Bình tĩnh, chủ động ứng phó dịch tả heo châu Phi
Nhờ chủ động ứng phó dịch tả heo châu Phi nên tại TP HCM, việc xuất hiện ổ dịch đầu tiên ở quận 9 chưa gây ra tác động tiêu cực đến tình hình kinh doanh, tiêu thụ heo
Ngày 12-6, ông Lê Minh Hải, Phó trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, có văn bản gửi UBND quận, huyện, đề nghị tăng cường biện pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi (DTHCP), sau khi ổ dịch đầu tiên xảy ra tại một hộ chăn nuôi ở phường Phú Hữu, quận Thủ Đức được công bố vào ngày 11-6.
Kinh doanh chưa bị ảnh hưởng
Theo văn bản trên, việc phòng chống DTHCP thực hiện theo tình huống 3 (dịch bệnh xảy ra tại hộ chăn nuôi trên địa bàn TP) trong kịch bản ứng phó đã được UBND TP HCM phê duyệt. UBND các quận, huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ thịt heo, sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch. Đồng thời, chỉ đạo các đoàn kiểm tra liên ngành quận/huyện, xã/phường kiểm tra nhà hàng, quán ăn, chợ; xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc.
Theo ghi nhận, nhờ chủ động ứng phó nên thông tin về DTHCP xâm nhập TP HCM chưa gây ra tác động tiêu cực đến tình hình kinh doanh, tiêu thụ heo.
Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty Quản lý Chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết ngày 12-6, lượng heo về chợ là 5.213 con, cao hơn mức bình quân 5.000 con/ngày và tiêu thụ ở mức độ bình thường. "Để tránh ảnh hưởng tiêu cực, ngày 12-6, chúng tôi đã có văn bản gửi thương nhân, cụ thể hóa các quy định nhằm bảo đảm nguồn thịt heo kinh doanh tại chợ là an toàn. Song song đó, chúng tôi tăng tần suất tiêu độc khử trùng chợ, giám sát việc tiêu độc khử trùng xe chở heo ra - vào chợ…" - ông Tiển nói.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), xác nhận đến chiều 12-6, tình hình giết mổ kinh doanh thịt heo tại Vissan vẫn ổn định so với những ngày trước. Có được như vậy là nhờ công tác tuyên truyền được triển khai rộng khắp, người dân hiểu đúng và bình tĩnh trước thông tin phát hiện ổ dịch tại quận 9. Theo ông An, hiện mỗi đêm Vissan giết mổ 1.200 - 1.300 con heo. Những ngày gần đây, giá heo đã nhích lên 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Tại các chợ đầu mối, giá thịt heo cũng đang tăng trở lại. Cụ thể, heo hơi loại 1 giá 38.000 đồng/kg, loại 2 giá 34.500 đồng/kg; heo mảnh loại 1 giá 50.000 đồng/kg, loại 2 giá 43.000 đồng/kg.
Đến hết ngày 12-6, sức mua thịt heo tại các hệ thống siêu thị Co.opmart, Big C… vẫn ổn định. Tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, lượng tiêu thụ tăng 25% và tại Big C tăng 10%-15% so với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh ở Việt Nam.
Người tiêu dùng chọn mua thịt heo tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi để an tâm về chất lượng, an toàn thực phẩm. Ảnh: THANH NHÂN
Huy động doanh nghiệp ứng phó
Tính từ đầu tháng 2-2019 đến nay, DTHCP đã xảy ra tại 3.980 xã, 407 huyện của 55 tỉnh, thành. Để ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh này, Sở Công Thương TP HCM đã và đang tập trung 3 giải pháp: kích cầu tiêu dùng thịt heo; tăng cường dự trữ thịt heo; tăng nguồn cung các mặt hàng thay thế khác. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu đúng về dịch bệnh, cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn nguồn hàng chứ không hoang mang, "quay lưng" với thịt heo.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, cho biết theo kế hoạch từ đầu năm, các doanh nghiệp (DN) trong chương trình bình ổn thị trường cam kết cung ứng ra thị trường 4.091 tấn thịt heo/tháng. Khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, Sở Công Thương đã làm việc với các DN lớn như Vissan, CP, Sagrifood…, yêu cầu bảo đảm nguồn hàng. Ngoài sản lượng thịt heo tham gia bình ổn thị trường, các DN cũng đã chuẩn bị sản lượng thịt tăng cường là 33,5 tấn thịt heo/ngày và 37 tấn thịt gà/ngày cho thị trường. "Các DN cam kết bảo đảm cung ứng ra thị trường 106,5 tấn thịt heo/ngày. Những DN tham gia bình ổn mặt hàng thịt gia cầm cũng chuẩn bị đủ nguồn hàng thay thế cho thịt gia súc với sản lượng khoảng 220 tấn thịt gà/ngày" - bà Trang thông tin thêm.
Không chỉ tập trung nguồn hàng, ngành công thương còn chuẩn bị kịch bản ứng phó cho cả 2 giai đoạn giá thịt heo xuống thấp và nguồn cung thịt heo giảm, giá tăng mạnh. Trong đó chủ động kích cầu, khuyến mại, giảm giá, tăng lượng cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu thay thế khác như thịt gia cầm, rau củ quả.
Theo ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc châu Á - Tập đoàn De Heus (Hà Lan), DTHCP đã được các nhà khoa học khẳng định không lây sang người nên ở châu Âu, trong thời điểm có dịch bệnh, tiêu thụ thịt không bị ảnh hưởng. Trong khi tại Việt Nam vẫn còn tồn tại giết mổ thủ công, giết mổ không phép nên có thể lẫn nguồn heo không bảo đảm, người tiêu dùng còn thiếu niềm tin. Do đó, để bảo đảm sức mua thịt heo trên thị trường, nhà nước cần kiểm soát chặt khẩu giết mổ.
Điểm chôn heo nhiễm bệnh an toàn
Xung quanh thông tin ổ dịch đầu tiên được xử lý chôn trong khuôn viên Nhà Văn hóa phường Phú Hữu, ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP HCM, cho biết thực tế đây là khu đất trống, xa khu dân cư nên được chọn là nơi tiêu hủy heo. Theo ông Bảo, qua khảo sát đây là vị trí bảo đảm cho công tác xử lý tiêu hủy heo bằng phương pháp chôn.
Theo chỉ đạo của UBND TP HCM, các quận - huyện có chăn nuôi heo trên địa bàn phải tìm vị trí sẵn theo nguyên tắc đất xa khu dân cư, nếu xảy ra dịch sẽ tổ chức tiêu hủy tại đó. Trong trường hợp dịch xảy ra ở quy mô lớn, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ lên phương án tiêu hủy tập trung tại bãi rác dự phòng ở Khu Liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp (huyện Củ Chi).
|
THANH NHÂN - NGỌC ÁNH
Người Lao động
|