Việt Nam có thể vượt Trung Quốc thành điểm đến của nhà xuất khẩu Mỹ?
Cũng như một vài quốc gia châu Á khác, Việt Nam theo đuổi mô hình tăng trưởng với động lực là xuất khẩu, đồng thời kết hợp sự tự do hóa thương mại và xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài để thúc đẩy xuất khẩu.
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ngày càng nhanh trong vài năm gần đây, một phần nhờ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung – vốn đã bắt đầu từ hơn 9 tháng trước và vẫn chưa có dấu hiệu dịu lại.
Kết quả là trong quý 1/2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tới Mỹ đã tăng 28.8% so với cùng kỳ năm trước và từ đó, Mỹ là quốc gia nhập khẩu nhiều hàng Việt Nam nhất.
Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất cũng đã chuyển cơ sở sản xuất tới Việt Nam, bao gồm Foxconn, Samsung và LG.
Dưới đây là 5 lý do tại sao Việt Nam là điểm đến ưa thích của các nhà xuất khẩu Mỹ.
1. Các hiệp định thương mại tự do
Trong vài năm vừa qua, Việt Nam đã chủ động ký kết thỏa thuận thương mại song phương với các quốc gia trên khắp thế giới.
Là thành viên của Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam cũng tham gia vào một số hiệp định thương mại tự do (FTA) mà khối này đã ký kết.
Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ giúp Việt Nam có môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn.
Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, sản xuất và quyền nhân viên được đảm bảo trong các hiệp định trên sẽ giúp Việt Nam chuyển mình thành công xướng sản xuất và mở rộng như là cơ sở xuất khẩu.
2. Gần với Trung Quốc
Việc ở gần với Trung Quốc cũng giúp Việt Nam trở thành một cơ sở sản xuất.
Các thành phố như Hải Phòng chỉ cách 865 km so với trung tâm sản xuất Thâm Quyến của Trung Quốc.
Bằng cách đặt các trung tâm sản xuất gần với các cơ sở sản xuất truyền thống ở Trung Quốc, các công ty sản xuất có khả năng giảm chi phí nhờ giới hạn sự gián đoạn hoặc trì hoãn tới chuỗi cung ứng hiện tại.
Thêm vào đó, nhiều nhà máy sản xuất ở Việt Nam là do nước ngoài sở hữu với vốn đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc. Nhờ đó, quá trình chuyển dời từ Trung Quốc sang Việt Nam diễn ra suôn sẻ hơn, tạo điều kiện thuận lợi để chuyển giao danh sách kiểm tra, thông số kỹ thuật hoặc các thông tin sản phẩm khác.
3. Mạng lưới vận tải
Việt Nam gần với các tuyến đường vận chuyển khu vực và nằm ở châu Á và nhờ đó thu hút các công ty sản xuất thâm nhập vào Việt Nam để tập trung vào xuất khẩu.
Việt Nam có đường bờ biển dài gần 3,200 km với khoảng 114 cảng biển. Ba cảng biển lớn nhất ở Việt Nam là Hải Phòng (miền Bắc), Đà Nẵng (miền Trung) và Tp.HCM (miền Nam).
Ngoài ra, Việt Nam còn có mạng lưới đường sắt rộng khắp: Tuyến từ Côn Minh (Trung Quốc) – Hải Phòng (Việt Nam) dài 855 km vẫn là một trong những kênh quan trọng để vận chuyển hàng hóa.
Mặc dù cơ sở hạ tầng Việt Nam vẫn chưa bằng với Trung Quốc, nhưng Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
4. Chi phí nhân công thấp
Mức lương tối thiếu hàng tháng của Việt Nam trong năm 2019 biến động theo khu vực – từ 125 USD cho tới 180 USD, trong đó mức cao nhất là ở các thành phố như Tp.HCM và Hà Nội.
Mức lương trên chỉ bằng phân nửa ở nhiều tỉnh của Trung Quốc, từ 143-348 USD.
Trung Quốc chiếm ưu thế trong ngành sản xuất nhưng khi tiền lương ngày một tăng, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng hoạt động sang duy trì biên lợi nhuận ở những cơ sở sản xuất có chi phí thấp.
Bên cạnh đó, dân số ngày càng già hóa của Trung Quốc cũng dẫn tới sự thiếu hụt lao động ở ngành sản xuất. Mặc dù Việt Nam vẫn cần phải phát triển lực lượng lao động lành nghề, nhưng dân số khá trẻ và năng động của Việt Nam đã sẵn sàng để khỏa lấp khoảng trống đó.
5. Quản lý
Việt Nam có Chính phủ tương đối ổn định, đưa ra những định hướng chiến lược và quyết định mọi vấn đề chính sách lớn.
Chính phủ Việt Nam đang cố gắng cải thiện chính sách kinh doanh và luật lao động, bao gồm cả xếp hạng của Việt Nam trong báo cáo về điều kiện kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB).
Việt Nam tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng và không ngại nhìn sang các nước bên ngoài ASEAN để thúc đẩy tăng trưởng.
Chính phủ Việt Nam cũng đầu tư vào khu công nghiệp và khoản đầu tư này được dự báo sẽ tăng lên khi nguồn vốn nước ngoài chảy vào.
Dịch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam
Thách thức lớn nhất của Việt Nam tại thời điểm này là làm sao quản lý tăng trưởng một cách có trách nhiệm.
May thay, cuộc chiến thương mại đã tạo ra đủ lực đẩy để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất dịch chuyển cơ sở sản xuất sang nước khác, như Việt Nam. Trong thời gian gần đây, đã xuất hiện sự chuyển dịch trong mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó các quốc gia như Việt Nam hưởng nhiều lợi ích.
Trước khi xem Việt Nam là điểm đến tiềm năng để chuyển cơ sở sản xuất, các nhà đầu tư nước ngoài phải rà soát đặc biệt (due diligence) và xem xét tới nhiều yếu tố, như xác định địa điểm, nguyên vật liệu thô, đối tác để nhập hàng và mảng logistics.
Vũ Hạo (Theo China Briefing)
FiLi
|