cầu của ai đó hay không? Câu trả lời có lẽ là không.
Hương Nguyễn
Lao động