Tuyên bố áp thuế lên Mexico của ông Trump khiến Dow Jones rớt hơn 300 điểm
Chứng khoán Mỹ rớt mạnh trong ngày thứ Sáu (31/05) khi nhà đầu tư lo sợ động thái áp thuế bất ngờ lên toàn bộ hàng hóa Mexico của Tổng thống Mỹ Donald Trump – giữa lúc đang chiến tranh thương mại với Trung Quốc – có nguy cơ đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái.
Tính tới lúc 20h40 ngày thứ Sáu (31/05 – giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones giảm 325.5 điểm (tương đương 1.29%), trong khi S&P 500 rớt 1.37% và Nasdaq Composite lùi 1.53%. Chỉ số S&P 500 đã giảm 5.3% trong tháng này (tính tới ngày 30/05), sau khi cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đổ vỡ và hai bên đưa ra nhận định cứng rắn hơn.
“Cú áp thuế bất ngờ của Tổng thống Trump có thể chỉ là lời đe dọa trong thời gian ngắn và có thể nhanh chóng rút lại khi Mexico đưa ra các cam kết về an ninh biên giới, nhưng nó vẫn gây thiệt hại ở một chừng mực nhất định”, Krishna Guha, Trưởng bộ phận chính sách toàn cầu và chiến lược ngân hàng trung ương tại Evercore ISI, viết trong một báo cáo. “Ở bức tranh lớn, nó cho thấy chính sách thương mại của ông Trump có thể mang lại sự không chắc chắn dài dăng dẳng và sự bất ổn trên hệ thống thương mại toàn cầu”.
Cổ phiếu GM rớt 4%, Ford “đi” 3.3%. Cả hai công ty này đều có hoạt động sản xuất đáng kể ở Mexico và có thể bị áp thuế quan. Cổ phiếu của hai công ty đường sắt Kansas City Southern và Union Pacific cũng rớt lần lượt 5% và 2%. Cổ phiếu Fiat Chrysler lao dốc 5.1%.
Cổ phiếu của nhà sản xuất bia Constellation Brands lao dốc 6.8% và chuẩn bị ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ ngày 09/01/2019.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rơi xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ năm 2017. Lợi suất của trái phiếu này đạt 2.17% vào sáng ngày thứ Sáu (31/05 – giờ ET). Đồng Peso của Mexico giảm hơn 3% so với USD và dao động ở mức 19.77 đổi 1 USD.
Trong ngày thứ Năm (30/05), ông Trump thông báo rằng Mỹ sẽ áp thêm thuế 5% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mexico vào ngày 10/06/2019. Trong một tuyên bố, ông cho biết nguyên nhân dẫn tới động thái bất ngờ trên là vì “cuộc khủng hoảng biên giới” đã khiến nước Mỹ bị “xâm lấn bởi hàng trăm ngàn người”. Ông thậm chí còn đề xuất nâng thuế lên 25% vào ngày 01/10/2019 nếu Mexico không đưa ra động thái để ngăn chặn dòng nhập cư vào Mỹ.
Phía Nhà Trắng đã xác nhận trong một tuyên bố rằng hàng rào thuế quan 5% đối với hàng hóa Mexico sẽ có hiệu lực từ ngày 10/06/2019 và nói thêm: “Nếu cuộc khủng hoảng di cư bất hợp pháp được xoa dịu nhờ các động thái hiệu quả của Mexico – được xác định theo sự đánh giá và quyết định của chúng tôi – thì hàng rào thuế quan này sẽ được gỡ bỏ. Tuy nhiên, nếu cuộc khủng hoảng tiếp diễn thì mức thuế sẽ được nâng lên 10% từ ngày 01/07/2019. Tương tự, nếu Mexico vẫn không hành động để giảm đáng kể hoặc loại bỏ những người di cư băng qua lãnh thổ của họ để vào nước Mỹ, hàng rào thuế quan sẽ được nâng lên 15% vào ngày 01/08/2019, lên 20% vào ngày 01/09/2019 và lên 25% vào ngày 01/10/2019".
Mexico là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Mỹ nhập khẩu hàng tỷ USD chất hóa học, thiết bị vận tải và các hàng hóa khác từ Mexico mỗi năm.
Thông tin về việc Mỹ áp thuế lên toàn bộ hàng hóa của Mexico được đưa ra khi Mỹ cố gắng tiến tới một thỏa thuận với Trung Quốc
Washington và Bắc Kinh đã áp thuế trị giá hàng tỷ USD đối với hàng hóa của nhau từ đầu năm 2018, làm chao đảo các thị trường tài chính. Vào đầu tháng này, cả 2 nước đã làm leo thang căng thẳng qua các động thái nâng thuế quan.
Trong ngày thứ Tư (29/05), tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc công khai cảnh báo Mỹ rằng Trung Quốc sẽ cắt nguồn cung khoáng sản đất hiếm như là một biện pháp đáp trả trong cuộc chiến thương mại.
Kích động mâu thuẫn thương mại là "chủ nghĩa khủng bố kinh tế trần trụi", một nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc phát biểu ngày 30/05. Tuyên bố này một lần nữa thể hiện quan điểm cứng rắn của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại căng thẳng chưa có hồi kết với Washington.
Theo tin từ CNBC, phát biểu trước báo giới ở Bắc Kinh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhang Hanhui nói rằng nước này phản đối việc sử dụng "những cây gậy lớn" như trừng phạt thương mại, thuế quan và chủ nghĩa bảo hộ.
"Chúng tôi phản đối chiến tranh thương mại nhưng không sợ chiến tranh thương mại. Việc kích động mâu thuẫn thương mại có chủ đích như thế này chính là chủ nghĩa khủng bố kinh tế trần trụi", ông Zhang trả lời khi được hỏi về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|