'Một tỷ đồng/m2 đất không phù hợp điều kiện kinh tế Đà Lạt'
Đại diện Sở TNMT tỉnh Lâm Đồng nhận định con số 400-500 triệu đồng/m2 hay 1 tỷ đồng/m2 không phải phổ biến và không phù hợp điều kiện kinh tế địa phương.
Trước những thông tin không chính xác về giá đất ở một số khu vực trong địa bàn thành phố Đà Lạt, thậm chí một số mảnh đất có vị trí trung tâm được cò đất “hét giá” lên đến 1 tỷ đồng/m2, Zing.vn đã trao đổi với đại diện của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Lâm Đồng, đơn vị có nhiệm vụ chủ trì xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và xác định giá đất cụ thể tại địa phương để làm rõ hơn về vấn đề này.
Có hay không giá đất 1 tỷ đồng/m2?
Đối với trường hợp giá đất ở Đà Lạt được rao bán lên đến 400-500 triệu đồng/m2 hay 1 tỷ đồng/m2, ông Nguyễn Minh Thuần, Phụ trách phòng Kế hoạch - Tài chính Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Lâm Đồng nhận định, những con số này không thể được xem là giá đất phổ biến.
“400 triệu, 500 triệu hay 1 tỷ đồng/m2 không phải là mức giá phổ biến trên thị trường, tức là nó không xuất hiện với tần suất nhiều nhất trong các giao dịch chuyển nhượng.
Nếu có thì đây cũng chỉ là một vài trường hợp cá biệt, không phù hợp với mức thu nhập và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Thuần khẳng định.
Trong 5 năm trở lại đây, giá đất khu trung tâm thành phố Đà Lạt tăng gấp 6-7 lần. Ảnh: Lê Quân.
|
Theo tìm hiểu Zing.vn trước đó, thị trường bất động sản Đà Lạt, đặc biệt là khu trung tâm đang có dấu hiệu bị thổi phồng giá quá mức bởi cò đất, cao gấp 3-4 lần so với giá trị giao dịch thực tế, dẫn đến những xáo trộn trong hoạt động mua bán, sang nhượng nhà đất ở địa phương. Cá biệt, có trường hợp những mảnh đất ở vị trí đắc địa được rao bán lên đến 1 tỷ đồng/m2.
Tuy nhiên, khi làm việc trực tiếp với chủ đất và các công ty bất động sản lớn tại địa phương, phóng viên ghi nhận giá đất trung bình ở khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt, quanh khu Hòa Bình có giao dịch thực tế dao động từ 180-200 triệu đồng/m2.
Không dễ dàng thay đổi giá đất
Ông Thuần cho biết việc xảy ra tình trạng giá cả của thị trường bất động sản Đà Lạt bị xáo trộn thời gian qua cũng có trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương.
Ông cũng cho rằng giá đất không thể dễ dàng bị thay đổi bởi những đối tượng cò đất như những thông tin đang được lan truyền trên truyền thông gần đây.
Theo ông Thuần, mỗi địa phương đều có một bảng giá đất và một bảng hệ số điều chỉnh giá đất, các thông số này đều được cập nhật hàng năm theo biến động của thị trường. Bảng giá đất được xem là bản lề, là giá gốc để thị trường công nhận và đưa ra mức giá giao dịch cụ thể.
Để có thể điều chỉnh bảng giá đất, cần có hai yếu tố. Thứ nhất, giá đất phổ biến trên thị trường phải tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất. Thứ hai, sự thay đổi này phải diễn ra liên tục trong 180 ngày trở lên. Ngoài ra, giá đất cũng có thể được thay đổi trong trường hợp có sự điều chỉnh về quy hoạch.
Theo quyết định số 69/2014/QĐ-UNBD của UBND tỉnh Lâm Đồng, khi thị trường có những biến động về giá, thành phố Đà Lạt có trách nhiệm cập nhật thông tin, làm rõ và báo cáo với các cơ quan chức năng, từ đó đề nghị điều chỉnh bảng giá đất hoặc hệ số điều chỉnh giá đất sao cho phù hợp. Sau đó, các cơ quan chức năng thẩm định lại giá trên địa bàn.
Ông Nguyễn Minh Thuần cho biết các cơ quan chức năng luôn cố gắng phối hợp để khảo sát, đánh giá một cách chính xác, từ đó đưa ra mức giá mang tính ổn định, phù hợp với cộng đồng dân cư và điều kiện của từng địa phương.
“Nếu điều chỉnh giá không khéo léo, không cân đối với thị trường sẽ dẫn đến phá vỡ mặt bằng thị trường”, ông nói thêm.
Ngoài ra, ông cũng cho biết đơn vị này đang xây dựng bảng giá đất của tỉnh Lâm Đồng cho chu kỳ giai đoạn 2020-2024 với những điều chỉnh, bổ sung phù hợp hơn. Bảng giá đất mới sẽ được UBND tỉnh Lâm Đồng công bố vào ngày 1/1/2020.
Hà Bùi
Zing.vn