TP.HCM mời gọi đầu tư 210 dự án với tổng vốn đầu tư gần 54 tỷ USD
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào TP.HCM diễn ra sáng ngày 08/05/2019, TP.HCM đã mời gọi đầu tư vào 210 dự án thuộc 9 lĩnh vực với tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án này gần 54 tỷ USD, tương đương gần 1.2 triệu tỷ đồng.
Riêng lĩnh vực hạ tầng giao thông có 85 dự án (55 dự án cầu - đường bộ, 7 dự án giao thông đường thủy, 8 dự án đường sắt nội đô và 15 dự án đường bộ nội bộ), tổng nhu cầu vốn đầu tư gần 42 tỷ USD, tương đương 923,630 tỷ đồng.
TP.HCM mời gọi đầu tư 210 dự án thuộc 9 lĩnh vực
|
Tổng vốn đầu tư theo từng lĩnh vực. Đơn vị tính: Triệu USD
|
Theo quan điểm của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), quy mô thị trường bất động sản đã tăng trưởng gấp đôi trong 10 năm trở lại đây nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Bất cập chủ yếu là tình trạng quá tải hệ thống hạ tầng đô thị, ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường sống.
Trong danh mục 210 dự án mời gọi đầu tư lần này, HoREA và các doanh nghiệp bất động sản quan tâm và mong muốn được tham gia đầu tư vào nhiều dự án thuộc các lĩnh vực hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng đô thị, chỉnh trang đô thị và thương mại dịch vụ.
Trong phần phát biểu của mình, Chủ tịch HoREA đã đưa ra nhiều kiến nghị cho UBND TP.HCM. Trước hết là bổ sung thêm các dự án mời gọi đầu tư như dự án đô thị sáng tạo phía đông TP.HCM, dự án Bình Quới - Thanh Đa, dự án Nam Kênh Đôi, dự án Rạch Xuyên Tâm, các dự án cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ,… Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành sớm hoàn thành quy hoạch chi tiết phân khu tỷ lệ 1/2000 đối với quỹ đất thuộc hành lang sông, rạch.
Liên quan đến hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành sẽ tùy theo pháp lý sử dụng đất của từng khu đất và mục tiêu đầu tư dự án mà có 4 hình thức.
Thứ nhất, quyết định chủ trương đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Nhà ở) đối với các dự án đầu tư kinh doanh mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất hợp pháp.
Thứ hai, đấu giá quyền sử dụng đất (thực hiện theo quy định của Luật Đất Đai và Luật Đấu giá tài sản) đối với các dự án đầu tư kinh doanh mà nhà đầu tư mong muốn thực hiện có địa điểm thực hiện dự án là các khu đất trống, đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đất có tài sản gắn liền với đất mà tài sản thuộc sở hữu Nhà nước.
Thứ ba, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu) các dự án có sử dụng đất trong trường hợp dự án đầu tư kinh doanh mà nhà đầu tư mong muốn thực hiện có địa điểm thực hiện dự án là các khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao cần lựa chọn nhà đầu tư thuộc danh mục dự án được phê duyệt để xây dựng công trình thuộc đô thị, khu đô thị mới; nhà ở thương mại; công trình thương mại và dịch vụ; tổ hợp đa năng.
Và cuối cùng, hình thức đối tác công tư - PPP (thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu) đối với các trường hợp đầu tư trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
Tính đến cuối năm 2018, đã có 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TP.HCM với 8,112 dự án, tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 44.94 tỷ USD. Riêng trong năm 2018, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 7.07 tỷ USD, tăng hơn 7% so với năm 2017, chiếm 22% tổng FDI của cả nước.
Nguyên Ngọc
FILI
|