Thứ Sáu, 14/06/2019 13:13

Giá cá tra 'ảm đạm', người nuôi lỗ nặng

Giá cá tra tại ĐBSCL giảm “không phanh” từ đầu năm 2019 đến nay khiến người nuôi và người sản xuất cá giống lỗ nặng.

Giá cá tra 'ảm đạm', người nuôi lỗ nặng
Dù giá giảm sâu nhưng cá đến lứa thì người nuôi phải thu hoạch, bởi neo lại sẽ tốn nhiều chi phí thức ăn và lỗ nặng. CÔNG HÂN

Nhiều hộ "treo" ao

Đồng Tháp là tỉnh có diện tích mặt nước nuôi cá tra lớn ở ĐBSCL với hơn 1.100 ha, tập trung ở các huyện đầu nguồn sông Tiền như: Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình và TX.Hồng Ngự. Năm 2018, do giá cá tra thịt liên tục tăng cao nên nhiều thửa ruộng sản xuất được 3 vụ lúa ven các tuyến kênh rạch được người nuôi cá thu mua với giá cao gấp 2 - 3 thị trường để đào ao nuôi cá.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Tháp, ở một số tuyến kênh rạch, dù không được quy hoạch khu nuôi trồng thủy sản nhưng người dân vẫn đào ao nuôi cá. Sau hơn 1,5 năm giá cá tra liên tục tăng cao, từ đầu năm 2019 đến nay giá cá sụt giảm liên tục, tình trạng đào ao nuôi cá ở một số địa phương không còn, một số nơi đã treo ao vì thua lỗ.

Ông Lại Hoàng Minh, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Tháp, nói: “So với giá đỉnh điểm 36.000 đồng/kg vào quý 4/2018, hiện cá tra thịt đã giảm khoảng 25.000 đồng/kg, chỉ còn 21.500 đồng/kg trở lại, trong khi giá thành sản xuất đã 23.500 đồng/kg. Toàn tỉnh ghi nhận có gần 13 ha treo ao do thua lỗ”.

Nông dân điêu đứng vì giá cá tra đang giảm gần 60% so với đỉnh điểm năm 2018. CÔNG HÂN

Ghi nhận của Thanh Niên ngày 12.6, giá cá tra thịt tại H.Châu Thành (Đồng Tháp) thương lái mua 20.000 - 21.500 đồng/kg, so với 2 tuần trước đó giảm 3.000 đồng/kg. Ông Lê Hồng Đức, có gần 10 ha nuôi cá tra tại xã An Nhơn, H.Châu Thành, than thở: “Ao cá của tôi mới bán cách nay 2 tuần còn có giá 24.000 đồng/kg, nhưng giờ chỉ còn 21.500 đồng/kg. Đó là giá liên kết chuỗi tiêu thụ với doanh nghiệp, chứ bán tự do chỉ 20.000 - 20.500 đồng/kg. Nuôi cá tra vốn rất nặng, nếu không bán được, neo lại mỗi ngày có thể tốn chi phí thức ăn vài trăm triệu. Tôi còn vài ao cá gần đến ngày thu hoạch, với giá này thì lỗ nặng”.

Giá cá tra thịt sụt giảm khiến giá cá tra giống giảm theo khiến nhiều hộ lỗ nặng. Anh Nguyễn Anh Duy có gần 1 ha ao sản xuất cá tra giống tại xã Tân Thành A, H.Tân Hồng (Đồng Tháp), cho biết từ đầu năm 2019 đến nay anh lỗ từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng/đợt sản xuất cá tra giống. Cả nhà mất ăn, mất ngủ vì lao vào con cá tra.

“Có người đòi thuê ao giá 100 triệu đồng/năm nhưng tôi giữ lại nuôi cá tra giống bán. Đợt đầu tiên ươm đúng thời điểm cá tra thịt sốt giá nên bán được 70.000 đồng/kg cá loại 30 - 32 con/kg, trúng mánh hơn 200 triệu đồng, sau đó rồi thua lỗ liên tiếp đến nay. Hiện cá giống bán ra chỉ 16.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất hơn 23.000 đồng/kg thì làm sao sống nổi”, anh Duy nói.

Hệ lụy dẫn đến giá cá tra giảm

Ông Lê Hồng Đức, nông dân nuôi cá tra ở H.Châu Thành, cho biết trên địa bàn huyện đã có tình trạng cá đến ngày thu hoạch nhưng thương lái và doanh nghiệp chưa muốn bắt khiến người nuôi gặp khó khăn. Còn theo anh Dũng, một chủ của phương tiện kobe chuyên đào ao nuôi cá thuê tại Đồng Tháp, một số hộ nuôi cá tra thuê anh đào ao nhưng do không bán được cá đã nên không có tiền trả chi phí đào ao cho anh.

Cùng cảnh ngộ với người nuôi cá tra thịt, người sản xuất cá tra giống cũng lỗ nặng. CÔNG HÂN

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra VN (VINAPA), bổ sung, cùng với tình trạng ào ạt đào ao nuôi cá, cung vượt cầu thì nguyên nhân chính dẫn đến giá cá tra sụt giảm mạnh là do xuất khẩu các sản phẩm cá tra đang gặp bất lợi. Các thị trường truyền thống của cá tra VN như Mỹ, Trung Quốc giảm nhập khẩu cá tra. Đặc biệt, Trung Quốc đã ban hành nhiều tiêu chuẩn chất lượng áp dụng đối với sản phẩm cá tra từ VN, đồng thời thắt chặt việc nhập khẩu tiểu ngạch sản phẩm này.

Theo ông Quốc, thời gian tới giá cá tra có thể gặp bất lợi do tình trạng xuất khẩu đang khó khăn. Trung Quốc và nhiều thị trường xuất khẩu chính đang đẩy mạnh áp dụng nhiều tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm từ cá tra của VN, đòi hỏi các địa phương cần tăng cường hướng dẫn người nuôi sản xuất theo hướng an toàn, tăng cường việc liên kết chuỗi tiêu thụ với doanh nghiệp.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch VINAPA cho hay Hiệp hội sẽ kiến nghị với Chính phủ, Bộ Công thương cùng các ngành liên quan tăng cường tìm kiếm thị trường xuất khẩu sản phẩm từ cá tra. Bên cạnh thúc đẩy các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Mỹ… cần đẩy mạnh xúc tiến thêm thị trường các nước châu Âu và Đông Nam Á, Nhật… để nhập khẩu sản phẩm từ cá tra VN. Trong đó, cần tập trung thị trường Trung Quốc vì thị trường này chịu nhập khẩu thì cá tra nước ta sẽ không đủ cung cấp”, ông Quốc nói.

Trần Ngọc

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Kiểm soát chặt nguồn heo vào TP.HCM (14/06/2019)

>   Giá thịt heo tăng sốc, khan hiếm (14/06/2019)

>   Gần triệu đồng một kg nấm gan bò Đà Lạt (14/06/2019)

>   Bình tĩnh, chủ động ứng phó dịch tả heo châu Phi (13/06/2019)

>   Chợ, siêu thị giám sát chặt lò giết mổ (12/06/2019)

>   Mexico nhập nhiều cá tra Việt nhất trong CPTPP (12/06/2019)

>   Trái cây, sữa Australia ồ ạt vào Việt Nam (12/06/2019)

>   Các địa phương kêu thiếu tiền hỗ trợ tiêu huỷ lợn dịch tả châu Phi (08/06/2019)

>   Lao đao cây tiêu Phú Quốc (08/06/2019)

>   3 triệu đồng một kg đuôi tôm hùm Australia (07/06/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật